23/01/2025

Dấu ấn từ các Hiệp định tự do thương mại

Dấu ấn từ các Hiệp định tự do thương mại

Xuất khẩu nông sản gia tăng, thâm nhập rộng hơn tại các thị trường khó tính; thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ… Đó là những dấu ấn rõ ràng có thể nhìn thấy được từ sau khi các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

 

 

Đặc biệt trong năm 2022, khi thị trường Trung Quốc bế quan tỏa cảng do chính sách “zero-Covid” (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng – NV) thì việc tận dụng lợi thế từ các FTA đã mở ra cho nhiều doanh nghiệp Việt cơ hội phát triển mới.

 

Tận dụng FTA, tăng xuất khẩu

Đầu tháng 8.2022, chị Lê Thị Hồng, một Việt kiều tại Úc, bắt tay vào mở một loạt chuỗi cửa hàng siêu thị thực phẩm tại TP.Melbourne (bang Victoria, Úc). Cửa hàng của chị nhập khẩu chủ yếu các loại nông sản từ Việt Nam như trái cây, phở, bún miến…

Chị Hồng chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và các điều kiện mới dám bắt tay vào đầu tư kinh doanh. Trước đây hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Úc phải chịu thuế suất cao, các rào cản kỹ thuật cũng như khâu kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Úc đã có thể cạnh tranh, tôi mạnh dạn thành lập công ty và mở chuỗi siêu thị cung ứng thực phẩm tại Úc. Hiệu ứng thấy rất rõ ràng, khách tìm mua sản phẩm Việt Nam rất đông”.

Dấu ấn từ các Hiệp định tự do thương mại - ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, cũng phấn khởi cho biết: “Với các FTA, doanh nghiệp Việt hiện nay rộng cửa xuất khẩu và cạnh tranh sòng phẳng với nhiều đối thủ khác. Từ cuối năm 2021, đoàn doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối từ CH Czech đã đến Việt Nam làm việc và tham quan, đánh giá nhà máy cũng như sản phẩm cà phê pha trộn nông sản, đến đầu năm 2022 thì họ bắt đầu mua hàng. Tại thị trường Úc, sản phẩm cà phê của chúng tôi cũng được nhập khẩu với số lượng ngày càng tăng”.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, kể: “Năm 2020, Vina T&T được Bộ NN-PTNT chỉ định xuất khẩu bưởi, dừa và thanh long vào EU theo FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Ở EU, Vina T&T không gặp nhiều đối thủ cạnh tranh. Hàng rào kỹ thuật khó khăn nhất đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm tuyệt đối. Cụ thể như phải có chứng nhận Global GAP, nhà máy chế biến, đóng gói trái cây phải áp dụng tiêu chuẩn ISO, phải có chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) và chứng nhận Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SMETA). Tất cả những điều kiện này đã được công ty chuẩn bị từ nhiều năm trước cho nên việc đàm phán bán hàng diễn ra thuận lợi. Với mức thuế 0%, doanh nghiệp Việt có nhiều thuận lợi hơn, doanh số của chúng tôi tăng 20% trong năm đầu tiên. Sau đó, tình hình thị trường thế giới có nhiều biến động do dịch bệnh và chiến sự gây ra nhiều tác động đến kinh tế, việc xuất khẩu nông sản có bị chậm lại nhưng tôi tin chắc rằng lợi thế từ các hiệp định thương mại vẫn còn tiềm năng to lớn sau khi tình hình thế giới ổn định trở lại”.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cũng chia sẻ: “Hiện nay, May 10 đang tập trung tận dụng 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA. Trong 2 FTA này, EVFTA thuận lợi và tiềm năng hơn bởi quy định xuất xứ từ vải thay vì từ sợi trong CPTPP và tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu hiện đang rất thấp so với tiềm năng. Còn với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thì chưa phải là thị trường May 10 tập trung xuất khẩu nhiều. Tuy nhiên, RCEP sẽ là thị trường của tương lai trong khoảng 5-10 năm tới. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chứ không phải là Mỹ hay châu Âu”.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP), đánh giá: “EU từng là thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam, nhưng sau đó bị rơi xuống thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ. Bởi xuất khẩu cá tra, tôm, hải sản… liên tục bị sụt giảm. Tuy nhiên, năm 2020 khi EVFTA có hiệu lực đã mang lại kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thủy sản vào EU. Theo đó, nhóm thủy sản chủ lực như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%… Có thể nói, các nhóm mặt hàng thủy sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Điều này thể hiện rất rõ qua các con số. Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thủy sản đã hồi phục rõ rệt, tăng 8% so với cùng kỳ và xu hướng đó tiếp tục trong năm 2021. Sau khi EU mở cửa lại thị trường, thủy sản xuất khẩu tăng mạnh, đạt trên 1 tỉ USD, tăng 12%”.

