23/12/2024

Giáo viên lo bị ‘học sinh cười chết’ khi đọc nguyên tố hoá học bằng tiếng Anh

Giáo viên lo bị ‘học sinh cười chết’ khi đọc nguyên tố hoá học bằng tiếng Anh

 

Sự thay đổi trong cách gọi tên nguyên tố hoá học ở lớp 10 đang khiến giáo viên cảm thấy ‘ngượng ngượng’ khi đọc tiếng Anh với học sinh.

 

 

 

Giáo viên lo bị ‘học sinh cười chết’ khi đọc nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh - ảnh 1
Các nguyên tố hoá học sẽ gọi theo cách mới  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, oxit, axit, bazo, muối… xuất hiện ở môn hóa học lớp 10 có sự thay đổi. Giáo viên và học sinh sẽ gọi tên các nguyên tố bằng tiếng Anh theo danh pháp hóa học Liên minh Quốc tế về Hóa học thuần túy và Hóa học ứng dụng IUPAC thay vì đọc theo tên gọi đã được Việt hóa hay ghi theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.

Theo đó, từ nay nguyên tố N đọc thành nitrogen hay O là oxygen, H nay gọi là hydrogen còn P sẽ là phosphorus… thay vì gọi là ni-tơ, ô-xy, hiđro, phốt pho…như trước đây. Sự thay đổi khiến giáo viên sau quá nhiều năm gọi nguyên tố theo kiểu phiên âm, Việt hóa chưa bắt nhịp kịp, đã rơi vào tình huống lẫn lộn và “bị học trò cười chết”.

Giáo viên Trần Đình Hương, tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), chia sẻ khi đang nói tiếng Việt, tự nhiên “chêm” một số từ tiếng Anh có ngữ điệu khác nên đọc “hơi ngượng ngượng chút xíu”. “Vì ngữ điệu tiếng Việt khác tiếng Anh nên đọc đến tên nguyên tố tôi phải ngừng lại một chút để nói cho đúng tiếng Anh, không thì học trò cười chết”, thầy Hương thật thà nói.

Theo thầy Hương, hiện tại giáo viên dạy đang 2 chương trình cùng một lúc (lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và lớp 11, 12 học theo chương trình cũ) nên đôi khi bị lẫn lộn. Vì vậy, trong thời gian đầu, chỉ cần thầy nói trò hiểu là đạt yêu cầu, thầy Hương chia sẻ. Xuất phát từ việc học sinh có khả năng tiếng Anh khá tốt nên thầy Hương “mạnh dạn” nói từ nào chưa chuẩn thì nhờ học trò phát âm để thầy sửa.

Còn thầy Lê Văn Nam, Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kể lại kỷ niệm ngày đầu tiên nhận lớp, hướng dẫn học sinh đọc tên nguyên tố theo cách gọi mới thì “cả lớp đều tròn mắt, mồm chữ a, mắt chữ o đọc theo. Đọc xong hỏi các em nghe có hay không? Nghe có sang chảnh hay không? Các em đều kêu nghe Tây quá, nghe ‘sang xịn mịn’ nhưng mà không thuộc ngay nổi”.

Còn một giáo viên có thâm niên gần 20 năm dạy hóa học tại một trường THPT ở Q.3 chia sẻ: “Từ ngày học phổ thông, rồi học ĐH và đi dạy tính ra gần 30 năm đã ăn sâu với tên gọi các nguyên tố. Giờ thay đổi thì dù có ‘cứng miệng’ khi đọc tiếng Anh thì cũng phải ráng rèn nói với học sinh cho chuẩn, phải tìm các hướng dẫn chuẩn trên mạng để luyện tập”.

 

BÍCH THANH

TNO