Xăng dầu thiếu, lấy gì bán theo giờ?
Xăng dầu thiếu, lấy gì bán theo giờ?
Với 9 – 10% cửa hàng xăng dầu bị đứt gãy nguồn cung mỗi ngày, một trong giải pháp khắc phục khó khăn Sở Công thương TP.HCM đưa ra mới đây là quy định bán xăng dầu bao nhiêu giờ mỗi ngày. Thế nhưng câu hỏi đơn giản là xăng dầu thiếu thì lấy gì để bán theo giờ?
Khoảng 50 cửa hàng xăng dầu thiếu hàng
Ngày 28.10, cập nhật số liệu từ Sở Công thương TP.HCM cho thấy toàn TP có 397 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, 4 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động và 46 cửa hàng cung ứng gián đoạn do không đủ mặt hàng để bán. Trước đó, chiều 27.10, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, TP xuất hiện tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu gián đoạn bán hàng do tạm hết mặt hàng xăng hoặc dầu. Đặc biệt, từ ngày 23.10 đến nay, trung bình mỗi ngày có 9 – 10% số cửa hàng bị hết xăng dầu.
Nguyên nhân được bà Ngọc nêu là do một số doanh nghiệp (DN) đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng, hoặc cung cấp thiếu hụt dẫn đến thiếu hàng cục bộ. Bên cạnh đó, vị này nhấn mạnh tại các quận huyện vùng ven, đa phần cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của DN nhỏ, không kinh doanh theo chuỗi, kênh bán lẻ. Đồng thời, các cửa hàng xăng dầu có những hạn chế nhất định về năng lực bồn, bể chứa… nên hàng không về kịp để bán.
Trước đó, ngày 6.10, cũng tại buổi họp báo định kỳ của TP, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc đã nhận định “cung ứng nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tương đối ổn, chỉ thiếu cục bộ”. Tới ngày 12.10, Sở Công thương đã thông tin các DN đầu mối đang tăng lượng lớn nguồn hàng để đảm bảo cung ứng trong tháng 10. Tại thời điểm đó, lãnh đạo của Petrolimex Saigon (doanh nghiệp nắm 40% sản lượng tiêu thụ xăng dầu tại TP.HCM) cũng khẳng định nguồn hàng trong kho hiện có và nguồn hàng từ trên tàu đang về đảm bảo và cam kết nguồn cung đủ hết tháng 10.
Trong khi cơ quan quản lý khẳng định nguồn cung không thiếu, thì tình trạng thiếu xăng lan tràn tại nhiều tỉnh thành… NGỌC DƯƠNG |
Đến chiều 27.10, giải pháp mà Sở Công thương đưa ra là “Sở tiếp tục làm việc cụ thể với từng thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu như Petrolimex, Saigon Petro, PVOil… đề nghị có phương án bổ sung nguồn cung cho thị trường. Hiện các đơn vị đang cố gắng để tìm nguồn cung ứng cho thị trường. Đồng thời, đề nghị các đầu mối có lượng hàng lớn phân bổ hợp lý cho hệ thống bán lẻ”.
Quy định giờ bán nhưng hết xăng thì bán gì?
Bên cạnh giải pháp “đề nghị”, “thúc đẩy”, “rà soát”, “vận động”… các DN đầu mối, Sở Công thương TP.HCM mới đây đưa thêm một giải pháp nữa. Đó là đề xuất ban hành quy định giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP. Theo cơ quan này, cần có quy định chi tiết về giờ bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Từ đó, có thể dễ dàng xử lý các hành vi vi phạm nếu có. Cụ thể, đại lý phân phối phải đảm bảo bán tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Đồng thời phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6 giờ và không đóng cửa bán hàng trước 18 giờ hằng ngày. Đối với những ngày lễ, tết, thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày và khuyến khích các thương nhân bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu quy định như trên.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc quy định thời gian là hoàn toàn có thể triển khai trên cơ sở hiệp thương với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Tuy nhiên, đưa ra quy định thời gian để ràng buộc các cơ sở kinh doanh xăng dầu làm việc là chưa thỏa đáng. “Những vấn đề nảy sinh ngày hôm nay không phải vấn đề mang tính dài hạn, mà do chưa có quy định nên người ta đóng cửa. Đóng cửa vì lỗ, vì không có hàng để bán…”, ông Bảo nhấn mạnh. Thế nên, phải xử lý những vấn đề rất cốt lõi như vì sao khan hàng, không đủ hàng, tại sao thường xuyên lỗ… để rồi chính nhà kinh doanh không thể kinh doanh được. Một giải pháp hành chính như yêu cầu mở cửa hàng giờ này, đóng cửa hàng giờ kia cũng chỉ mang tính chất đối phó.
