Minh bạch thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Minh bạch thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư để kênh huy động vốn từ cổ phiếu, trái phiếu trở nên bền vững và hiệu quả hơn trên cơ sở minh bạch, lành mạnh thị trường, nâng cao trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – cho rằng mặc dù bức tranh kinh tế – xã hội chín tháng đầu năm rất khả quan, nhiều chỉ số đáng ghi nhận với 14/15 chỉ tiêu đạt được, song cần đánh giá thận trọng về bức tranh khá ảm đạm của thị trường chứng khoán, trái phiếu khi đang có thực tế là tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn bởi những biến động trên thị trường.
* Thưa ông, trong phát biểu về tình hình kinh tế – xã hội, ông có đề cập đến bức tranh ảm đạm của thị trường chứng khoán, niềm tin thị trường giảm sút. Ông giải thích ra sao về những gì đang diễn ra trên thị trường?
– Như chúng ta đã biết, tình hình tổng thể kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm tương đối khả quan với những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, số liệu về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khá tích cực, tuy nhiên thị trường chứng khoán thì ảm đạm.
Theo tôi, thị trường giảm điểm rất mạnh thời gian qua do yếu tố thanh khoản yếu của nguồn tiền trên thị trường bởi Ngân hàng Nhà nước hút tiền về qua nhiều kênh nhằm ổn định tỉ giá USD (khi đồng USD tăng mạnh) và giảm nguy cơ lạm phát gia tăng.
Khi nhà đầu tư chưa muốn mua dẫn tới giá cổ phiếu thiếu đi lực đỡ tự nhiên kết quả là giá cổ phiếu giảm. Trong khi đó, biến động giá dựa trên khối lượng giao dịch nhỏ nên độ tin cậy cũng thấp, khiến nhà đầu tư càng hoài nghi về độ tăng của cổ phiếu. Và có thể nhà đầu tư nhận thấy đầu tư cổ phiếu không còn hấp dẫn như trước nữa nên đã đưa một lượng tiền lớn ra khỏi thị trường chuyển vào những kênh đầu tư có lãi suất cố định như gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư trái phiếu.
Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn và mua lại trước hạn trái phiếu của các doanh nghiệp trên sàn khiến doanh nghiệp phải bán cổ phiếu để lấy tiền đáo hạn hoặc mua lại trái phiếu, sau khi có những vụ việc một số doanh nghiệp bất động sản huy động tiền qua trái phiếu nhưng sử dụng sai mục đích và bị cơ quan chức năng xử lý, bắt tạm giam.
Có thể thấy sau động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cổ phiếu hai ngành trụ cột là ngân hàng và bất động sản giảm mạnh, từ đó tác động đến thị trường bởi về lý thuyết lãi suất điều hành tăng sẽ tác động đến lãi suất huy động, sau đó là lãi suất cho vay, dòng tiền sẽ san sẻ sang kênh tiết kiệm.
Ngoài yếu tố lãi suất, khối ngoại liên tục bán ròng đã tác động đến thị trường. Thực ra tôi cũng cho rằng do hai năm xảy ra dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, đầu tư bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng thấp, người dân đổ tiền nhàn rỗi vào thị trường chứng khoán, nên thị trường phát triển nóng. Còn hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư trở lại bình thường thì tất yếu dòng tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Về nguyên nhân bên ngoài, đó là việc nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng, độ mở của nền kinh tế lớn, nên thị trường tất yếu chịu ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và đưa ra dự báo về suy thoái kinh tế.
Tình hình chiến sự ở Ukraine và các xung đột trên thế giới dẫn đến tâm lý bi quan về lạm phát, suy thoái kinh tế và các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát, nên có hiện tượng nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường chứng khoán.
* Về thị trường trái phiếu, ông có nhắc đến hàng loạt vụ việc gần đây gây rúng động giới đầu tư tài chính như vụ FLC, Tân Hoàng Minh hay vụ Vạn Thịnh Phát… Việc xử lý để lành mạnh và trong sạch thị trường là cần thiết, nhưng theo ông đâu những bất cập của chính sách quản lý ?
