23/01/2025

Ngấm ngầm chạy đua, lãi suất huy động lên gần 11%/năm?

Ngấm ngầm chạy đua, lãi suất huy động lên gần 11%/năm?

Lãi suất huy động được ngân hàng công khai cao nhất trên thị trường hiện nay đang ở mức 9,3%/năm. Thế nhưng trên thị trường lan truyền có nhà băng đã đưa lãi suất lên 10,6%/năm.

 

 

Lãi suất huy động gần 11%/năm?

Thông tin lan truyền trên mạng hiện nay về tờ rao “Lãi suất vàng tri ân khách hàng mới” của ngân hàng S. từ nay đến cuối năm 2022 huy động mức 10,6%/năm. Cụ thể, theo bảng lãi suất này, khách hàng gửi tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng, kỳ hạn từ 6 – 24 tháng sẽ có lãi suất từ 9,3 – 10,3%/năm; từ 1 – 2 tỉ đồng có lãi suất từ 9,4 – 10,4%/năm; từ 2 tỉ đồng trở lên có lãi suất từ 9,6 – 10,6%/năm. Nhưng vào website của nhà băng này tìm hiểu thì không thấy chương trình này. Tương tự, thông tin một ngân hàng đang âm thầm tăng lãi suất bằng cách nhắn tin tặng Evoucher tặng thêm khi khách rút tiền. Ví dụ kỳ hạn 15 tháng có lãi suất huy động là 8,35%/năm thì mức lãi suất cộng thêm là 2%, tối đa lên 10,35%/năm…. Những thông tin này lan truyền khiến giới ngân hàng cũng như khách hàng khá hoang mang.

Ngấm ngầm chạy đua, lãi suất huy động lên gần 11%/năm? - ảnh 1
Lãi suất huy động tiết kiệm không ngừng tăng lên  NGỌC THẮNG

Thực tế, lãi suất cao nhất công bố công khai trên thị trường hiện nay thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là 9,3%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm mấy ngày qua vẫn không ngừng tăng lên. Mới đây, một số ngân hàng cũng đã tăng lãi suất lên mức cao. Tại Cake By VPBank, lãi suất kỳ hạn từ 1 – 3 tháng ở mức 6%/năm, nhưng từ kỳ hạn 6 tháng, lãi suất đã lên 8,2 – 8,5%/năm tùy theo số tiền gửi; 12 tháng lên 8,3 – 8,6%/năm; 24 – 36 tháng từ 8,5 – 8,8%/năm. Đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, PVcombank áp dụng lãi suất kịch trần 6%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng lên 7,9%/năm, 7 – 11 tháng lên 8,05 – 8,25%/năm, 12 tháng lên 8,4%/năm; từ 18 tháng trở lên từ 8,75%/năm. ABBank cũng có mức lãi suất lên cao nhất là 8,8%/năm nhưng ở kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số tiền từ 2.000 tỉ đồng trở lên. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của nhà băng này lên 7,3%/năm, 9 tháng lên 7,4%/năm nhưng 12 tháng chỉ có 7,2%/năm.

Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn đang nóng lên, chủ yếu để giữ chân khách hàng không chạy sang nhà băng khác. Hiện hạn mức tín dụng của các nhà băng gần như đã chạm mức cho phép. Lãi suất huy động tăng lên càng gây thêm áp lực cho lãi vay điều chỉnh tăng. Đối với những hợp đồng vay cũ đến thời điểm tính lại lãi vay, gần như đều căn cứ vào lãi suất huy động cộng với biên độ từ 3,5 – 5% tùy theo ngân hàng.

 

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng qua thị trường mở. Nhà điều hành đã thu về gần 20.000 tỉ đồng trong ngày 28.10 của 10 thành viên, trong khi bơm ra hơn 5.284 tỉ đồng của 9 thành viên. Lãi suất trên thị trường mở duy trì ở mức 6%/năm, kỳ hạn 7 ngày. Trong suốt tuần qua, giao dịch trên thị trường mở diễn ra khá sôi động cả chiều bơm tiền ra và hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước. Lượng tiền bơm ra chỉ 37.175 tỉ đồng nhưng hút về lên đến 73.100 đồng. Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 35.925 tỉ đồng.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngày 28.10 tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 0,09 -1,26% so với ngày trước đó. Lãi suất kỳ hạn qua đêm giảm 1,26%, xuống còn 4,5%/năm; 1 tuần giảm 0,32%, còn 6,28%/năm; 2 tuần giảm 0,09%, còn 7%/năm… Mức lãi suất 8%/năm xuất hiện ở kỳ hạn 6 tháng trở lên. Mức lãi suất hiện nay đang chỉ còn một nửa so với lãi suất cao nhất ở các kỳ hạn ngắn.

Không những lãi suất, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm. Các ngân hàng giao dịch tỷ giá quanh mức 24.825 đồng/USD. Đối với khu vực dân cư, các ngân hàng duy trì mức giá bán sát trần 24.877 đồng/USD. Eximbank bán USD với giá 24.875 đồng, trong khi chiều mua vào tăng thêm 10 đồng, lên 24.680 – 24.700 đồng/USD.

Trong thời gian qua, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng tăng chậm hơn cho vay. Theo dữ liệu mới công bố gần đây, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 8 tăng 2,68%, lên hơn 13,761 triệu tỉ đồng. Lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng nhanh hơn so với tổ chức kinh tế. Trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến cuối tháng 8 là 9,98% so với cuối năm 2021, với số dư hơn 11,48 triệu tỉ đồng. Lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng mạnh như thương mại, vận tải, viễn thông, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…

 

THANH XUÂN

TNO