23/12/2024

Kế sách ‘hỗn thuỷ mạc ngư’ của Trung Quốc

Kế sách ‘hỗn thuỷ mạc ngư’ của Trung Quốc

Bên cạnh các nhiệm vụ đổi mới và trẻ hoá đội ngũ nhân sự chiến lược, Đại hội Đảng Cộng sản lần 20 của Trung Quốc (Đại hội 20) vừa qua đã hoàn thành quá trình thống nhất quan điểm toàn Đảng về thế giới quan mới.

 

Kế sách hỗn thủy mạc ngư của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình (trái) và nhân vật số 2 Ban thường vụ Bộ Chính trị Lý Cường trong cuộc gặp báo giới vào ngày 23-10 – Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 20, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã bổ sung khái niệm “dông tố nguy hiểm” bên cạnh “sóng to, gió lớn” khi đề cập đến các thách thức sắp tới của đất nước.

Những thông điệp và cách chọn lựa nhân sự của Đại hội 20 cho thấy kế sách “hỗn thủy mạc ngư” (đục nước bắt cá) của Bắc Kinh.

 

Từ thế giới quan “hỗn thủy”

Đây là một cách diễn giải đậm tính trực quan và thể hiện được các bước đi tuần tự của Trung Quốc từ giai đoạn “dò đá qua sông” những năm đầu cải cách – mở cửa những năm 1970, rồi lại trải qua thời kỳ “vượt dòng nước xiết” đẩy mạnh hội nhập quốc tế vào cuối thế kỷ 20, cho đến vị trí “giữa vùng biển sâu” khi phải đối mặt “sóng to” từ các vấn đề trong nước và “gió lớn” do các cường quốc bên ngoài gây ra trong hai thập niên đầu thế kỷ 21.

Tuy nhiên, dù sao “sóng to” và “gió lớn” vẫn là những khái niệm có mức độ rủi ro trong tầm kiểm soát, còn “dông tố nguy hiểm” được nhắc đến lúc này nhiều khả năng cho thấy nhận thức về sự tồn tại những hiện tượng bên ngoài có thể gây chấn động lớn đến thế trận ổn định chiến lược của Trung Quốc.

Việc không nhắc lại quan điểm “tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc” trong văn bản dự thảo báo cáo của Đại hội 20 đi kèm với sự nhắc lại nhiều lần các diễn biến quốc tế “phức tạp”, “nghiêm trọng”, “chưa từng thấy”, thậm chí có cả “tình huống xấu nhất”… đã nhấn mạnh ý thức đề phòng cao độ các mối đe dọa đến từ bên ngoài.

Có thể thấy rõ chính “gió lớn” từ xu hướng xung đột tập hợp lực lượng giữa Mỹ và Nga sau cuộc chiến tranh Ukraine đã thúc đẩy các cơn “sóng to” khủng hoảng nội tại của Trung Quốc về tài chính, năng lượng và lương thực càng trở nên trầm trọng.

Trong đó, cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống ở khu vực bất động sản của Trung Quốc với các động thái rõ rệt từ các ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam cho đến “quả bom” Evergrande đã tạo nên các bong bóng tài chính khiến tổng nợ của Trung Quốc (gồm nợ chính phủ, nợ địa phương và nợ hộ gia đình) đã lên đến 270% GDP.

Hệ quả của cơn “sóng to” tài chính này đã tạo ra xu hướng nới lỏng các hạn chế kiểm soát thắt chặt với giới tài chính Mỹ đang đầu tư mở rộng vào Trung Quốc – một kịch bản nhiều rủi ro với chính phủ nước này.

Điển hình nhất là việc đồng ý cấp phép cho Tập đoàn Morgan Stanley tăng cổ phần từ 4,06 lên đến 94% trong công ty liên doanh môi giới ở Trung Quốc ngay sau khi phía Mỹ tuyên bố cân nhắc bỏ một phần thuế quan từ tháng

10-2021, hay sự chấp thuận thiết lập liên doanh giữa Goldman Sach với ngân hàng lớn nhất Trung Quốc – Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ngay sau tuyên bố cân nhắc cắt giảm thuế quan của Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Yellen vào tháng 4-2022.

 

Cho đến trận đồ “mạc ngư”

Xác định được thế giới quan mới, ngay trong Đại hội 20, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tập trung vào hai hướng ứng phó mang tính quyết đoán nhằm chèo lái đất nước vượt qua thời kỳ biến động:

Thứ nhất, củng cố đội ngũ có sự quyết tâm cao độ trong cạnh tranh nước lớn. Đại hội 20 đã cho thấy: (i) sự rời khỏi chính trường của một số ủy viên thường vụ Bộ Chính trị có đường lối ôn hòa với phương Tây như Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương hay Phó thủ tướng Lưu Hạc; (ii) nâng cao tiêu chí trung thành với mục tiêu “đấu tranh” với các lệnh phong tỏa, bao vây của phương Tây khi lựa chọn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức và dự khuyết.

Đây được xem là nền tảng quan trọng để tăng cường tối đa sức chiến đấu cũng như sự quyết đoán của Trung Quốc trong thế trận ứng phó cường độ cao với “chủ nghĩa bá quyền” mà Trung Quốc cho rằng nhiều nước lớn đang thúc đẩy.

Thứ hai, tranh thủ thế trận cạnh tranh phức tạp giữa các nước lớn để củng cố các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc.

Trong đó, Trung Quốc vẫn giữ nguyên chiến lược “rút củi đáy nồi” khi tập trung vào các định hướng thao túng từng phần năng lực kinh tế – công nghệ của Đài Loan bằng cách tăng cường thị phần ảnh hưởng ở các cảng biển và nhóm công ty giữ công nghệ cốt lõi để hướng đến mục tiêu “thống nhất trong hòa bình”, nhằm hạn chế kịch bản gia tăng áp lực từ các nước lớn.

Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động ngoại giao đảng với 500 đảng phái và tổ chức chính trị trên thế giới nhằm củng cố thế trận ngoại giao với các đối tác thân thiện theo tư tưởng Tập Cận Bình trong thời đại mới như đã công bố trong cuộc họp báo lần thứ tư khi diễn ra Đại hội 20.

Đồng thời phát huy cao độ “sức mạnh diễn ngôn” trong tuyên truyền đối ngoại về “cộng đồng chung vận mệnh” nhằm đẩy mạnh quảng bá Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) với tư duy “cùng thắng” thay thế tư duy “thắng thua” mà nhóm các nước lớn đang thực hiện.

 

“Dông tố nguy hiểm” từ Mỹ?

Ngay trước thềm Đại hội 20, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực thi các chính sách gia tăng áp lực tối đa lên Trung Quốc, như việc ban hành các lệnh tăng cường hạn chế bán các công nghệ bán dẫn hàng đầu cho Bắc Kinh hoặc công bố chiến lược an ninh quốc gia mới với sự định hình các chính sách gia tăng bao vây, phong tỏa nước này.

Điều này đã góp phần khuếch đại thêm ảnh hưởng từ các cơn “gió lớn” trong việc tạo ra chuỗi đứt gãy về nguồn cung thuộc chuỗi sản xuất toàn cầu thiết yếu của Trung Quốc – tác nhân sẽ sớm kiến tạo nên “dông tố nguy hiểm” với những thiệt hại mà Trung Quốc không thể lường trước.

MINH TUẤN
TTO