‘Tuyên chiến’ với văn mẫu bắt đầu từ đâu?
‘Tuyên chiến’ với văn mẫu bắt đầu từ đâu?
Năm nay là năm học đầu tiên Bộ GD-ĐT ra hẳn một văn bản riêng để ‘tuyên chiến’ với nạn văn mẫu tồn tại cả chục năm qua. Tuy nhiên, việc thực hiện thế nào đang phụ thuộc rất nhiều vào cách thức kiểm tra, đánh giá…
Bộ GD-ĐT có Công văn số 3175 gửi các sở GD-ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Theo Bộ GD-ĐT, văn bản này để khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, đồng thời yêu cầu: “Giáo viên (GV) có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh (HS) đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của HS. Tránh đọc chép và yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức một cách máy móc”.
Giờ học văn của Trường phổ thông Dewey (Hà Nội) TUYẾT MAI |
Khi HS lớp chọn vẫn không làm được những yêu cầu tối thiểu
Thầy Ngô Thanh Hải, GV Trường THPT Lạng Giang số 2 (Bắc Giang), chỉ ra thực tế sau 5 tuần đầu tiên dạy chương trình ngữ văn 10 mới, ông “hết tăng xông rồi tụt mood” vì những cái tối thiểu, căn cốt nhất mà HS lớp chọn cũng không thể làm nổi: tóm tắt cốt truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Thậm chí, tóm tắt một sự kiện, sự việc cũng không thành, mà bài thì có trong sách, đã được dạy theo đúng diễn biến cốt truyện trên lớp, giờ chỉ là ôn tập lại. Đây là HS lớp chọn thứ 2 khối D của trường gần 2.000 HS, với điểm đầu vào môn văn từ trên 7 đến 8,5…
Ông Hải đánh giá chương trình và sách giáo khoa (SGK) ngữ văn lớp 10 mới được soạn rất công phu, khoa học và khá hay, hướng đến việc dạy, học văn đúng nghĩa. Tuy nhiên, chương trình mới, tư duy mới nhưng HS là sản phẩm của hệ tư tưởng và cách dạy cũ, thì việc trật khấc là tất yếu. Nhưng sự việc vẫn khiến ông kinh ngạc bởi những thứ tối thiểu, học theo kiểu chương trình cũ mà HS lớp chọn không thể làm…
Một thế hệ HS học theo văn mẫu
Từ lớp 9 lên lớp 10 là sự thay đổi lớn về chương trình, phương pháp học tập. HS ở bậc THCS, kể cả HS lớp 9 ôn luyện vào lớp 10 phần lớn vẫn học theo kiểu bài mẫu, học thuộc lòng. Lối học vẹt đó bắt nguồn từ việc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ cho mấy văn bản trong SGK, lại có giảm tải; cách ra câu hỏi trong đề thi cũng kiểu phân tích, cảm nhận một đoạn trong tác phẩm, không có yêu cầu gì vận dụng, sáng tạo, hoặc buộc HS phải tư duy. GV luyện thi ở bậc THCS làm sẵn các đề của một số đoạn trọng tâm, rồi bắt HS thuộc bài, vào thi chỉ việc nhớ, chép ra.
Cô Hoàng Thị Tâm, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Dewey (cơ sở Q.Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Việc dạy và học văn ở nước ta hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực hơn so với khoảng 10 năm trước, tương ứng với một thế hệ người học. Tuy nhiên, sự thay đổi đó chưa thể diễn ra trọn vẹn hoặc phổ biến trên tất cả trường học, môi trường học tập”.
Theo cô Tâm, việc dạy và học văn đòi hỏi sự tôn trọng cảm xúc của chính tác giả cũng như của người tiếp nhận tác phẩm, người học. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại câu chuyện GV dạy văn định hướng hoàn toàn hoặc yêu cầu HS tiếp nhận tác phẩm, kết luận về cảm xúc, suy nghĩ của tác giả một cách khiên cưỡng. Chính vì thế, dù có năng lực nghệ thuật, tiếp nhận tác phẩm văn học theo góc nhìn riêng một cách hợp lý, thuyết phục, HS nhiều khi vẫn không có cơ hội hoặc không dám nói lên tiếng nói của riêng mình. Cô Tâm cũng nhận định, văn mẫu tồn tại lâu năm trong nhà trường đã khiến nhiều thế hệ HS ghét môn văn – tiếng Việt vì không được nói lên, không được biểu đạt suy nghĩ của mình mà phải nói theo, nói như văn mẫu. Theo đó, tư duy độc lập và sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của HS ít hoặc không được chú trọng trau dồi, rèn luyện. Đơn giản như, HS chỉ viết được bài văn về tác phẩm đã ôn luyện, nếu gặp tác phẩm mới tinh sẽ không biết làm thế nào để phân tích hay biểu đạt suy nghĩ của mình.
Việc dạy học văn ở nhiều nơi cũng đã có những thay đổi tích cực hơn so với khoảng 10 năm trước, tương ứng với một thế hệ người học TUYẾT MAI |
Phải bắt đầu từ cách ra đề của Bộ, Sở
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: “Hậu quả của việc dạy và học văn mẫu thì ai cũng biết rồi. Vấn đề bây giờ là chống thế nào cho hiệu quả? Tôi ủng hộ chủ trương chống văn mẫu của Bộ GD-ĐT tại Công văn 3175. Muốn chống văn mẫu phải đi từ việc thay đổi cách đánh giá HS trong kiểm tra cuối năm, cuối kỳ và thi tốt nghiệp… GV vẫn đang chờ đợi sự thay đổi trong chính cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT (kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới) và đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của các sở GD-ĐT, trong đó có sở GD-ĐT Hà Nội”.
Cô Phạm Thái Lê, GV dạy văn Trường Marie Curie (Hà Nội), khi nhận xét về cách ra đề thi môn ngữ văn các năm gần đây trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội cũng cho rằng cách ra đề như vậy khiến HS vui mừng vì “trúng tủ” nhưng người dạy văn lại bận tâm: chừng nào đề thi gợi mở cho HS sáng tạo, không chờ đợi sự “trúng tủ” thì khi đó mới đổi mới được việc dạy và học môn văn. Điều mà GV mong muốn là đề thi tăng cường tính gợi mở, chấp nhận những suy nghĩ riêng của mỗi HS, được các em viết ra bằng cách hành văn của chính mình, thì lúc đó mới thực sự tạo động lực và buộc nhà trường, GV đổi mới phương pháp dạy môn văn.
“Loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định”
Tháng 8 vừa qua, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo nhằm đánh giá thực trạng dạy học các môn ngữ văn, lịch sử hiện nay ở trường phổ thông. Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu và nhấn mạnh, văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy văn học làm rộng mở trí tưởng tượng, phát triển các cảm xúc. “Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người”, ông Sơn nêu yêu cầu.
Cho rằng đổi mới dạy học, kiểm tra và đánh giá môn ngữ văn là việc cần thiết, quan trọng, song Bộ trưởng Sơn cũng yêu cầu “không thể nóng vội”, điều quan trọng là: “Chúng ta bàn về sự đổi mới để hướng tới sự tốt nhất. Có thể nhìn thấy con đường đi còn xa nhưng cần phải biết sẽ đi đến đâu. Đổi mới phải bắt đầu từ bên trong, từ chính chúng ta trước, sau đó thuyết phục xã hội. Con đường còn dài, nhưng tính tổng thể và tầm nhìn đổi mới phải bắt đầu…”.
Cô Thái Lê chia sẻ: “Tôi cũng đã từng không ít lần nêu ý kiến của mình xung quanh vấn đề này, rằng muốn đổi mới căn bản việc dạy học văn thì phải đổi mới về cách ra đề thi. Tâm lý thi gì học nấy là điều dễ hiểu, nhất là với những kỳ thi có ý nghĩa quan trọng như thi tuyển sinh vào lớp 10 này. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, GV chúng tôi khi dạy các lớp 6, 7 thì rất “tung tẩy”, đổi mới phương pháp, ra những đề kiểm tra thể hiện sự tìm tòi của GV để tìm ra những HS có tố chất, có sáng tạo, có tư duy độc lập… Tuy nhiên, đến lớp 8 và đặc biệt là lớp 9, thì GV lại phải quay trở lại dạy học theo “khuôn khổ” cách thức ra đề thi lớp 10 truyền thống, để đảm bảo HS của mình đi thi đạt điểm tốt”.
Cô Nguyễn Thị Thúy, Trường phổ thông Dewey (Hà Nội), cũng cho rằng những cách dạy văn rất khác biệt mà trường bà đang áp dụng đúng với tinh thần mà Bộ GD-ĐT đang hướng đến. Nhưng bà cũng khẳng định: nếu HS lớp 9 học theo cách như vậy nhưng thi theo đề của Sở GD-ĐT Hà Nội ra để tuyển sinh lớp 10 các năm trước thì không được điểm cao. Đặc biệt, với kỳ thi quan trọng nhất của HS THCS là thi vào lớp 10 mà cách ra đề vẫn đóng như vậy thì rất khó cho các nhà trường trong đổi mới dạy học văn.
TUỆ NGUYỄN
TNO