– Đúng là do cơ chế quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu bất động sản, tần suất phát hành và lượng phát hành của doanh nghiệp và quản lý giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn tiền thu được từ phát hành của đơn vị phát hành, đơn vị tư vấn phát hành còn yếu và lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp yếu kém lợi dụng thực hiện phát hành với lãi suất cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường trái phiếu.
* Theo ông, cần giải pháp nào để lành mạnh thị trường chứng khoán, trái phiếu và ổn định niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh sức ép lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế đang chực chờ?
– Những chính sách và định hướng chiến lược kinh tế cần có thông điệp rõ ràng hơn để giảm bớt yếu tố bất định về chính sách, để giảm tính bất ổn kinh tế; đề xuất ngay gói cho vay lãi suất thấp từ ngân sách với vai trò là vốn mồi để doanh nghiệp và ngân hàng có tiền luân chuyển lãi suất thấp; có cách khơi thông cho dòng vốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Nhờ đó, giảm tình trạng “tích trữ thanh khoản” của ngân hàng và doanh nghiệp – vì đây là yếu tố tiêu cực gây bất ổn nhất hiện nay.
Ngoài những giải pháp trên, tôi nhấn mạnh thêm là: chu kỳ tăng giá USD và lãi suất không phải sẽ kéo dài mãi nên sẽ làm cân bằng lại áp lực tỉ giá và lạm phát hiện nay. Ta cần theo sát diễn biến của tình hình kinh tế chính trị quốc tế, tình hình của FED và các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn khác và linh hoạt điều chỉnh theo như hiện tại đang làm thì sẽ xử lý hiệu quả vấn đề lạm phát và tỉ giá.
Cái cần quan tâm là sự ổn định của thị trường, không đưa ra các biện pháp quá đột ngột hoặc thay đổi liên tục để hỗn loạn thêm thị trường, càng làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Cần có thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn
Cần sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Vừa qua, Chính phủ đã rất kịp thời ban hành nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, hoàn thiện khung pháp lý, lành mạnh hóa và phát triển bền vững thị trường này.
Tuy nhiên, vẫn cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, có cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường và các biểu hiện chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư.
Với những tin đồn trên thị trường, các cơ quan chức năng cần có nghĩa vụ đảm bảo thông tin minh bạch, có định hướng cho nhà đầu tư loại tin thật, tin giả để có quyết định phù hợp, giảm rủi ro.
Ông Hồ Đức Phớc (bộ trưởng Bộ Tài chính):
Sẽ đề xuất sửa luật
Về thị trường chứng khoán và trái phiếu liên quan đến kiểm soát nợ cá nhân (trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ), xuất phát từ quy định hiện hành, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được khuyến khích trên nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Đến nay, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 1,204 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP.
Nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là ngân hàng (46%), bất động sản (37,5%) nên sắp tới bộ đề xuất sửa Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán để kiểm soát chặt chẽ minh bạch, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Lê Thanh Vân (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách):
Rốt ráo xử nghiêm người tung tin đồn
Thời gian qua, trong lúc các cơ quan chức năng chưa có thông tin xử lý người vi phạm thì một số kẻ đã tung các tin đồn thất thiệt, bịa đặt về việc sẽ đưa người này, người kia “vào lò”. Việc này đã gây nhiễu loạn thông tin, tác động mạnh đến hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lúc đang lập lại kỷ cương trật tự ở một số lĩnh vực kinh tế.
Cạnh đó tác động mạnh đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Trong đó một số tập đoàn có uy tín, chỉ số tín nhiệm rất cao, điểm giao dịch trong thị trường chứng khoán đang ổn định thì bị tung tin đồn không chính xác về năng lực tài chính, nhân sự lãnh đạo bị “bế đi” khiến hoạt động bị ảnh hưởng lớn.
