22/01/2025

Những cuộc họp phụ huynh không phải để… thu tiền

Những cuộc họp phụ huynh không phải để… thu tiền

Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng họp phụ huynh là chỉ để thu tiền, có những cách họp và nội dung họp phụ huynh mang lại bất ngờ, thú vị.

 

Những cuộc họp phụ huynh không phải để... thu tiền - Ảnh 1.

Họp phụ huynh theo hình thức 1-1 (giáo viên họp với một học sinh và phụ huynh – Ảnh: V.HÀ

Cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), là một giáo viên chủ nhiệm có nhiều ý tưởng khác biệt và ý nghĩa cho những cuộc họp phụ huynh.

Tham gia những cuộc họp phụ huynh do cô Kim Anh chủ trì, tôi cảm giác rất vui và cũng có nhiều suy nghĩ, thay đổi để hỗ trợ con nhiều hơn.

Chị Quỳnh (một phụ huynh)

 

Cách để cha mẹ hiểu con

Mỗi dịp họp phụ huynh, tùy theo từng thời điểm, cô Kim Anh có những sự chuẩn bị khác nhau nhưng cùng hướng đến một mục đích: để cha mẹ hiểu con, để con chia sẻ được với nỗi lo của cha mẹ.

“Tôi đề nghị học sinh chọn một bức ảnh mà các em ấy thấy đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất gửi cho cô có kèm theo chú thích. Có em chọn bức ảnh thời mẫu giáo, có bức ảnh thời tiểu học hoặc hiện tại. Trong một bức ảnh chân dung thời mẫu giáo, có học sinh viết ‘đây là thời hạnh phúc nhất’.

Em giải thích bây giờ không được như vậy nữa vì phải học nhiều quá và bố mẹ không có nhiều thời gian trò chuyện với mình như xưa, hễ gặp là nhắc nhở. Nhiều em cũng ghi dưới những bức ảnh ghi dấu kỷ niệm gia đình những suy nghĩ, mong muốn của mình thế nào” – cô Kim Anh kể.

Trong buổi họp phụ huynh, khi xem những bức ảnh “khoảnh khắc hạnh phúc”, đồng thời cũng thể hiện sự nuối tiếc, mong muốn của các con, nhiều bố mẹ xúc động. Có người thừa nhận bận rộn quá không có thời gian ăn tối cùng con, có người kể lâu rồi cả nhà không đi chơi cùng nhau.

Ở một cuộc họp phụ huynh khác, cô Kim Anh đề nghị học sinh viết ra điều các em mong muốn ở bố mẹ. Đồng thời cũng đề nghị phụ huynh viết những điều bố mẹ còn chưa hài lòng, mong đợi ở các con. Những mong muốn được đặt cạnh nhau mang đến cho phụ huynh nhiều suy ngẫm.

 

Họp phụ huynh 1-1

Đây là cách làm phổ biến ở các nhà trường một số nước khác. Tại Việt Nam, ban đầu chỉ một số trường tư có yếu tố nước ngoài thực hiện, nhưng nay cách thức này đang dần được quan tâm vì tính hiệu quả và nhân văn trong mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với phụ huynh để đồng hành cùng học sinh.

Tại hệ thống trường tiểu học, THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), nhiều năm học gần đây không còn tồn tại “hội phụ huynh lớp”. Nhưng trong một năm học, các bậc cha mẹ ít nhất có ba buổi đến trường dự họp. Buổi họp phụ huynh đầu năm học được tổ chức chung cho khối lớp, do hiệu trưởng chủ trì. Hiệu trưởng sẽ thông báo chung về tình hình dạy học, kế hoạch giáo dục của trường trong năm học; trách nhiệm của nhà trường, của phụ huynh, học sinh…

Khi năm học bắt đầu, vào cuối các tuần, có thể hiệu trưởng sẽ có thư gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và thư gửi phụ huynh để thông tin về hoạt động của trường cùng những điều nhắn gửi. Vào cuối học kỳ 1, sẽ có đợt họp phụ huynh theo hình thức 1-1.

Giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo một khung thời gian nhất định, có thể vào ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Trong khung thời gian đó, phụ huynh có thể vào đăng ký giờ cụ thể để gặp cô giáo chủ nhiệm. Tại các cuộc họp, có thể giáo viên gặp chung cả phụ huynh và học sinh, có thể tách riêng gặp bố mẹ trước rồi sau đó gặp học sinh.

“Trước đó, giáo viên chủ nhiệm gửi kết quả học tập của học sinh, những vấn đề cần lưu ý cho phụ huynh. Nếu các bậc cha mẹ thấy ổn rồi thì không cần bắt buộc phải đăng ký buổi họp 1-1. Ai muốn gặp để được giải thích thêm, cần trao đổi, đề xuất về việc học tập của con thì đăng ký” – cô Doãn Tuyết Mai, phụ trách chung các hoạt động phát triển của Trường Nguyễn Siêu, cho biết.

Theo cô Tuyết Mai, trong năm học nếu có những việc phát sinh liên quan tới học sinh, giáo viên chủ nhiệm hoặc chính các phụ huynh có thể đề nghị gặp và cũng theo hình thức 1-1.

