18/11/2024

Bị mất ngủ: Khi nào cần đi bác sĩ khám?

Bị mất ngủ: Khi nào cần đi bác sĩ khám?

Một người trưởng thành sẽ cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng/đêm. Tuy nhiên, chứng mất ngủ lại khiến người mắc thường xuyên trằn trọc đến tận nguy khuya mới ngủ được. Hệ quả là khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến công việc, học tập.

 

 

 

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ phổ biến. Tại Mỹ, nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of Clinical Sleep Medicine ước tính khoảng 30% đến 48% người trưởng thành nước này đang bị ảnh hưởng của chứng mất ngủ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Bị mất ngủ: Khi nào cần đi bác sĩ khám? - ảnh 1
Nếu chứng mất ngủ ảnh hưởng đến chất lượng sống thì người bệnh cần đi bác sĩ càng sớm càng tốt  SHUTTERSTOCK

Trên thực tế, phụ nữ sẽ dễ bị mất ngủ hơn nam giới. Một nghiên cứu trên chuyên san Philosophical Transactions phát hiện phụ nữ có nguy cơ bị mất ngủ cao hơn đến 40% so với nam giới.

Thông thường, có rất nhiều lý do khiến một người bị mất ngủ, từ chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ đến một số bệnh mạn tính. Nếu được điều trị thích hợp, người bị mất ngủ có thể khôi phục lại trạng thái giấc ngủ khỏe mạnh.

Với người bệnh, điều trị đúng cách và đúng lúc là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp tránh để thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Do đó, người bị chứng mất ngủ cần theo dõi các triệu chứng để có thể sớm điều trị. Theo các chuyên gia, nếu mất ngủ kéo dài hơn 4 tuần thì hãy đến gặp bác sĩ kiểm tra.

Trong trường hợp chứng mất ngủ ảnh hưởng lớn đến công việc, học tập và cuộc sống cá nhân thì cần phải được điều trị ngay lập tức. Nếu mất ngủ do thường xuyên giật mình nửa đêm, khi giật mình thì thở hổn hển, lúc ngủ thường ngáy to thì đó có thể là biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ.

Khi người bị mất ngủ đến kiểm tra thì bác sĩ sẽ hỏi một loạt câu hỏi liên quan đến chứng mất ngủ. Sau đó, họ sẽ cân nhắc có chuyển bệnh nhân sang điều trị với bác sĩ chuyên khoa hay không, theo Healthline.

 

NGỌC QUÝ

TNO