18/11/2024

Thoát ngoại không dễ

Sau nhiều ngày cân nhắc và tranh cãi gay gắt trong nội bộ liên minh cầm quyền, chính phủ Đức đã quyết định cho phép một công ty của Trung Quốc mua tối đa 25% cổ phần ở một trong 4 cảng trung chuyển hàng hoá của cảng Hamburg (Đức).

 

 

 

Công ty này của Trung Quốc muốn mua 35% cổ phần và từ năm 2016 đến nay đã mua cổ phần ở một số hải cảng lớn tại một số nước thành viên EU như Hà Lan, Bỉ, Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, hình thành mạng lưới hiện diện trực tiếp của Trung Quốc ở hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chiến lược của EU.

Thoát ngoại không dễ - ảnh 1
Container hàng hóa của công ty Trung Quốc rời cảng Hamburg hồi 2020  REUTERS

Nhân vụ việc này, ở nước Đức và trong EU dấy lại cuộc tranh luận về việc nên hay không nên để cho Trung Quốc kiểm soát hoặc tham gia kiểm soát mạng lưới cơ sở hạ tầng chiến lược của EU. Đa số ý kiến trong chính giới cũng như trong dư luận đều nghiêng về chủ trương không để cho Trung Quốc thực hiện những phi vụ “đầu tư chiến lược” như vậy.

Quyết định nói trên của Đức phản ánh tình trạng rất khó xử chung đối với EU về tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc. Vừa mới đây thôi, EU đã chính thức coi Trung Quốc là “đối thủ với cách nhìn khác về trật tự thế giới” và chủ trương hạn chế sự lệ thuộc vào Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.

Thực chất của chủ trương này là “thoát Trung”. Nhìn xa trông rộng thì đúng là EU phải như thế, nhưng thực tế thì cả việc “thoát Nga” lẫn “thoát Trung” đều đâu có đơn giản, dễ thực hiện và chắc chắn thành công đối với EU? Trung Quốc vẫn quá quan trọng đối với EU và EU dẫu không muốn vẫn phải hợp tác với Trung Quốc.

 

PHẠM LỮ

TNO