 

Công khai thông tin nên không cần hội phụ huynh

Những việc cần phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ, giáo dục học sinh thì chúng tôi đều thực hiện theo cách trao đổi cá nhân. Kết quả học tập của học sinh cũng được gửi riêng. Trường không có hội phụ huynh lớp vì những hoạt động của trường trong năm học được thông báo công khai.

Cô Doãn Tuyết Mai

(Trường tiểu học, THCS, THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội)

 

Họp phụ huynh bàn về tâm sinh lý học sinh

Tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học 2022 – 2023 ở lớp 6/7 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), nhiều người đã rất bất ngờ khi cô giáo chủ nhiệm Đỗ Ngọc Mai Thanh dành phần lớn thời gian để nói về đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh bậc THCS.

Cô Thanh đề nghị các phụ huynh cần quan tâm đến con hơn, chọn mua sách về giới tính, tuổi dậy thì… cho các con đọc; thường xuyên tâm sự với con, quan sát về những thay đổi hằng ngày của con để có sự giáo dục kịp thời.

“Các em lứa tuổi này dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, dễ bị nhiễm những thói xấu từ bên ngoài. Các em cũng muốn thể hiện cái tôi một cách mạnh mẽ, thích được khen và tuyên dương trước đám đông. Thế nên, các ba mẹ nên hạn chế la mắng, quát nạt con. Trước mọi vấn đề, cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, phân tích cặn kẽ đúng sai cho con hiểu” – cô Thanh đưa ra lời khuyên.

Về phương pháp học tập, cô Thanh phân tích những điểm khác biệt của bậc THCS và tiểu học rồi thông tin: “Học sinh lớp 6 rất dễ cảm thấy áp lực, mất phương hướng, nhiều em chưa có khả năng tự học thì càng khó khăn hơn. Tôi mong các ba mẹ cần nói chuyện với con, cùng con tìm ra những ưu điểm và hạn chế, tìm ra được thế mạnh của bản thân để giúp con tự tin hơn trong học tập”.

20221009_082934 1(Read-Only)

Cô Đỗ Ngọc Mai Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/7 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), tại buổi họp phụ huynh đầu năm học 2022 – 2023 – Ảnh: H.HƯƠNG

Về hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, cô Thanh nói những năm trước ban đại diện cha mẹ học sinh thường đề xuất tiết mục cho học sinh ăn uống, liên hoan vào những ngày lễ, Tết.

“Theo tôi thì hoạt động này không nhất thiết phải thực hiện. Nhưng có một hoạt động tôi tha thiết mong muốn cha mẹ học sinh hãy cùng hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm để tổ chức, đó là những chuyên đề về giáo dục giới tính, tình yêu – tình bạn tuổi học trò, kỹ năng sử dụng mạng xã hội… Những cái này cần cho học sinh hơn” – cô Thanh khẳng định.

Tương tự, tại buổi họp đầu năm học ở lớp 9A9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), thầy chủ nhiệm Lâm Hoàng Tân đã khiến phụ huynh “sáng” ra nhiều điều khi cho biết: “Sau hơn một tháng, tôi thấy nhiều em chưa có phương pháp học tập đúng đắn. Ai cũng hiểu năm nay là năm học cuối cấp, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập thì đương nhiên học sinh sẽ phải tập trung học hành. Nhưng như thế không có nghĩ là học ngày học đêm. Nhiều em học thêm nhiều quá nhưng học không có chủ đích, học lung tung hết”.

Thầy Tân đề nghị các bậc làm cha mẹ hãy hỗ trợ con em mình để các em học tập một cách hiệu quả và đúng mục tiêu: “Học phải có thời gian nghỉ ngơi, phải có thời gian để thẩm thấu kiến thức, chứ học hoài không hết bài là không ổn. Nhiều em thức rất khuya một phần là phải học quá nhiều, một phần là lo chat và tám chuyện với nhau.

Nếu các phụ huynh đồng ý, từ tháng 11-2022 tôi sẽ đặt ra thời gian đi ngủ và thời gian dậy vào sáng hôm sau cho các con. Tôi cũng sẽ cùng thực hiện với các con trên tinh thần đi ngủ sớm, nếu còn bài chưa giải quyết xong thì sáng hôm sau dậy sớm hơn bình thường để giải quyết các bài còn lại”.

Không những thế, thầy Tân còn trình bày quan điểm giáo dục của mình khi thực hiện với lớp 9A9: “Học giỏi chỉ là một yếu tố, tôi mong muốn tạo ra một môi trường học tập vui vẻ. Trong đó, trước hết học sinh phải biết vệ sinh sạch sẽ cho cá nhân mình và môi trường xung quanh, sau đó là tinh thần sẻ chia và biết chấp nhận sự thất bại. Nếu có những bất đồng, tôi định hướng để cho các em tự xử lý trên tinh thần win – win”.

Các phụ huynh vỗ tay rào rào tán đồng cùng với những nụ cười tươi rói, phấn khởi. Có tiếng thì thầm của một phụ huynh ở cuối lớp: “Năm nay lớp mình gặp được thầy chủ nhiệm khó tính nhưng rất tâm lý và giỏi nghề”.

HOÀNG HƯƠNG

VĨNH HÀ
TTO