22/01/2025

Thế giới liên tục tăng lãi suất

Thế giới liên tục tăng lãi suất

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương nhiều nước đã liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, mà trong đó dẫn đầu là Mỹ.

 

 

Bắt đầu từ tháng 3.2021, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất (LS) tổng cộng thêm 3%, lên mức 3 – 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Tiếp theo sau Fed, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đều tăng LS để kiểm soát tình hình lạm phát trong nước.

Thế giới liên tục tăng lãi suất - ảnh 1
 Hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đều tăng lãi suất NGỌC THẮNG

Chẳng hạn mới đây, Ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng thêm 0,5%, đưa LS cơ bản lên 4,25%. Tại châu Âu, Ngân hàng trung ương Na Uy thông báo tăng LS từ 1,75% lên 2,25%; Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng LS thêm 0,75%, lên mức 2,5% để đối phó với sức ép lạm phát gia tăng.

Đan Mạch cũng đã kết thúc chính sách LS âm kéo dài gần 1 thập niên của mình vào ngày 8.9 khi ngân hàng trung ương nước này tăng LS cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên 0,65%. Tương tự, Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tăng LS lên 1,75% và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng LS thêm 0,5%, lên 2,25%. Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE đã lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Còn Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của yen. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm (kể từ năm 1998), Nhật Bản thực hiện động thái này.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều nhà đầu tư lẫn các chuyên gia tài chính đều tin chắc rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng LS lên khoảng 3% trong năm tới, từ mức 0,75% hiện nay, tương tự dự báo Ngân hàng trung ương Mỹ cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng LS đến giữa năm 2023 và thậm chí đến hết năm 2023 khi mà giá cả, lạm phát còn ở mức cao…

Tờ New York Times cho rằng, cuộc đua nâng LS của ngân hàng trung ương có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả. Điển hình là việc Fed dự báo, các động thái thắt chặt mạnh tay hiện tại sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên 4,4% vào năm 2023, từ mức 3,7% hiện tại. Thị trường tài chính chao đảo trong năm nay trước cuộc đua nâng LS gay gắt từ các ngân hàng trung ương, vốn liếng của doanh nghiệp bốc hơi và tài sản của các hộ gia đình cũng giảm sút. Hậu quả đầy đủ có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để cảm nhận được.

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) hôm 3.10 đưa ra cảnh báo: Fed cũng như các ngân hàng trung ương khác sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sâu nếu tiếp tục mạnh tay tăng LS. Cũng theo ước tính của UNCTAD, với mức lãi suất mà Fed đã điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay, sản lượng kinh tế của các nước nghèo sẽ “bốc hơi” 360 tỉ USD trong vòng 3 năm và nếu chính sách thắt chặt hơn nữa, thiệt hại sẽ gia tăng…

 

M.PHƯƠNG – T.XUÂN

TNO