23/12/2024

Thu nhập của người Việt sắp tăng gấp đôi?

Thu nhập của người Việt sắp tăng gấp đôi?

Quy mô nền kinh tế tăng vượt bậc, thu nhập bình quân của người Việt cũng tăng mạnh… là những tín hiệu lạc quan trong bức tranh kinh tế VN dù khó khăn vẫn bủa vây.

 

 

Một nửa dân số VN sẽ kiếm hơn 20 USD/ngày

Đầu tháng 9, một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà kinh tế học James Pomeroy của Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC với tiêu đề “Báo cáo Thị trường tiêu dùng châu Á năm 2030” cho kết quả lạc quan về tốc độ gia tăng thu nhập của người dân các nước trong khu vực, đặc biệt là VN.

Thu nhập của người Việt sắp tăng gấp đôi? - ảnh 1

Theo đó, tại Đông Nam Á, hiện quy mô dân số có thu nhập trên 20 USD/ngày (khoảng 480.000 đồng/ngày) của VN đang đứng sau Indonesia và Thái Lan. Nhưng vào thời điểm năm 2030 sẽ có khoảng 48 triệu người Việt (ước tính khoảng 50% dân số) thu nhập trên 20 USD/ngày, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011). Mức thu nhập 480.000 đồng/ngày gấp hơn 3 lần thu nhập bình quân của người Việt theo thống kê năm 2021. Nghĩa là, vào cuối thập niên này, VN sẽ vượt Thái Lan – nền kinh tế dự báo có 38 triệu người kiếm trên 20 USD mỗi ngày vào 2030. Trong khi đó, con số này ở Philippines và Malaysia lần lượt là 43 triệu người và 20 triệu người. So sánh tại châu Á, VN thuộc nhóm có mức tăng trưởng nhanh nhất về dân số kiếm được hơn 20 USD một ngày tính theo PPP không đổi. Nhóm này còn gồm các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Philippines và Indonesia.

Thu nhập của người Việt sắp tăng gấp đôi? - ảnh 2
Quy mô kinh tế bứt phá sẽ kéo theo thu nhập của người lao động tăng cao  ĐÀO NGỌC THẠCH

Nghiên cứu cho thấy tầng lớp trung lưu cao ở VN (nhóm có thu nhập từ 50 – 110 USD mỗi ngày) dự kiến tăng trung bình 17% mỗi năm cho đến 2030. Nhờ tăng trưởng nhanh của dân số thu nhập trên 20 USD mỗi ngày lẫn tầng lớp trung lưu cao khiến mức tăng trưởng chi tiêu của thị trường VN là gần 8% mỗi năm trong thập niên hiện tại. Tỷ lệ này thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, cùng với Bangladesh và Ấn Độ.

Nhà kinh tế học James Pomeroy cho rằng khi thu nhập tăng lên, mọi người sẽ có nhu cầu mua sắm các mặt hàng khác nhau. Trong đó, chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo (nhu yếu phẩm) giảm. Ngược lại, chi tiêu cho y tế, nghỉ ngơi và giải trí tăng lên. Trên thực tế, hoạt động thương mại và dịch vụ VN trong tháng 8 đã phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 481.200 tỉ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước đó và nếu so với cùng kỳ 2021 thì tăng hơn 50,2%, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt hơn 3,6 triệu tỉ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2021.

Thu nhập của người Việt sắp tăng gấp đôi? - ảnh 3

Với sự hồi phục tốt như vậy, Bộ Kế hoạch – Đầu tư trước đó cũng tự tin đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của VN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với các dự báo khả quan. Theo phương án 1, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế khoảng 6,34%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 7.000 USD vào năm 2030. Nếu nền kinh tế duy trì tốc độ tăng GDP bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2031-2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 25.000 USD/năm.

Phương án 2, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,05%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030.Trong giai đoạn 2031-2050, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nền kinh tế đạt 7,3%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 32.000 USD. Cả hai kịch bản tăng trưởng nêu trên đều đưa kết quả đến năm 2040, VN sẽ vào nhóm các nước có thu nhập cao theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB).

