22/12/2024

Hết dịch, hết dạy học online?

Hết dịch, hết dạy học online?

Dạy học trực tuyến (online) hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp từng được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ là trào lưu học tập mới thời hậu COVID-19.

 

 

 

Hết dịch, hết dạy học online? - Ảnh 1.

Giáo viên một trường THPT tại TP.HCM dạy trực tuyến cho học sinh trong thời gian giãn cách xã hội năm học 2020 – 2021. Hình ảnh này giờ gần như không còn trong nhà trường phổ thông – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trên thực tế, đa phần các trường đại học, cao đẳng, phổ thông hiện gần như không còn thiết tha với hình thức dạy học online nữa.

Nguyên lãnh đạo của hệ thống e-learning (giáo dục trực tuyến) tại một trường đại học tư thục ở TP.HCM thừa nhận hình thức dạy học online triển khai trong thời gian dịch COVID-19 chỉ là một giải pháp tạm thời.

Những cuộc khảo sát thực tế được thực hiện trong các nhóm sinh viên của trường này sau giai đoạn học từ xa qua Zoom, Google Meet cho thấy ít ai còn mặn mà với hình thức học trực tuyến.

 

Học online đã “hoàn thành sứ mệnh”?

“Khảo sát nguyện vọng sinh viên của trường sau đại dịch, chúng tôi nhận thấy có đến khoảng 80% các em muốn học trực tiếp hoàn toàn tại lớp” – vị này nói.

Cũng theo vị này, một rào cản nữa là từ phía các giảng viên. Tại trường tư thục trên, các giảng viên nhìn chung rất ngại khi “bị bắt” dạy trực tuyến. Đa số đều cho rằng phải chuẩn bị và đầu tư bài giảng, tiết học cực hơn rất nhiều so với dạy tại lớp, trong khi bản thân họ không được thêm lợi ích gì.

“Do vậy, hiện nay dạy online gần như không còn được sử dụng ở trường đại học của chúng tôi” – vị này kết luận.

ThS Vũ Thị Thùy Dương – giảng viên ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH FPT – chia sẻ hiện cô khá ít khi phải dạy online trong những giờ chính khóa tại trường khi sinh viên đã có thể đến lớp.

Trong một số trường hợp, hình thức hybrid sẽ được sử dụng: cô vẫn dạy trực tiếp cho một nhóm học sinh tại lớp và sẽ bật camera kết nối đến một vài sinh viên buộc phải ở nhà vì một lý do bất khả kháng nào đó chẳng hạn mắc bệnh. Tuy nhiên, theo cô Dương, số lần phải dùng tới phương pháp này cũng rất ít.

TS Đặng Tấn Tín – trưởng khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – xác nhận những tiết học online “thuần túy”, trong đó giảng viên và sinh viên cùng vào một phần mềm trực tuyến như Zoom hay Google Meet, giờ đây rất hiếm. Gần như các giảng viên đều thích đến lớp, tương tác trực tiếp cùng sinh viên.

Theo TS Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông, đặc thù của các trường trung cấp, cao đẳng là thời gian thực hành chiếm đa số, có khi đến 70% thời lượng học.

Với những môn học phải vào xưởng (như của ngành cơ khí, kỹ thuật ô tô…) hoặc liên quan đến những quy trình tiếp xúc giữa người với người (như của ngành điều dưỡng) thì phải đến trực tiếp để được thị phạm và làm thật. Riêng với một số môn nặng tính lý thuyết, giảng viên của trường có thể chủ động dạy trực tuyến để tiết kiệm thời gian, công sức của cả thầy và trò.

 

Lên Zoom cả tiếng không còn phù hợp

TS Đặng Tấn Tín cho rằng các cách hiểu về hybrid hay sự kết hợp giữa online và offline trong các tiết học có thể linh hoạt. Không hẳn phải có bảy tiết học tại lớp xen với ba tiết học trên Zoom, hoặc lớp học vừa dạy song song cho một nhóm sinh viên trực tiếp và một nhóm trực tuyến, thì mới gọi là hybrid.

“Tôi muốn nhấn mạnh trong xu hướng hybrid thì online không nhất thiết là thầy giáo và sinh viên cùng ngồi giảng live (trực tuyến) cả tiếng qua Zoom. Mà đó là sự lồng ghép một cách khéo léo và hiệu quả hơn các yếu tố công nghệ ngay trong một buổi học trực tiếp” – ông Tín nói.

Trong khi đó, ThS Vũ Thị Thùy Dương cho rằng các kết nối online được duy trì như một sợi dây liên lạc giữa sinh viên và sinh viên, và giữa sinh viên và giảng viên.

Chẳng hạn, một hoạt động đã được cô Dương duy trì với nhiều khóa sinh viên từ đầu mùa dịch đến nay là ôn bài online. Đến những hôm gần thi, sinh viên sẽ chủ động liên hệ với cô và đề xuất sẽ cùng nhau gặp online cô một buổi nào đó mà thường vào buổi tối. Tại đây, các bạn sẽ hỏi về bài vở và cô trò cùng giải đáp trực tuyến.

“Cách ôn tập trực tuyến này không chỉ tốt cho sinh viên mà còn giúp tình thầy trò gần gũi hơn” – cô Dương nói.

 

Dạy học thời công nghệ

TS Đặng Tấn Tín cho rằng xu hướng học ngày nay có sự kết hợp của nhiều công nghệ trên điện thoại, laptop của cả người học lẫn người dạy trong một không gian lớp học.

Thầy Tín lấy ví dụ một bài tập tiếng Anh trong lĩnh vực nhân sự, yêu cầu so sánh những tin rao tuyển dụng của các công ty. Nếu như giảng dạy một chiều, giảng viên sẽ đưa ra hai mẩu tin tuyển dụng đã chuẩn bị sẵn cho sinh viên so sánh.

Giờ đây với công nghệ, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên dùng điện thoại, laptop lên mạng để tìm ngay những mẩu tin tuyển dụng mà mình thấy ưng ý rồi đăng tải trên nền tảng LMS chung của lớp học. Sinh viên có thể xem và đối chiếu với những mẩu tin mà bạn mình tìm được ngay trên hệ thống này. Giảng viên cũng có thể xem và cho nhận xét ngay trên hệ thống chung.

 

Ở trường phổ thông thì sao?

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 (TP.HCM) cho biết kể từ khi học sinh được tới trường, hình thức online tại trường gần như không còn áp dụng. Cô nhìn nhận thẳng học online với cấp 1 không hiệu quả vì ngoài chuyện khó nắm kiến thức, các em ở tuổi này còn phải được uốn nắn rèn để hình thành những thói quen tốt không chỉ với chuyện học hành. Vì vậy, trường gần như không thể dạy online hay hybrid.

Ngược lại, với những cấp học cao hơn, khi đã có ý thức học tập, việc áp dụng cả học online lẫn offline sẽ cho hiệu quả cao. Bà Trương Lê Quỳnh Tương – giám đốc ClassIn Đông Nam Á – cho biết ngày càng có nhiều học sinh chủ động đăng ký những khóa học online.

Chẳng hạn, không ít thầy cô dạy tiếng Anh ở TP.HCM lại nhận rất nhiều học sinh ngoài Bắc và ngược lại. Không chỉ với những môn “đơn giản” như tiếng Anh, các môn trước nay vốn không chuộng học online như toán, lý, hóa giờ cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều lớp học trực tuyến, có lớp có đến hàng trăm học sinh cùng học một lúc.

Cô giáo dạy online đau đầu với học trò lầy lội
Cô giáo dạy online đau đầu với học trò lầy lội
TRỌNG NHÂN
TTO