23/01/2025

Bộ Nông nghiệp nêu lý do xin giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0%

Bộ Nông nghiệp nêu lý do xin giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0%

Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị bộ này kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn.

 

 

 

Ngày 28.10, Bộ NN-PTNT cho biết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp nêu lý do xin giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0% - ảnh 1
Bộ NN-PTNT kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0%  NHÀ CHĂN NUÔI

Trước đó, ngày 25.9, Bộ NN-PTNT đã nhận được văn bản kiến nghị từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0%.

Theo Bộ NN-PTNT, 10 năm qua, ngành chăn nuôi trong nước liên tục phát triển ở mức 4 – 5%/năm, do đó nhu cầu thức ăn chăn nuôi cũng phải tăng theo, mỗi năm cần trên 30 triệu tấn. Ngô là nguyên liệu chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng 12 triệu tấn, khô đậu tương (hạt đậu tương đã ép dầu) khoảng 5,5 triệu tấn.

Trong năm 2020, sản lượng đậu tương trồng trong nước đạt khoảng 66.000 tấn; khô đậu tương sản xuất trong nước 840.000 tấn (chủ yếu từ đậu tương nhập khẩu); khô đậu tương nhập khẩu là 4,7 triệu tấn.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo đến năm 2025 và 2030 nhu cầu khô đậu tương sẽ tăng lên 6,5 – 8 triệu tấn/năm. Do diện tích đất trồng trọt nói chung và đất trồng đậu tương càng ngày càng hẹp, Việt Nam sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn khô đậu tương trong những năm tới.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, trong 3 năm vừa qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam chịu nhiều tác động như dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 trên người và gần đây nhất là xung đột Nga – Ukraine khiến ngành chăn nuôi ngày càng khó khăn.

Điển hình nhất là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu liên tục tăng từ tháng 10.2020 đến nay. Ở thời điểm cao nhất trong 3 năm nay, giá ngô tăng 80 – 95%, khô đậu tương tăng 71% so với tháng 10.2020. Nhưng giá sản phẩm chăn nuôi không tăng theo giá thức ăn mà còn giảm ở một số thời điểm, càng làm người chăn nuôi khó khăn.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, ngày 15.11.2021, Chính phủ ban hành Nghị định 101/NĐ-CP, trong đó điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô giảm từ 5% xuống 2% từ ngày 31.12.2021. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2%.

Theo đó, Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét, đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%.

 

PHAN HẬU

TNO