22/12/2024

Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa?

Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa?

Những lớp học theo chương trình phổ thông mới sẽ kiểm tra như thế nào, đề thi ra sao, nhất là với môn văn lớp 10, khi đề yêu cầu lấy ngữ liệu văn bản ngoài sách giáo khoa… là vấn đề phụ huynh, học sinh quan tâm.

 

 

Trường đưa phần trắc nghiệm, trường chia nhỏ câu hỏi

Khảo sát đề thi của một số trường THPT tại TP.HCM, chúng tôi thấy cách ra đề khá đa dạng nhưng nhìn chung là đề kiểm tra rất thoáng, gợi mở. Đề phát huy sự sáng tạo và kỹ năng làm bài của các em, chứ không lệ thuộc vào văn bản đã học. Cấu tạo đề thi khác hẳn so với cách ra đề của chương trình cũ, tạo được nhiều hứng thú cho học sinh khi làm bài.

Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 1
Bộ GD-ĐT quy định đối với khối lớp 10 trong chương trình giáo dục mới, giáo viên không ra đề thi/kiểm tra môn văn có tác phẩm, văn bản nằm trong sách giáo khoa để phát huy tính tích cực học tập của học sinh   ĐÀO NGỌC THẠCH

Chẳng hạn đề thi ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Marie Curie (Q.3) gồm 2 phần, với thang điểm là 5/5. Ở phần đọc hiểu, đề cho văn bản Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng, yêu cầu học sinh trả lời 7 câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó. Các câu hỏi này liên quan đến kiến thức bài 1 đã học trong chương trình về thần thoại (Tạo lập thế giới). Trong đó có những câu liên hệ, mở rộng, rút ra bài học từ văn bản. Phần viết là câu hỏi nghị luận xã hội (trình bày ý kiến về lòng biết ơn).

Trong khi đó đề kiểm tra của Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) lại có cấu tạo khá khác biệt. Theo đó, đề có 2 phần đọc hiểu (6.0 điểm) và viết (4.0 điểm). Ở phần đọc hiểu đề gồm 10 câu hỏi, trong đó có 7 câu trắc nghiệm kiến thức. Văn bản ở phần đọc hiểu tích hợp với yêu cầu của phần viết. Và đây là một văn bản mới, bất ngờ, sẽ gây khó cho học sinh nếu không nắm được đặc trưng thể loại văn bản và kỹ năng làm bài.

Ghi nhận ý kiến học sinh sau khi kiểm tra, đa số các em đều thừa nhận có chút khó khăn lúc đầu khi làm bài, vì văn bản mới, chưa đọc bao giờ. Nhưng hầu hết các em cho biết rất có hứng thú khi làm bài về một văn bản hoàn toàn mới lạ.

Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 2
Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 3
Đề kiểm tra môn văn giữa kỳ 1 của Trường THPT Marie Curie (TP.HCM)    CHỤP MÀN HÌNH

Thế nào là văn bản ngoài sách giáo khoa?

Phần đọc hiểu đề thi văn lớp 10 giữa học kỳ 1 Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) dùng văn bản Thần Lúa; trong phần làm văn, trường yêu cầu viết một bài văn về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Còn Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú lấy ngữ liệu Nữ thần Mặt trời và Mặt trăng; phần làm văn, trung tâm yêu cầu học viên viết một bài văn nghị luận khoảng 500 chữ về sự thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh.

Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 4
Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 5
Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 6
Đề kiểm tra môn văn giữa kỳ 1 của Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM)   CHỤP MÀN HÌNH

Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh) ra đề văn lớp 10 giữa học kỳ 1 gồm 2 phần là đọc hiểu và viết (làm văn). Trong đó ngữ liệu được dùng chủ yếu trong 2 phần kể trên là bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương với các câu hỏi trắc nghiệm xung quanh bài thơ trên. Ngoài ra, trong phần đọc hiểu còn có các câu hỏi khác về một đoạn trích có chủ đề suy nghĩ tích cực, lạc quan.

Học sinh Trường THPT Phong Phú tỏ ý ngạc nhiên và thích thú khi thấy trong đề thi, phần đọc hiểu có một số câu hỏi trắc nghiệm, chủ yếu hỏi về hình thức thể loại và ý nghĩa nội dung của bài thơ Tự tình II. Học sinh cũng không gặp nhiều khó khăn khi được viết một bài văn hoàn chỉnh có yêu cầu phân tích bài thơ với số lượng chữ hạn chế (khoảng 500 chữ). Được biết bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương là một tác phẩm có trong sách giáo khoa Văn 10 tập 1 của bộ sách Cánh diều.

Học viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Phú thở phào nhẹ nhõm khi thấy đề thi nằm trọn vẹn trong đề cương (nội dung ôn tập môn văn khối 10 giữa học kỳ 1). Văn bản được dùng làm ngữ liệu trong phần đọc hiểu của đề thi chính thức (Nữ thần Mặt trời và Mặt trăng) nằm trọn trong bài 1 sách Bài tập ngữ văn lớp 10 tập 1 của bộ sách Chân trời sáng tạo mà trung tâm này đã chọn và sử dụng trong toàn trường ở cả 3 khối lớp 10, 11 và 12.

Biểu điểm cho 2 phần đọc hiểu và làm văn ở cả 3 trường cũng hoàn toàn khác nhau. Ở Trường THPT Phong Phú, phần đọc hiểu: 6 điểm, phần Làm văn: 4 điểm; ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú phân bổ điểm là: 5 và 5; ở Trường THPT Trần Phú là 3 và 7.

Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 7
Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 8
Đề thi giữa kỳ 1 môn văn của Trường THPT Trần Phú (TP.HCM) CHỤP MÀN HÌNH

Vẫn còn kẽ hở

Công văn số 3175/BGDĐT-GDtrH của Bộ GD-ĐT quy định đối với khối lớp 10 trong chương trình giáo dục mới, giáo viên không ra đề thi/kiểm tra môn văn có tác phẩm, văn bản nằm trong sách giáo khoa để phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Vậy đề thi lấy dữ liệu trong sách giáo khoa (sách bài tập) có trái với quy định của công văn 3175?

Có gì mới trong đề thi môn văn trắc nghiệm, văn bản ngoài sách giáo khoa? - ảnh 9
Đề thi văn giữa kỳ 1 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú (TP.HCM)   CHỤP MÀN HÌNH

Có thể thấy ưu điểm của công văn 3175 là tạo điều kiện cho các giáo viên trong việc tham khảo nhiều sách giáo khoa khi giảng dạy và ra đề thi, kiểm tra, đánh giá, giúp giáo viên có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, tự tin hơn trong việc giảng dạy. Tuy nhiên công văn 3175 sẽ không phát huy tác dụng nếu giáo viên vẫn chạy theo thành tích, cho đề thi và biểu điểm thật dễ dãi; biến văn bản ngoài sách giáo khoa thành một đề thi “tủ”, để rồi dạy thật kỹ, cho học sinh ghi chép thật nhiều, dặn học thuộc lòng bài học một cách máy móc, làm thui chột đi tư duy độc lập, phản biện, sáng tạo của học sinh.

 

NGUYỄN TẤN THƯ – TRẦN NGỌC TUẤN

TNO