18/11/2024

Rủi ro khi mua hàng xách tay

Rủi ro khi mua hàng xách tay

Nhiều sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, sữa nước… không được phân phối chính hãng tại VN nhưng vẫn bán nhan nhản dưới dạng hàng xách tay.

 

 

Nhan nhản hàng xách tay

Nghe tôi nói đang định mua hộp sữa để đi thăm người bệnh, chị T.T.T.H, ngụ tại đường Tô Ký, Q.12 (TP.HCM), tư vấn: “Em đừng vào các siêu thị mua mắc tiền lắm, cứ vào mấy trang Facebook bán hàng online hay sàn điện tử Shopee, Lazada mà mua hàng xách tay, giá rẻ hơn nhiều so với giá bán chính hãng”. Quả thật, khi vào tìm kiếm trên kênh Shopee, hàng loạt shop (cửa hàng) rao bán sữa Ensure xách tay, sữa bột loại 850 gr chỉ khoảng 650.000 đồng/hộp, rẻ hơn khá nhiều so với giá bán chính thức của các đơn vị phân phối (khoảng 760.000 – 800.000 đồng/hộp); sữa nước Ensure cũng được rao bán với giá 1.690.000 đồng/thùng, rẻ hơn khoảng 200.000 đồng/thùng so với giá chính thức.

Chị N.T.T, chủ một doanh nghiệp từng có thời gian dài nhập khẩu sản phẩm sữa Ensure, cho biết: “Mặt hàng này hiện nay trên thị trường có rất nhiều nguồn nhập khẩu, bên cạnh sản phẩm chính hãng được phân phối bởi nhà nhập khẩu được chỉ định, nhiều đơn vị, cá nhân khác cũng nhập khẩu theo đường thu gom hoặc qua biên giới Lào, Campuchia. Doanh nghiệp của tôi thì gom sản phẩm từ các viện dưỡng lão ở Mỹ, nhưng gần đây các quy định của nước này khó khăn hơn. Ngoài ra sự cạnh tranh trên thị trường rất gay gắt, hàng giả, hàng kém chất lượng phá giá rất nhiều nên gần đây tôi chuyển ngành khác không mua bán nữa”.

Rủi ro khi mua hàng xách tay - ảnh 1
Nhiều sản phẩm bị nhà sản xuất thu hồi nhưng vẫn được bán trên mạng tại VN  Q.T

Không chỉ mặt hàng sữa, hàng xách tay nhiều nhất hiện nay là các loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp… Ông Phùng Vinh Vui, Giám đốc Công ty Văn Duy Phương, chuyên nhập khẩu phân phối thực phẩm chức năng từ Mỹ, chia sẻ: “Việc quản lý thực phẩm chức năng trên thị trường hiện nay làm rất nghiêm ngặt, ngoài giấy chứng nhận lưu hành, giấy phép quảng cáo còn có nhiều quy định ràng buộc khác.

Tuy nhiên, trên các kênh thương mại điện tử bán rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là hàng xách tay. Giá họ không bán thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu chính ngạch, nhưng rủi ro rất cao vì không có nguồn gốc xuất xứ, không có hậu mãi, không tư vấn hướng dẫn sử dụng và không chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố liên quan đến sức khỏe. Hơn 10 năm nay công ty chúng tôi phân phối sản phẩm qua các kênh nhà thuốc rất ổn định, nhưng hiện nay đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các shop online “xách tay” nói trên”.

Mới nhất, Công ty Unilever thông báo thu hồi một số loại dầu gội đầu khô dạng xịt của một số thương hiệu Dove, Nexxus, Suave, TIGI và TREsemmé tại Mỹ vì nghi ngờ có chứa benzen (một loại hóa chất có thể gây ung thư). Đại diện Unilever VN cho biết các sản phẩm này đã được ngừng bán tại VN từ tháng 10.2021, tuy nhiên thực tế vẫn có nhiều kênh bán hàng xách tay hoặc các nguồn khác vẫn đang phân phối sản phẩm này.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trước khi xảy ra vụ thu hồi, nhiều cá nhân bán hàng online vẫn đang bán sản phẩm này trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là kênh Facebook. Một shop online tên C.G có địa chỉ tại đường Phùng Văn Cung, Q. Phú Nhuận (TP.HCM) quảng cáo đây là “hàng có sẵn tự tay mua trực tiếp từ Mỹ đi máy bay về VN”. Kênh này hiện vẫn đang kinh doanh rất nhiều sản phẩm khác nhập khẩu bằng đường xách tay.

