Có Nga làm trung gian, Armenia và Azerbaijan nhất trí không sử dụng vũ lực
Có Nga làm trung gian, Armenia và Azerbaijan nhất trí không sử dụng vũ lực
Lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan ngày 31.10 đã nhất trí không sử dụng vũ lực tại cuộc hội đàm có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi, Nga.
Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan (trái), Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia (phải) cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm ở Sochi ngày 31.10 REUTERS |
Hãng thông tấn RIA đưa tin trong cuộc gặp ngày 31.10 giữa Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan và Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi (Nga), các nhà lãnh đạo đã đạt được tuyên bố chung.
Theo đó, Armenia và Azerbaijan nhất trí không sử dụng vũ lực, đồng thời tuân theo các thỏa thuận trước đó nhằm chấm dứt giao tranh.
“Chúng tôi nhất trí hạn chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thảo luận và giải quyết tất cả vấn đề chỉ trên cơ sở công nhận lẫn nhau về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự bất khả xâm phạm của biên giới”, RIA dẫn lại tuyên bố cho biết.
Theo hãng tin TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra tuyên bố sau cuộc họp trên. “Hôm nay chúng tôi đã đồng ý với một tuyên bố chung. Tôi phải nói thẳng rằng chúng tôi không nhất trí với mọi thứ. Một số điều đã phải bị loại khỏi văn bản do các chuyên gia soạn thảo trước đó”, ông Putin nói.
“Tuy nhiên, tôi đồng ý với đánh giá rằng cuộc gặp rất hữu ích và đã tạo điều kiện cho các bước tiếp theo nhằm giải quyết tình hình nói chung”, ông Putin cho biết.
“Chúng tôi đã thống nhất được với nhau về các vấn đề quan trọng và cuộc thảo luận hôm nay cho thấy khả năng đạt được thỏa thuận về tương lai của cả 3 nước”, Tổng thống Putin phát biểu và cho biết Nga sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng.
Ông Putin cũng cảm ơn Tổng thống Aliyev và Thủ tướng Pashinyan đã đồng ý đến Nga tham gia hội đàm.
“Như đã nhất trí, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại và tìm kiếm các giải pháp cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài này”, Tổng thống Nga Putin nói.
Vào tháng 9, quân đội Azerbaijan và Armenia đụng độ ở biên giới, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đây là cuộc giao tranh tồi tệ nhất giữa hai nước kể từ cuộc chiến năm 2020. Các cuộc đụng độ diễn ra bất chấp các thỏa thuận trong cả hai năm 2020 và 2021 nhằm tìm ra giải pháp hòa bình.
Xung đột có liên quan đến quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, vùng núi được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có phần lớn dân số là người Armenia và đòi độc lập khỏi Azerbaijan vào thập niên 1990. Kể từ đó, Nagorno-Karabakh là khu vực tự quản và nhận được sự hỗ trợ từ Armenia.
Đầu tháng này, hai bên nhất trí rằng phái đoàn dân sự của Liên minh châu Âu sẽ đến biên giới để đánh giá tình hình. Nga, quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia và một căn cứ quân sự ở đó, đã triển khai hàng ngàn binh sĩ gìn giữ hòa bình tới khu vực sau lệnh ngừng bắn vào năm 2020.
ĐÔNG A
TNO