Theo một chuyên gia, chúng ta “nên nhìn thẳng sự thật là thị trường bất thường nhưng chính cách điều hành của chúng ta cũng đang khá bất thường. Đó là nói thị trường miền Nam bị phụ thuộc nguồn cung xăng dầu lậu, giả nên nay thiếu. Nếu đó là sự thật thì quản lý của ngành công thương ở đâu khi thấy dân mua xăng dầu giả mà không phản ứng? Bên cạnh đó, thị trường thiếu hụt cục bộ tràn lan ngay sau khi bộ trưởng đi thị sát rầm rộ tại 2 kho xăng lớn nhất cả nước về. Đó là bất thường. Đáng tiếc là bộ trưởng đi thị sát kho xăng, nhưng không đi vi hành xuống các cây xăng đang đóng cửa, kêu gào, treo bảng hết xăng từ ngày này sang tháng nọ. Đo bồn kho, thấy nguồn cung phong phú, đọc số liệu của các đầu mối báo cáo, thấy nguồn cung dồi dào, rồi về bảo không thiếu. Trong thực tế, 3 cửa hàng nằm trên cùng trục đường thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM đều treo bảng hết xăng trong ngày bộ trưởng thị sát. Rồi bộ trưởng ra về, Sở Công thương lấy ý kiến quy định bán hàng. Bán hết xăng thì đóng cửa về chứ có gì để bán?”.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi: “Quy định giờ giấc bán mà quan trọng có hàng để bán không?”. Trong thực tế, khi xin phép kinh doanh bán lẻ xăng dầu, DN đều đăng ký thời gian bán hàng. Các quy định về thời gian mở cửa bán xăng dầu, thời gian phục vụ người dân trong những ngày nghỉ lễ tết cũng có từ lâu rồi. Nên theo chuyên gia này, đề xuất của Sở Công thương TP.HCM là không cần thiết. “Đưa thêm một quy định chỉ là giải pháp tình thế để có cơ sở xử lý vi phạm nếu có chỉ thể hiện chúng ta đang điều hành loay hoay, lúng túng, không thoát ra được điều cần giải quyết”, ông Phú nhấn mạnh.
Theo ông Phú, ngành công thương đang loay hoay, quản lý chạy theo DN là quá phụ thuộc. Bởi DN đầu mối dồi dào hàng, lỗ không bán ra cũng chịu. Cơ quan quản lý chỉ quản lý chất lượng hàng hóa, chống hàng giả. Còn lại, giao mặt hàng xăng dầu cho các đơn vị tự hạch toán lời ăn lỗ chịu. Vì thế, nên cho khung giá bán cụ thể khi có những biến động. Chứ quản lý theo kiểu nay DN than lỗ, cho thêm 300 đồng chi phí, mai than lỗ, lại trình cho thêm 200 đồng rất khó giải quyết tận gốc vấn đề. “Thời gian từ việc lắng nghe DN kêu cứu, lên đến bộ, trình đi trình lại lên Chính phủ, từ đó đưa ra Quốc hội, cho dù là Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp đột xuất để quyết cũng mất vài tháng. Như vậy, cơ hội ổn định thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, nhà kinh doanh… qua lâu rồi. Nên nhớ thị trường xăng dầu thế giới trong 1 ngày biến động liên tục. Chúng ta điều hành quản lý như vậy thì lệch pha là đương nhiên”, ông Phú nhấn mạnh.
Phải sớm đầu tư kho dự trữ, hàng dự trữ này không phải để yên trong kho và khi thế giới tăng giá, có thể xuất bán ra như cách Trung Quốc đã và đang làm. Đơn vị quản lý kho dự trữ có thể hiểu nôm na như công ty quản lý vốn nhà nước. Mua vào khi giá thấp, có thể bán ra khi giá cao để lấy lời, hay bơm vào thị trường trong tình huống cấp bách.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú