Ngoài ‘heo ăn chuối’, thị trường có thêm ‘heo ăn chay’
Ngoài ‘heo ăn chuối’, thị trường có thêm ‘heo ăn chay’
Được nuôi từ 100% thức ăn là thực vật và gốc đạm thực vật, sản phẩm thịt “heo ăn chay” chính thức có mặt trên thị trường. Đây được cho là sản phẩm thịt sạch, an toàn.
Ngày 26-10, Công ty cổ phần BaF Việt Nam (thuộc Tân Long Group) ra mắt giới thiệu thương hiệu “heo ăn chay” BaF Meat. Công ty sẽ phân phối thịt và các sản phẩm chế biến khác từ thịt vào hệ thống chuỗi thực phẩm Siba Food.
“Heo ăn chay” là đàn heo chỉ ăn thức ăn (cám) được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật. Nguyên liệu này được sản xuất trong nhà máy cám BaF, chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ.
Công ty này cho hay, “heo ăn chay” khác với heo thường ở chỗ con giống nhập khẩu từ Genesus (Canada), nuôi theo quy trình khép kín. Heo ăn nguồn “cám chay” không chứa các thành phần như bột xương thịt, bột huyết, bột lông vũ, bột cá…, giảm rủi ro nhiễm các loại vi khuẩn. Thịt “heo ăn chay” có màu đỏ hồng tự nhiên, độ đàn hồi tốt, tỉ lệ rỉ nước ít; khi luộc thịt sẽ thấy nước trong hơn, ít nổi bọt, thịt thơm…
Ông Trương Sỹ Bá – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long – chia sẻ câu chuyện vì sao chọn đầu tư “heo ăn chay” bắt nguồn từ chuyện trước đây thịt heo rất ngon, bây giờ cuộc sống hiện đại, để tìm được cảm giác ăn thịt thơm ngon như lúc xưa rất khó.
Ông Bá cho biết năm 2017, Tân Long Group là doanh nghiệp lớn trong ngành nguyên liệu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và xác định thử nghiệm ngành thức ăn chăn nuôi để biết bức tranh đó ra sao, nhưng cuối năm 2019 hoàn toàn thất vọng, bởi lúc đó heo hơn 18.000 đồng/kg, rẻ hơn rau, nên không dấn thân vào chăn nuôi.
“Đến lúc có dịch tả châu Phi, đàn heo ở Việt Nam giảm 50%. Tầng lớp chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn được nữa, quy mô sẽ giảm xuống, dành chỗ cho chăn nuôi công nghiệp. Đây là xu hướng thế giới đã diễn biến rồi. BaF cung cấp con giống thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật tư vấn an toàn sinh học và thu mua cho người nông dân.
Nếu dừng lại ở Feed – Farm là dừng lại bán heo hơi ra thị trường, sẽ rất khó cạnh tranh với khoảng 90% công ty hàng đầu bán heo hơi, phải chăng BaF là đối thủ cạnh tranh với người nuôi nhỏ lẻ? Nên chúng tôi làm luôn mô hình: Feed – Farm – Food. Sau giết mổ, heo được phân phối ra thị trường bằng mô hình tươi, tăng hàm lượng chế biến sâu từ phụ phẩm thịt và hướng tới sản phẩm xuất khẩu chế biến”, ông Bá nói.
Hiện nay tổng đàn heo của BaF là 300.000 con, nhưng dự kiến quý 4 năm 2023, các trang trại sẽ hoạt động với tổng đàn là 1 triệu con.
Việt Nam nằm trong top 6 các nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Brazil. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam khoảng 27kg/người/năm, dự kiến năm 2023 tăng lên 35kg/người/năm.