30/10/2024

Dự luật dân chủ ở cơ sở: Doanh nghiệp lo thêm chi phí, chồng chéo

Dự luật dân chủ ở cơ sở: Doanh nghiệp lo thêm chi phí, chồng chéo

Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục gây lo ngại khi có nhiều yêu cầu công khai, cho người lao động bàn và quyết định ở doanh nghiệp.

 

Dự luật dân chủ ở cơ sở: Doanh nghiệp lo thêm chi phí, chồng chéo - Ảnh 1.

Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản phía Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần coi lại công đoàn có hoàn thành trách nhiệm của mình, có thực sự là người bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nếu chưa thì nên tăng vai trò, quyền hạn của công đoàn hơn là thành lập ban thanh tra nhân dân.

Ông Nguyễn Đặng Hiến (phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM)

8 hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị với Quốc hội không đưa doanh nghiệp vào đối tượng áp dụng của dự thảo Luật dân chủ ở cơ sở, không bắt buộc thành lập ban thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp.

 

Chồng chéo với vai trò công đoàn

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, vừa có thư gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông nhất trí cần thiết thúc đẩy dân chủ ở cơ sở nhưng đề nghị Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật dân chủ ở cơ sở sang khu vực doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Theo ông Lộc, nhiều trường hợp sự can thiệp của người lao động vào các quyết định thuộc quyền của chủ doanh nghiệp là không khả thi, khi bản thân lãnh đạo trong doanh nghiệp có thể cũng chỉ là người lao động, không phải là chủ sở hữu.

Ông Lộc cũng cảnh báo việc đưa thêm thiết chế dân chủ vào doanh nghiệp như dự kiến tại dự thảo luật có thể dẫn tới chồng chéo lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. 

Đồng thời, việc thêm thiết chế này có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ lao động, nhất là khi không thể phân biệt rõ cách thức phối hợp với các thiết chế đã có cũng như biện pháp xử lý trong trường hợp có ý kiến khác nhau.

Tuy vậy, trao đổi với Tuổi Trẻ, một số quan điểm cho rằng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở áp dụng cho doanh nghiệp là cần thiết vì thực chất nó muốn đảm bảo quyền lợi của người lao động, đảm bảo quyền được biết, công khai tốt hơn, tránh tình trạng lương “bèo bọt”, các chế độ phúc lợi chưa tốt… 

Tuy nhiên, với nhóm doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, nước ngoài… cần có những điều khoản áp dụng chung và riêng, tùy thực tế.

 

Cần thận trọng với các quy định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lý Kim Chi – chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM – cho rằng nếu luật này được thông qua, các hoạt động phải công khai thì “ban dân chủ” được thành lập có vai trò không khác gì hội đồng quản trị và người lao động có lúc không khác gì tổng giám đốc. 

“Công nhân sao có quyền biết được kế hoạch sản xuất?”, bà Chi hỏi và cho rằng nên cẩn thận với các quy định về nghĩa vụ công khai đi ngược với quyền của doanh nghiệp được quy định trong các luật đầu tư, sở hữu trí tuệ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cũng cho rằng với doanh nghiệp tư nhân, đây là tài sản cá nhân. Nếu công khai một số thông tin như trong dự thảo luật, lấy gì đảm bảo công nhân không sử dụng thông tin trên vào động cơ tiêu cực, trường hợp thiệt hại đến doanh nghiệp thì ai đền bù?

Ông Nguyễn Đặng Hiến – phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM – cũng nhắc lại hiện có tổ chức công đoàn giám sát, bảo vệ quyền lợi cho công nhân, do đó nếu trong trường hợp công đoàn không phát huy vai trò của mình thì cần cải tổ để hoạt động hiệu quả hơn thay vì lập thêm tổ chức mới như ban thanh tra nhân dân. 

Ông Hiến cho biết doanh nghiệp phải trích tiền với mức 2% trên tiền lương công nhân để đóng phí công đoàn, nếu lập thêm một tổ chức khác mà doanh nghiệp vẫn phải đóng tiền để hoạt động sẽ thêm chi phí.

Theo ông Hiến, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì cần phải rà soát lại những quy định pháp luật hiện hành, điều gì chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động như về tiền lương, chế độ lao động thì bắt buộc doanh nghiệp phải làm đúng. 

Còn lại, dù có loại trừ việc công khai bí mật kinh doanh nhưng dự luật yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh thì đó nhiều khi chính là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, ngay cả cơ quan chức năng khi cần lấy thông tin cũng có nhiệm vụ phải bảo mật. 

Nếu thông tin này buộc phải cung cấp cho người lao động thì dễ dàng phát tán ra ngoài, nguy cơ cạnh tranh bất chính.

 

Nhiều nội dung người lao động được biết và… quyết định

Theo dự thảo Luật dân chủ ở cơ sở, phần chương IV về thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động quy định:

Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, tổ chức có sử dụng lao động thực hiện công khai các nội dung sau đây:

– Tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của tổ chức có sử dụng lao động…

– Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của tổ chức có sử dụng lao động liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động;

– Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);

– Tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động…

* Những nội dung người lao động bàn và quyết định:

– Nội dung thương lượng tập thể đã đạt được theo quy định của pháp luật.

– Việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động.

– Các nội dung tự quản khác trong nội bộ tổ chức có sử dụng lao động không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội…

N.HIỂN – T.MẠNH – N.TRÍ
TTO