Vừa qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, tuy nhiên đa phần mới dừng lại ở mức hành chính còn hình sự có song chiếm tỉ lệ nhỏ. Những hậu quả do người tung tin đồn gây ra rất lớn, không thể chỉ xử lý hành chính mà cần phải xem xét xử lý hình sự nhằm tạo sự răn đe cho kẻ khác.
Ở đây, cần thấy tin đồn xuất phát từ sự suy diễn nhưng cũng có nguyên nhân do phá hoại. Do đó tùy vào tính chất, mức độ để đánh giá sự nguy hiểm, ý thức chủ quan của người tung tin đồn, hậu quả hành vi nhằm áp dụng biện pháp xử lý bằng pháp luật cho đúng.
Để đối phó với tin đồn cần bằng các công cụ pháp luật tương ứng và thời gian tới các cơ quan chức năng cần vào cuộc rốt ráo hơn để xử lý kịp thời các tin đồn. Song mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần minh bạch các giải pháp, hoạt động cụ thể của mình để tháo gỡ các khó khăn trong bối cảnh chỉnh đốn kỷ cương, kỷ luật trong các lĩnh vực cụ thể.
Mặt khác, các doanh nghiệp, tập đoàn phải thực hiện minh bạch thông tin, chứng minh cho xã hội, nhà đầu tư biết các hiệu quả hoạt động bằng các số liệu cụ thể để phản bác tin đồn thất thiệt. Cạnh đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng cần có đánh giá, công bố thường niên về đánh giá chỉ số tín nhiệm của các doanh nghiệp để nhà đầu tư có thông tin tham khảo, lựa chọn, yên tâm đầu tư.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):
Cần có thông điệp rõ ràng, minh bạch thông tin
Để xử lý tin đồn thì các cơ quan chức năng cần có những thông điệp hết sức rõ ràng, minh bạch trước các “chao đảo thông tin” trên thị trường. Với những hành vi vi phạm, lũng đoạn, gây ảnh hưởng tới thị trường phải bị xử lý nghiêm minh nhưng cần phải xác định rõ vai trò của thị trường tài chính đối với nền kinh tế để giải quyết bài toán cung ứng vốn trung, dài hạn.
Cạnh đó, cần cho ra đời nhiều hơn các tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để làm cơ sở cho nhà đầu tư đánh giá, xác định được doanh nghiệp nào uy tín, doanh nghiệp nào tín nhiệm không cao. Đồng thời, nhà đầu tư cần phải là nhà đầu tư thông minh, dựa vào các phân tích cơ bản chứ không vội vàng tin theo các tin đồn.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Xóa bỏ chồng chéo pháp luật để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh
Việc đảm bảo an toàn, nhất là pháp lý cho môi trường kinh doanh hiện nay là điều rất quan trọng để giữ vững niềm tin, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều đột phá quan trọng và người dân rất phấn khởi. Điều này hoàn toàn cần thiết để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh văn minh, công bằng.
Song đồng thời với việc trừng trị những kẻ phạm tội, lạm quyền cũng cần thực hiện chính sách bảo vệ với cán bộ, doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng vượt lên. Cùng với đó, như nhiều người đã nêu, việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế chính là một điểm trong đó.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh):
Thuốc đắng dã tật
Để giúp tăng niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư thì việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch là một trong các yếu tố quan trọng. Có thể thấy rõ thời gian qua việc đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong thị trường chứng khoán để trục lợi là rất đúng đắn.
Việc này giúp minh bạch hóa và có thể chúng ta đau ở một mặt nào đó nhưng về dài hạn thị trường sẽ tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Chẳng hạn với vụ FLC, rất nhiều nhà đầu tư nhầm chỗ, trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Do đó, phải xử lý nghiêm những người vi phạm để đảm bảo sự minh bạch, phát triển ổn định cho thị trường. Đi kèm với đó, các cơ quan quản lý cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
THÀNH CHUNG – N.AN ghi