23/01/2025

Giải ngân đầu tư công có kịp ‘nước rút’?

Giải ngân đầu tư công có kịp ‘nước rút’?

Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn lớn trong bức tranh kinh tế đang có nhiều khởi sắc, phục hồi sau dịch.

 

 

Dự án lớn “hụt hơi” tiến độ

Là một trong số ít đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao (ước lũy kế tháng 10.2022, giải ngân đạt khoảng hơn 30.100 tỉ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được giao), song Bộ GTVT cũng đang gặp khó khi nhiều dự án cao tốc Bắc – Nam nguy cơ “hụt” tiến độ.

Giải ngân đầu tư công có kịp 'nước rút'? - ảnh 1
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – QL45 đang lo hụt hơi trước mốc tiến độ về đích cuối năm  QUANG HƯNG

Theo mục tiêu Chính phủ giao, 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 sẽ phải về đích vào cuối tháng 12 năm nay nhưng ngay cả các dự án này cũng đang gặp vấn đề về tiến độ. Cụ thể, dự án Mai Sơn – QL45 dù mốc thông xe kỹ thuật, theo kế hoạch chỉ còn hơn 2 tháng, song nhiều nhà thầu vẫn chây ì.

Ông Lương Văn Long, Giám đốc Ban QLDA cao tốc đoạn Mai Sơn – QL45 (Ban QLDA Thăng Long), cho biết ước tính tổng sản lượng thi công đến giữa tháng 10 mới đạt hơn 5.100 tỉ đồng, tương đương hơn 71% giá trị xây lắp theo hợp đồng (hơn 7.141 tỉ đồng), chậm hơn so với kế hoạch đặt ra.

Bất chấp các văn bản phê bình, cảnh cáo của Ban QLDA Thăng Long, nhiều nhà thầu vẫn chây ì triển khai. Như gói thầu 11-XL (dài 11,5 km), sản lượng thi công hiện mới đạt hơn 75%, nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi chưa bố trí kịp thời nguồn tài chính để triển khai thảm bê tông nhựa. Ban QLDA cũng đã kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục có văn bản phê bình, đốc thúc nhà thầu có giải pháp bù tiến độ.

Với gói thầu 14-XL (19,5 km), nhà thầu Vinaconex dù đã bổ sung tài chính, thay thế một số đơn vị thi công yếu, nhưng hiện tại vẫn chưa đuổi kịp tiến độ. Trong khi nhà thầu Công ty xây dựng miền Trung đang rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thi công rất chậm. Ban QLDA Thăng Long cũng đã ra văn bản khiển trách vi phạm lần 2, kiến nghị Bộ GTVT có văn bản cảnh cáo với nhà thầu này.

Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, Bộ GTVT cũng cho biết trong 10 dự án thành phần đang triển khai, có tới 6 dự án có khối lượng thi công chậm hơn so với kế hoạch. Đặc biệt, cả 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2022 gồm Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đều chậm so với kế hoạch. Ngoài Mai Sơn – QL45, dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tính đến nay, sản lượng thi công đạt khoảng 50,65% giá trị các hợp đồng, chậm hơn 2% so với kế hoạch. Dự án Phan Thiết – Dầu Giây chậm 0,69%; sản lượng đến nay đạt khoảng 56,32% giá trị các hợp đồng…

Không chỉ cao tốc Bắc – Nam, nhiều dự án hạ tầng lớn khác cũng tiếp tục hụt hơi tiến độ. Như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM… kéo lùi thêm tốc độ giải ngân vốn.

 

Cần giải pháp căn cơ

Báo cáo của Chính phủ cho biết, dù kinh tế 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, song đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, khi giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, chưa đạt được kết quả như mong đợi. Ước giải ngân đến 30.9 là hơn 253.000 tỉ đồng, mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021 (đạt 47,38%).

Có 39/51 bộ, cơ quan T.Ư và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%). Thậm chí 14 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch giao.

Đáng chú ý, 2 năm gần đây liên tục có tình trạng các bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn vì không giải ngân hết. Bộ Tài chính thống kê có 17 bộ, ngành, địa phương xin trả lại 6.800 tỉ đồng vốn đầu tư công, chủ yếu là phần vốn nước ngoài (vốn vay ODA) trong kế hoạch vốn đầu tư năm 2022. Thực tế, giải ngân vốn ODA tiếp tục chậm, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ đạt được mới là 15%.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội), việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có giải ngân từ nguồn vốn vay chỉ đạt 19,3% là rất thấp. Trong khi đây là vốn đi vay, chi phí rất cao, nếu không đưa vào được nền kinh tế thì rất lãng phí cả về tiền bạc và cơ hội.

Thảo luận Quốc hội tại tổ về kinh tế xã hội ngày 22.10, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận giải ngân đầu tư công chậm cũng từ giải phóng mặt bằng khó, nếu không gỡ thì không thể đẩy nhanh được. Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, nhiều địa phương e ngại, sợ sai, nên dừng lại, đình trệ nhiều. “Nhiều dự án đã cấp phép, đang triển khai cũng vướng mắc nhiều, chậm được tháo gỡ. Khi chậm tháo gỡ thì lại tạo nên các điểm nghẽn và khi đó là một vòng luẩn quẩn, các nguồn lực không thể khai thông…”, ông Dũng nói và cho biết sẽ có báo cáo căn cơ các giải pháp để thúc đẩy tốc độ giải ngân trong các tháng còn lại.

Không chỉ các tháng còn lại của năm kế hoạch 2022, áp lực giải ngân vốn đầu tư công với năm 2023 cũng sẽ rất lớn. Con số rất đáng chú ý vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội, đó là nhu cầu vốn đầu tư công năm 2023 lên tới 779.800 tỉ đồng. Vì thế, ngoài câu chuyện tăng tốc giải ngân trong những tháng cuối năm 2022, nhiệm vụ giải ngân trong năm tới cũng rất nặng nề. Trong các nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, ngoài những đặc thù của 2022 như giá cả nguyên vật liệu tăng cao, còn đó những nguyên nhân cố hữu như giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư hạn chế…

Sốt ruột với tốc độ giải ngân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký nhiều văn bản thúc giục các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, mà mới đây là Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu với các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2023, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2022 để sẵn sàng giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.

 

MAI HÀ

TNO