23/01/2025

Mở các tuyến xe trung chuyển khách tới Bến xe miền Đông mới

Mở các tuyến xe trung chuyển khách tới Bến xe miền Đông mới

Phương án tổ chức phương tiện tiếp chuyển hành khách đến Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới và ngược lại vừa được Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) gửi Sở GTVT TP.HCM. 

 

 

Theo đánh giá của SAMCO, hiện nay, việc di chuyển của hành khách từ các khu vực trong thành phố đến BXMĐ mới chưa thuận lợi. Theo quy định về tổ chức xe trung chuyển, một số doanh nghiệp vận tải sẽ gặp khó khăn khi phải bố trí phương tiện vận chuyển hành khách từ trung tâm thành phố đến bến xe mới.

Mở các tuyến xe trung chuyển khách tới Bến xe miền Đông mới - ảnh 1
Nguyên nhân khiến hàng trăm chuyến xe “mất tích” tại BXMĐ mới được cho là do bến xe ngàn tỉ này không thuận lợi về địa điểm và còn nhiều bất cập về tổ chức  NGUYỄN ANH

Đơn cử, một xe khách giường nằm có sức chứa 40 chỗ, để trung chuyển hành khách từ khu vực trung tâm đến BXMĐ mới sẽ phải sử dụng ít nhất 3 xe ô tô 16 chỗ ngồi. Chi phí hoạt động của doanh nghiệp vận tải sẽ tăng rất cao, đồng thời tạo áp lực cho giao thông thành phố.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, các hợp tác xã không đủ chi phí để đầu tư xe trung chuyển nên có khả năng sẽ bố trí phương tiện vào trực tiếp các khu vực trung tâm thành phố để tổ chức đón trả khách, tạo thành những điểm “xe dù, bến cóc”, làm mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông và góp phần ùn tắc giao thông.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút hành khách đến với BXMĐ mới cũng như đảm bảo các mục tiêu đã đưa đề ra khi tổ chức di dời các tuyến vận tải hành khách, SAMCO đề nghị Sở GTVT xem xét, báo cáo kiến nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện thí điểm phương án kết hợp với một đơn vị vận tải trung gian để thực hiện tiếp chuyển hành khách từ các khu vực trong thành phố đến BXMĐ mới và ngược lại.

Theo đó, phương án thí điểm dự kiến thực hiện theo 2 giai đoạn:

Từ năm 2022 – 2025: Thí điểm phát triển các tuyến xuyên tâm chính vào trung tâm thành phố có khả năng khai thác hiệu quả (kết nối từ BXMĐ mới tới các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5, quận 6, quận 10, quận Tân Bình, quận Tân Phú… và các bệnh viện, trường đại học trong nội thành TP.HCM).

Giai đoạn sau năm 2025: Hoàn thiện mạng lưới trên cơ sở phát triển các tuyến trung tâm TP.HCM và các tuyến kết nối bến xe với các khu vực còn lại.

BXMĐ mới sẽ thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị vận tải có nhu cầu tiếp chuyển hành khách và đơn vị trung gian thực hiện tiếp chuyển để đảm bảo quyền lợi, vai trò và trách nhiệm của các bên. Đồng thời, bố trí vị trí lưu đậu, chờ đón khách cho các phương tiện tiếp chuyển và khu vực chờ (ghế ngồi, nước uống miễn phí, nhà vệ sinh miễn phí…) cho hành khách chờ phương tiện khi đến bến xe.

Phương tiện sử dụng thí điểm theo phương án là loại xe 16 chỗ, hoạt động dưới hình thức vận chuyển hành khách theo Hợp đồng. Hệ thống quản lý điều hành, ứng dụng cho tài xế đón trả khách, ứng dụng cho hành khách đặt dịch vụ, tích hợp công nghệ bản đồ và nền tảng thông minh để vận hành nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hệ thống phần mềm sẽ thông báo mức phí tiếp chuyển dựa trên số lượng hành khách và khoảng cách tiếp chuyển cho các đơn vị vận tải. Quá trình thu phí, đối soát hoàn toàn tự động và có báo cáo chi tiết theo từng chuyến xe, ngày, tháng đã thực hiện.

Mở các tuyến xe trung chuyển khách tới Bến xe miền Đông mới - ảnh 2
“Siêu” bến xe lớn nhất nước ế khách   NGUYỄN ANH

Trước đó, báo chí đã phản ánh tình trạng hàng trăm chuyến xe “mất tích” tại BXMĐ mới. Tại cuộc họp báo chiều 28.10 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM sau khi tổ chức di dời các tuyến xe từ BXMĐ cũ sang BXMĐ mới, mỗi ngày, tại bến xe mới giảm gần 300 chuyến xe so với giai đoạn hoạt động tại bến cũ. Trong đó, có khoảng 160 chuyến xe chuyển sang một số bến khác như Bến xe An Sương, Bến xe Miền Tây, Bến xe Ngã Tư Ga… 140 chuyến còn lại thuộc một số nhà xe không chấp hành việc di dời, không vào bến mà đón khách tại một số địa điểm tập kết, gia nhập đội “xe dù” hoặc chuyển đổi phương án kinh doanh.

Sở GTVT TP.HCM đang phối hợp cùng các đơn vị triển khai nhiều biện pháp để thu hút hành khách và các hãng xe vào bến mới.

Dự án BXMĐ mới là một quần thể phức hợp có diện tích trên 16 ha, bao gồm khu vực BX chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm. Với mục tiêu phục vụ 7 triệu lượt hành khách một năm, là hạ tầng phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành trong tương lai, BXMĐ mới đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến.

 

HÀ MAI

TNO