 

Từ câu chuyện của Bình Dương

Thu nhập bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất thể hiện rõ thành tựu về kinh tế của bất cứ địa phương hay quốc gia nào trên thế giới. Theo các chuyên gia, tăng thu nhập bình quân đầu người của VN có thể nhìn từ câu chuyện của Bình Dương. Theo Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư VN năm 2020 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân cả nước năm 2020 đạt khoảng 4,25 triệu đồng/người/tháng, trong đó, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất cả nước và Điện Biên thấp nhất. Cụ thể với hơn 7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương cao gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Xếp ở vị trí thứ 2 là TP.HCM với 6,54 triệu đồng/người/tháng và Hà Nội ở vị trí thứ 3 với 6,2 triệu đồng/người/tháng.

Về lý do từ một tỉnh thuần nông lên vị trí quán quân về thu nhập bình quân đầu người của cả nước, lãnh đạo Bình Dương lý giải nhờ những năm gần đây, tỉnh này đã dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó không thể không nhắc đến điểm nổi bật là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đơn cử chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã thu hút được hơn 2,5 tỉ USD vốn ngoại, tăng gần 100% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 140% kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Nhìn lại hành trình cả thập niên nay, Bình Dương được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước. Tỉnh này hiện có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000 ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp đã mở ra rất nhiều cơ hội việc làm để người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng: Để thu nhập của người dân cũng như tăng trưởng kinh tế thực chất, cần cải thiện vốn và chất lượng nguồn vốn. Cụ thể là cải thiện được cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước làm ăn kinh doanh. Khi đó sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra thu nhập, nâng cao mức sống của người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia các hiệp định thương mại để đa dạng hóa thị trường. Với người lao động, cần tăng chất lượng thông qua cải thiện trình độ, hiểu biết, kỹ năng, từ đó mới có nhiều cơ hội kiếm được công việc có thu nhập cao hơn.

Một yếu tố vô cùng quan trọng là công nghệ. Chúng ta hiện xuất khẩu rất nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp vì chưa làm chủ được công nghệ, chưa thật sự tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu chúng ta tiếp thu, tiếp nhận được các yếu tố công nghệ tiên tiến mới trên thế giới thì không chỉ nâng cao được năng suất lao động mà còn giúp người dân tăng thu nhập.

Mô hình phát triển dựa vào năng suất – kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên sẽ là yếu tố then chốt để VN đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 cũng là khuyến cáo của WB trong Báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”.

 

Đến bứt phá quy mô kinh tế

Thu nhập bình quân đầu người cao, tương ứng quy mô kinh tế tăng trưởng tương xứng. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế VN sẽ vươn lên đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á vào năm 2025 với GDP 571,1 tỉ USD, xếp sau Indonesia (1.628,9 tỉ USD) và Thái Lan (632,4 tỉ USD). Khi đó, quy mô kinh tế của VN vượt qua Malaysia (556,2 tỉ USD), Philippines (523,5 tỉ USD) và cả Singapore (496,8 tỉ USD). Vào giữa năm 2019, tờ Nikkei Asia Review dẫn báo cáo của DBS Bank (Ngân hàng Phát triển Singapore) nhận định nền kinh tế VN có thể tăng trưởng 6,5% trong 10 năm tới và vượt qua Singapore về quy mô vào năm 2029. Như vậy, thay vì 10 năm, VN có thể chỉ mất 6 năm để đạt dấu mốc ấn tượng này.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng những dự báo trên hoàn toàn có cơ sở, cơ hội tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới của VN rất lớn. Hiện nay, các nền kinh tế lớn, nền kinh tế đang phát triển đều bộc lộ nhiều bất cập về kinh tế vĩ mô, đồng thời đang dần bão hòa. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nền kinh tế trẻ, trước sau gì các hoạt động sản xuất cũng sẽ dịch chuyển qua khu vực này. Mặt khác, VN lại có vị trí thuận lợi nắm trong tay nhiều lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư. Nếu những chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục linh hoạt, phát huy hiệu quả như thời gian qua thì VN hoàn toàn có thể biến các con số lạc quan trên thành hiện thực.