 

Rủi ro cho người mua

Đối với các trường hợp mua “nhầm” sản phẩm xách tay thuộc diện cần phải thu hồi, đại diện truyền thông Unilever cho biết: “Việc thu hồi của Unilever là hoàn toàn tự nguyện để bảo vệ an toàn cho khách hàng chứ không phải từ quyết định hay lệnh cấm nào từ cơ quan chức năng. Mặc dù các sản phẩm thu hồi chỉ có mặt ở Mỹ, Canada nhưng theo ghi nhận, ở thị trường VN cũng có nhiều cá nhân “xách tay” để phân phối. Đối với những trường hợp này, Unilever cũng có trách nhiệm và sẽ tư vấn trực tiếp qua số điện thoại tổng đài, với từng khách hàng cụ thể chúng tôi sẽ có hướng giải quyết phù hợp để hài hòa lợi ích của khách hàng”.

Thực tế, không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với hàng “xách tay” như Unilever. Nhiều trường hợp “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mua nhầm mỹ phẩm xách tay bị dị ứng nhưng không biết “bắt đền” ai. Chị Trương Thị Hạ Huyền, ngụ tại TP.Thủ Đức, chuyên “săn” hàng mỹ phẩm online, kể: “Có lần tôi mua mỹ phẩm xách tay từ một shop online, dùng một thời gian thì da mặt nổi mụn, ngứa ngáy rất khó chịu. Nhưng khi liên hệ lại cửa hàng thì họ đã đóng cửa, nên không biết khiếu nại với ai”.

Theo một số chuyên gia, hàng xách tay chỉ được mua với số lượng quy định để khi mang về nước thì sẽ không mất thuế và các khoản phí khác. Do đó, số lượng hàng xách tay từ nước ngoài về rất ít, chỉ đủ để phục vụ cho bản thân hoặc bạn bè, gia đình. Chính vì được nhiều người yêu thích mà xảy ra các hiện tượng làm giả sản phẩm và cho rằng đây là hàng xách tay. Nguy cơ mua trúng hàng giả, hàng nhái là rất cao vì chúng thường rất ít khi có giấy tờ kèm theo nếu không mua ở các địa chỉ uy tín. Hiện nay, rất nhiều người bán nhập hàng giả từ Trung Quốc và lên mạng rao bán là hàng xách tay với mức chi phí thấp để đánh lừa người tiêu dùng.

 

Không có hoá đơn, chứng từ thì là hàng nhập lậu

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Bán hàng xách tay là một hình thức kinh doanh hợp pháp khi hàng hóa kinh doanh có đầy đủ những điều kiện mà pháp luật quy định. Song, trong trường hợp không đủ điều kiện, hình thức kinh doanh này sẽ vi phạm pháp luật và có thể được coi là hàng nhập lậu.

Việc bán hàng xách tay được coi là đúng luật nếu hàng hóa đó đáp ứng các điều kiện như sau: đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP; đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn. Trường hợp bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định, không làm thủ tục hải quan… thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu”.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra Công ty TNHH thương mại dịch vụ giao nhận I.C.E (Q.Tân Bình) và phát hiện 3.482 đơn vị sản phẩm hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại, xuất xứ Hàn Quốc, chưa qua sử dụng, không có số công bố mỹ phẩm, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng VN, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Cơ quan Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Theo phản ánh của đơn vị quản lý thị trường các địa phương, cái khó hiện nay với hàng xách tay, nhập lậu là phải làm rõ yếu tố biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới) mới khởi tố được. Còn khi hàng chở về lưu trong kho thì hầu như chỉ xử phạt hành chính. Hiện nay xu hướng bán hàng online đang phát triển, sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký nhưng có được quyết định này không dễ.

Ngoài ra, việc xử phạt hiện nay gặp khó, đặc biệt vi phạm trong kinh doanh hàng xách tay do người bán thường thuê điểm kinh doanh nên đến khi ra quyết định xử phạt hành chính thì các cá nhân, tổ chức vi phạm dễ dàng bỏ trốn.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng cần có giải pháp đồng bộ, siết loại nhóm sản phẩm được phép xách tay về, hoặc tùy loại sản phẩm có thể giảm số lượng được phép xách tay đối với người nhập cảnh…

 

QUANG THUẦN

TNO