21/12/2024

Xe ‘mất tích’ chạy sang bến cóc, xe dù

Xe ‘mất tích’ chạy sang bến cóc, xe dù

Nhận diện nguyên nhân siêu bến xe ngàn tỉ vắng khách, Sở GTVT TP.HCM triển khai nhiều biện pháp để thu hút hành khách và các hãng xe vào bến mới.

 

 

Chuyển bến hoặc nhập đội xe dù

Sau khi báo chí phản ánh tình trạng hàng trăm chuyến xe “mất tích” tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới, chiều qua 28.10, Sở GTVT TP.HCM tổ chức cuộc họp thông tin về hoạt động của BXMĐ, BXMĐ mới và tình hình hoạt động xe khách đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn TP.

Xe 'mất tích' chạy sang bến cóc, xe dù - ảnh 1
Bến xe Miền Đông mới chưa thu hút được hành khách và các hãng xe  NGUYỄN ANH

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết việc di dời các tuyến xe từ BXMĐ cũ sang BXMĐ mới được thực hiện từ ngày 1.10. Bước đầu, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do một số đơn vị vận tải chưa thực hiện theo đúng quy định. Mỗi ngày, tại bến xe mới giảm gần 300 chuyến xe so với giai đoạn hoạt động tại bến cũ. Số liệu ghi nhận hôm 27.10 cho thấy bến xe mới giảm 286 chuyến. Tuy nhiên, ông Hưng khẳng định các chuyến xe không “mất tích”. Có khoảng 160 chuyến xe không vào bến mới mà chuyển sang một số bến khác như Bến xe An Sương, Bến xe Miền Tây, Bến xe Ngã Tư Ga…

Về tình trạng này, theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT), từ năm 2003, để tránh tình trạng độc quyền, xe đăng ký bến nào chỉ được đón khách ở bến đó nhưng lại khiến xe dù chạy lung tung nhiều hơn. Vì vậy, ngành giao thông TP đã xem xét cho phép các đơn vị vận tải đăng ký ở khu vực này nhưng đón khách tại bến khác, miễn sao chạy đúng lộ trình, không vào trung tâm TP để tránh gây ùn tắc giao thông. Tại các bến xe, các đơn vị có thể đăng ký số xe và chuyến dựa trên công suất các bến. Vì thế, việc nhà xe chuyển từ BXMĐ mới đi các bến còn lại là đúng quy định, không vi phạm.

Đối với những tuyến xe này, nếu đã nằm trong danh mục đăng ký tuyến thì cơ quan quản lý phải thừa nhận. Nếu như chưa có trong danh mục đăng ký tuyến, hãng xe mới đăng ký thì Sở sẽ tạm dừng, chưa xem xét vì việc này có thể ảnh hưởng đến tổ chức giao thông làm giảm hiệu quả khai thác ở BXMĐ mới. Đồng thời, yêu cầu Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO) lưu ý, chỉ đạo, sắp xếp, điều tiết hài hòa hoạt động giữa các bến xe. Mục tiêu chính nhằm giảm khó khăn cho hành khách, không ảnh hưởng tới tổ chức giao thông cũng như không ảnh hưởng tới hoạt động của BXMĐ mới.

Đối với 140 chuyến xe còn lại, theo lãnh đạo Sở GTVT, một số nhà xe không chấp hành việc di dời, không vào bến mà đón khách tại một số địa điểm tập kết. Sở GTVT cùng các lực lượng chức năng đã nhận diện một số khu vực như gần BXMĐ cũ, ở một số cây xăng dọc QL13, địa điểm gần cầu Sài Gòn… mà xe đón khách là sai quy định. Hoạt động xe dù bến cóc đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng sau khi di dời ra BXMĐ mới, tình trạng này càng tăng mạnh. Cơ quan quản lý đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường thanh tra, xử lý, xử phạt thật mạnh. Nếu phát hiện, SAMCO sẽ tẩy chay, không cho hãng hoạt động tại các bến. Sở cũng sẽ xem xét không cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

“Sắp tới, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch làm mạnh hơn nữa, quyết tâm từ đây tới cuối năm, tình trạng xe dù bến cóc nở rộ sau khi từ bến cũ ra bến mới phải được chấn chỉnh và khắc phục. Ngoài ra, không ngoại trừ việc di dời bến xe ra vị trí xa trung tâm nên người dân, hành khách chọn chuyển đổi phương tiện sang đường sắt, hàng không… Hoặc nhà xe chuyển đổi phương án kinh doanh”, ông Võ Khánh Hưng khẳng định.

 

Hút khách bằng chất lượng dịch vụ

Ông Đỗ Ngọc Hải thừa nhận tại các bến xe hiện nay, số lượng các xe đăng ký hoạt động chưa đạt được 50% tổng công suất các bến. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là làm sao thu hút được các nhà xe vào bến, tránh tình trạng doanh nghiệp (DN) “chiều” khách, đưa đón tận nơi hình thành xe dù bến cóc.

Về giải pháp thu hút người dân và DN vận tải vào BXMĐ mới, lãnh đạo ngành giao thông TP thông tin: Hiện các đơn vị đã tổ chức các tuyến xe trung chuyển 16 chỗ đón khách từ bến mới sang bến cũ và thu nhận hành khách rải rác trong TP. Song song, SAMCO đã hợp đồng với Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP tăng cường xe buýt làm phương tiện trung chuyển, tổ chức thêm các tuyến xe buýt kết nối với bến xe mới. Ngoài ra, DN vận tải cùng cơ quan quản lý cũng phải tăng cường truyền thông tới người dân, tránh để xảy ra tình trạng người dân đến bến xe rồi mới biết không có chuyến đi, gây bức xúc, bực bội.

Bên trong bến xe, SAMCO đã lắp đặt các bảng biểu, hoàn thiện các bảng biểu, tăng cường chỉ dẫn tổ chức nhà vệ sinh không thu phí… đưa vào các dịch vụ tăng cường để phục vụ hành khách từ giữa tháng 11. Đầu tư nơi nghỉ ngơi cho hành khách và tài xế để tăng tiện ích cho bến xe, thu hút người dân.

“Nhìn chung, chúng tôi hy vọng DN phải hướng tới chạy đúng quy định. Người dân cũng hưởng ứng, không ủng hộ xe dù bến cóc, vì như vậy là gián tiếp tạo hoạt động vận tải không lành mạnh. Nếu có bất trắc xảy ra thì thường hậu quả người dân sẽ phải gánh chịu”, ông Võ Khánh Hưng nhấn mạnh.

Dự kiến quý 4, Sở GTVT TP.HCM sẽ trình UBND TP đề án hạn chế các loại xe lớn vào trung tâm TP.HCM để giải quyết triệt để nạn xe dù bến cóc, giảm ùn tắc giao thông. Lộ trình triển khai theo 2 phương án: Phương án 1, từ năm 2022 – 2025, TP sẽ hạn chế các loại xe khách giường nằm vào nội đô từ 6 – 22 giờ hằng ngày, giai đoạn 2 từ năm

2025 – 2030 hạn chế tiếp các loại xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP ban hành). Khu vực hạn chế được giới hạn theo hành lang của Quyết định 23/2018/QĐ-UBND. Theo đó, các loại phương tiện này chỉ được phép di chuyển theo lộ trình QL1 (TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh) – Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, Q.7) – Võ Chí Công (TP.Thủ Đức) – Đồng Văn Cống (TP.Thủ Đức) – Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức) – xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức). Với phương án 2, khung giờ cấm và hành lang hạn chế tương tự phương án 1, song đối tượng hạn chế là xe khách trên 16 chỗ.

 

HÀ MAI

TNO