Dù vậy, TS Phạm Thế Anh lưu ý quy mô kinh tế ngày càng tăng nhưng GDP bình quân đầu người là tính chung cả phần làm ra của khối DN nước ngoài. Trên thực tế, thu nhập bình quân đầu người/tháng của VN còn rất thấp, thua cả những nước có quy mô kinh tế bé hơn vì dân số đông hơn nhiều.

Thu nhập của người Việt sắp tăng gấp đôi? - ảnh 4

Từ góc nhìn đó, ông Huỳnh Thanh Điền cho rằng Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các DN Việt tại thị trường trong nước. Đang có hiện tượng định hướng tìm mọi cách thu hút “đại bàng” vào VN nhưng nếu không cẩn thận, lại để lấn át các DN trong nước. Khi DN ngoại được ưu ái quá nhiều, DN nội phải “dạt” sang những vùng yếu thế thì đời sống người dân rất khó để cải thiện bền vững. Theo ông Điền, cần rà soát lại danh mục thuế thu nhập DN, giảm thuế không chỉ cho các DN FDI mà áp dụng với cả DN trong nước để tăng năng lực cạnh tranh của DN VN trên trường quốc tế. “Quan trọng nhất là nhanh chóng kiện toàn quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng để thu hút những dòng vốn đầu tư có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Rất nhiều quy hoạch hạ tầng của VN đề ra 20 – 30 năm chưa làm xong.

Hệ thống logistics yếu kém gây cản trở rất lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động kinh tế trong nước. Các dự báo lạc quan đưa ra ở trên đều dựa theo các quy hoạch, với điều kiện chúng ta đảm bảo đúng quy hoạch mới kéo theo kinh tế phát triển. Nếu triển khai không được như vậy thì mục tiêu tăng thu nhập cho người dân có thể cũng không đạt”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cảnh báo.

Về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế VN Trần Đình Thiên cũng đặc biệt lưu ý: Muốn DN Việt bứt phá thì phải có động cơ khuyến khích, phải đảm bảo được môi trường cạnh tranh tự do hơn, DN tư nhân được tiếp cận thuận lợi với nhiều cơ hội hơn. Khi DN Việt lớn mạnh hơn thì khuyến khích họ tham gia nhiều vào các chuỗi sản xuất, kinh doanh từ khu vực FDI với tầm nhìn trung hạn chứ không chỉ hô hào qua những chính sách ngắn hạn. Mặt khác, phải kiến thiết những chuỗi kinh tế do các tập đoàn, DN lớn của VN “cầm cái”, như vậy mới tăng thêm cơ hội cho các DN vừa và nhỏ của VN tiếp cận. “Nếu cứ để khu vực nội địa yếu, đẳng cấp thấp thì rất khó”, ông Thiên nói.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326.000 đồng) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% (tương ứng tăng 646.000 đồng) so với cùng kỳ 2020. So với 6 tháng đầu năm 2021, một số ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng: Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thu nhập bình quân là 7,3 triệu đồng; lao động trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt mức thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng; ngành vận tải kho bãi lao động có thu nhập bình quân 8,7 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống có mức thu nhập bình quân 6,1 triệu đồng. Đáng chú ý, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 2/2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 206.000 đồng so với quý trước và tăng 542.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

VN cần tập trung củng cố các tài sản sản xuất, trong đó ưu tiên 4 lĩnh vực

DN năng động: Khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện cho DN dễ dàng gia nhập và rời thị trường để đảm bảo nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, DN được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định pháp lý minh bạch và được pháp luật bảo vệ.

Cơ sở hạ tầng hiệu quả: VN đã xây dựng rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Nhưng hiện nay Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ hạ tầng, đặc biệt trong việc huy động tài chính, vận hành và bảo trì.

Lao động có tay nghề cao và cơ hội cho tất cả mọi người: VN có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng một mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Cần trao nhiều cơ hội hơn nữa cho những người đang đối mặt với các rào cản gia nhập thị trường lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số, để thúc đẩy công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dân số già hóa và lực lượng lao động giảm.

Kinh tế xanh: Để phát triển bền vững, cần quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên tái tạo như đất, rừng và nước; kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn, đặc biệt ở các trung tâm đô thị lớn; giảm thiểu và thích ứng với các tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao” – Ngân hàng Thế giới

HÀ KHÁNH

TNO