Đàm phán hoà bình Ethiopia chính thức diễn ra sau 2 năm nội chiến
Đàm phán hoà bình Ethiopia chính thức diễn ra sau 2 năm nội chiến
Cuộc đàm phán hoà bình chính thức đầu tiên để chấm dứt nội chiến giữa quân đội Ethiopia và các lực lượng ở vùng Tigray đã bắt đầu ngày 25.10 ở Nam Phi.
Một chiếc xe tăng hư hại trên cánh đồng sau cuộc giao tranh giữa Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Ethiopia (ENDF) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) ở thị trấn Kasagita, thuộc vùng Afar, Ethiopia ngày 25.2 REUTERS |
Reuters dẫn lời chính phủ Nam Phi cho biết cuộc đàm phán hòa bình chính thức đầu tiên nhằm chấm dứt 2 năm nội chiến giữa quân đội Ethiopia và các lực lượng vùng Tigray đã bắt đầu ở Nam Phi vào ngày 25.10 và sẽ kết thúc vào ngày 30.10.
Đây là cơ hội để chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khiến hàng trăm ngàn người trên bờ vực nạn đói ở quốc gia đông dân thứ hai của châu Phi, gây bất ổn cho khu vực Sừng châu Phi.
Các cuộc đàm phán này do Liên minh châu Phi (AU) làm trung gian. Đàm phán bắt đầu trong bối cảnh chính phủ Ethiopia đã giành được nhiều thị trấn lớn ở Tigray trong tuần qua.
Cuộc tấn công của quân đội Ethiopia cùng với lực lượng đồng minh từ nước láng giềng Eritrea đã làm dấy lên lo ngại về tổn hại thêm cho dân thường. Các nhà lãnh đạo châu Phi, Mỹ, châu Âu và Giáo hoàng Francis đã kêu gọi ngừng bắn và đàm phán khẩn cấp.
Ông Vincent Magwenya, người phát ngôn của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cho biết Nam Phi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra một cách xây dựng và đạt được kết quả thành công, mang đến hòa bình lâu dài cho tất cả người dân Ethiopia.
Nhóm hòa giải của AU do cựu Tổng thống Olusegun Obasanjo của Nigeria dẫn đầu với sự hỗ trợ của cựu Tổng thống Uhuru Kenyatta của Kenya và cựu Phó tổng thống Nam Phi Phumzile Mlambo-Ngcuka.
AU cho biết các đại diện của Liên Hiệp Quốc và Mỹ tham gia đàm phán với tư cách quan sát viên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi các bên tham gia đàm phán nghiêm túc và đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. “Những cuộc đàm phán này đại diện cho cách thức hứa hẹn nhất để đạt được hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả người dân Ethiopia”, ông Blinken tuyên bố.
Xung đột bắt nguồn từ sau khi Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), đảng chính trị bắt nguồn từ phong trào nổi dậy, không còn lãnh đạo liên minh cầm quyền của Ethiopia từ năm 2018.
Dù vậy, sức ảnh hưởng của TPLF vẫn rất mạnh mẽ ở vùng Tigray, phía bắc Ethiopia. TPLF sau đó đã mâu thuẫn với chính phủ liên bang do Thủ tướng Abiy Ahmed lãnh đạo
Chính phủ của ông Abiy Ahmed cáo buộc TPLF đang tìm cách khôi phục quyền lực, nhưng TPLF đã phủ nhận. Trong khi đó, TPLF cáo buộc chính phủ Ethiopia áp bức người Tigray và tập trung quyền lực quá mức. Ông Abiy đã phủ nhận cáo buộc này.
Phái đoàn Tigray cho biết trọng tâm của họ tại các cuộc đàm phán ở Nam Phi sẽ là chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, mở cửa Tigray để vùng này nhận được viện trợ nhân đạo và rút các lực lượng Eritrea.
Chính phủ Ethiopia thì nói họ coi các cuộc đàm phán là một cơ hội để giải quyết xung đột và “củng cố việc tình hình trên thực địa được cải thiện”. Đây dường như là lời ám chỉ đến các bước tiến quân sự của chính phủ ở Tigray.
Cuộc chiến đã làm trầm trọng thêm các vấn đề nghiêm trọng khác ở Ethiopia như đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ. Đợt hạn hán đã gây ra khủng hoảng lương thực và thiệt hại nặng nề với nền kinh tế.
ĐÔNG A
TNO