Việt Nam có thiếu đường ?
Việt Nam có thiếu đường ?
Hiệp hội sữa Việt Nam mới đây có công văn gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị về các chính sách liên quan đến đường nhập khẩu. Theo đó, để đảm bảo nhu cầu sữa cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến sữa Việt Nam có nhu cầu lớn về đường nhằm đáp ứng sản xuất.
Ngành sản xuất sữa kêu thiếu đường nhưng các doanh nghiệp sản xuất đường lại nói đang dư thừa QUANG THUẦN |
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, tổng nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước ước đạt gần 2 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đường trong nước sản xuất chỉ ước đạt 741.000 tấn. Tổng lượng đường nhập khẩu đến tháng 6.2022 ước khoảng 600.000 tấn.
Do đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị Phó thủ tướng Lê Văn Thành bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thêm 600.000 – 800.000 tấn để đảm bảo nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước (tỷ lệ phân bổ 70% đường thô và 30% đường tinh luyện). Về thời gian tổ chức phân giao hạn ngạch, Hiệp hội Sữa kiến nghị tổ chức thêm hai đợt đấu giá giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vào tháng 10.2022 và tháng 11.2022.
Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại có số liệu báo cáo khác hẳn.
Từ tháng 8.2022, cơ quan chức năng đã triển khai các đợt kiểm tra đối với hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu, nên các hoạt động gian lận này cũng tạm thời giảm bớt. Sự giảm bớt nguồn cung từ các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía có thể tiêu thụ được và cũng cải thiện được giá bán.
Lượng đường từ Thái Lan và một số công ty của Lào, Myanmar do không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại nên vẫn sẽ được nhập khẩu trong các tháng cuối năm tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022; đường nhập khẩu cũng vẫn sẽ duy trì mức nhập khẩu như đầu năm 2022. Đường nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh nên vẫn sẽ được nhập khẩu tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022.
Như vậy cả đường sản xuất từ mía và đường nhập khẩu chính ngạch đều tăng so với cùng kỳ (chưa kể đường lậu luôn hiện diện trên thị trường), các nguồn cung đường dồi dào, sức cầu đường tăng chậm, thị trường trong tình trạng thừa cung. Ước tính tổng cung đường năm 2022 là 2,6 triệu tấn, lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 – 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022, chưa kể lượng đường hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO 113.400 tấn sẽ được triển khai đấu giá hạn ngạch trong thời gian sắp tới. Giá đường tại thị trường Việt Nam dù có tăng vẫn sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận như Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Nguồn cung đường năm 2022 | Khối lượng (tấn) |
Đường sản xuất từ mía vụ ép 2021/22 | 746.899 |
Đường nhập lậu từ Campuchia và Lào | 756.372 |
Đường nhập khẩu chính ngạch trước khi áp dụng PVTM (7 tháng) | 849.740 |
Đường nhập từ Thái Lan, Lào, Myanmar 4,5 tháng cuối năm sau khi áp dụng PVTM | 183.842 |
Đường nhập theo loại hình sản xuất xuất khẩu 4,5 tháng cuối năm | 106.699 |
Tổng cung đường 2022 | 2.643.552 |
Câu hỏi đặt ra là, vậy VN có thiếu đường hay không. Thiết nghĩ, trước khi quyết định, cơ quan chức năng cần làm rõ câu hỏi này để tránh gây tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành đường nội địa, đặc biệt là với bà con trồng mía.