Năm 2050 Việt Nam sẽ thành nước phát triển, thu nhập cao
Năm 2050 Việt Nam sẽ thành nước phát triển, thu nhập cao
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25.10 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 – 2030, trong đó vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 – 8,5%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Việt Nam đặt tầm nhìn đến năm 2050 trở thành nước phát triển NGUYỄN MINH TÚ |
Hình thành hai vùng động lực phía bắc và phía nam gắn với hai cực tăng trưởng là thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Mộc Bài – TP.HCM – Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước…
Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2… Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hòa, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Giai đoạn 2031 – 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 – 75%.
Nghị quyết cho biết sẽ tổ chức không gian phát triển theo 6 vùng, gồm vùng trung du và miền núi phía bắc gồm 14 tỉnh (chia 2 tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc); vùng đồng bằng sông Hồng, gồm 11 tỉnh, thành; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh, thành (chia 2 tiểu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ); vùng Tây nguyên, gồm 5 tỉnh; vùng Đông Nam bộ, gồm 6 tỉnh, thành; vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 13 tỉnh, thành.
MAI HÀ
TNO