Năm 2022 thì hết quý 2, EU là thị trường nằm trong 3 nhóm xuất khẩu thủy sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thủy sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thủy sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

“Những kết quả trên cho thấy, doanh nghiệp chúng ta đã tận dụng cơ hội từ thị trường, cũng như các cơ hội ưu đãi thuế quan của EU để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, bà Hằng nhận định.

Dấu ấn từ các Hiệp định tự do thương mại - ảnh 2
Mặt hàng rau củ quả còn nhiều tiềm năng để khai thác  Q.T

Câu chuyện linh hoạt thích ứng

Nếu kim ngạch cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp thì sự thích ứng với thị trường mới lại thể hiện một cộng đồng doanh nghiệp Việt linh hoạt, biết chớp cơ hội.

Ông Nguyễn Ngọc Luận kể: “Một trong những sáng tạo khi nghiên cứu thị trường nước ngoài, đó chính là bao bì mẫu mã. Trước nay các hộp sản phẩm của Việt Nam đều đơn điệu và rập khuôn, nhưng khi xuất khẩu tiêu thụ ở thị trường nước ngoài thì phải cải tiến về màu sắc, thông tin trên bao bì cho hợp với thị hiếu. Sau khi nghiên cứu, tôi đã thay đổi toàn bộ, mẫu hộp cũng được thiết kế 2 mặt theo chiều ngang và đứng, để đáp ứng yêu cầu trưng bày linh hoạt tùy theo kích cỡ và không gian của kệ hàng trong siêu thị nước ngoài. Với sự thay đổi này, khách hàng nước ngoài đánh giá rất cao và họ hài lòng. Nhiều đơn vị sản xuất khác trong nước cũng nhờ tôi tư vấn để xuất khẩu. Ví dụ như nước mắm Việt Nam rất khó bán đi các nước, tôi đã tư vấn cho đơn vị này làm riêng sản phẩm nước mắm chay để xuất khẩu và chỉ trong 1 tháng họ đã hoàn thành đơn hàng”.

Ở lĩnh vực dệt may, EU đang đưa ra chiến lược mới, quy định về tỷ lệ thay thế, xanh hóa sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, điều này yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chuyển dịch mạnh để đáp ứng. Theo ông Thân Đức Việt, với chương trình “xanh hóa”, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân hủy. Đó là điều công ty đang tập trung giải quyết cùng với các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại… Hiện nay, toàn bộ hệ thống của nhà máy May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ mới, May 10 cũng đang phấn đấu”.

Là một trong những doanh nghiệp gốm sứ tăng trưởng mạnh nhờ EVFTA, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, cho biết thị trường xuất khẩu mặt hàng gốm sứ đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Thái Lan… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường thế giới phải biết “làm mới mình” bằng việc sẵn sàng đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, ngoài các mặt hàng gốm sứ sân vườn, gốm xây dựng đang được các doanh nghiệp quan tâm, tiềm năng đối với các mặt hàng gốm xây dựng rất lớn, bởi nhu cầu vật liệu mới trong xây dựng đang tăng mạnh.

 

Yếu tố mấu chốt: Chất lượng ổn định

Nhưng bất luận mẫu mã, dịch vụ hậu mãi, giá cả… có linh động đến đâu, có theo xu hướng thế nào thì theo ông Nguyễn Đình Tùng, chất lượng ổn định vẫn là yếu tố tiên quyết.

“Tôi nghiên cứu thị trường nước ngoài nhiều, nhận thấy rằng nông sản của họ sản xuất đâu ra đấy, hàng hóa đồng nhất về chất lượng, kích cỡ. Lô hàng nào cũng ổn định như nhau. Đó chính là điều mà vùng nguyên liệu của Việt Nam còn hạn chế. Nông sản Việt Nam trong nước giá rẻ, nhưng bán sang nước ngoài giá trị tăng gấp hàng chục lần. Điều đó chứng tỏ giá bán không phải là vấn đề quan trọng, mà các thị trường yêu cầu chúng ta phải đảm bảo chất lượng và uy tín. Tuy kết quả trước mắt có thể khích lệ ngành xuất khẩu rau củ quả của nước ta, nhưng trong tương lai gần phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của nhiều nước. Thái Lan đang xúc tiến đàm phán để ký FTA với EU, nên sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với họ trên thị trường châu Âu. Khi đó, lợi thế về thuế suất cũng không còn là sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Luận đúc kết: “Kinh nghiệm của chúng tôi sau một thời gian dài xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đó là chúng ta phải làm chuẩn ngay từ đầu. Khi bán sang thị trường nước ngoài là chinh phục khách hàng ngay chứ không có chuyện vừa làm vừa sửa sai. Ví dụ như ở châu Âu hay ở Úc, thương hiệu chúng ta có trụ vững được hay không là ở ngay lô hàng đầu tiên chúng ta đưa qua có được thị trường chấp nhận hay không. Nếu thất bại, rất khó để điều chỉnh khi mà người tiêu dùng đã bị ấn tượng xấu. Đối với nông sản Việt Nam, tại các nước chúng ta rất nổi tiếng, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng chất lượng không đồng đều, được vài lô đầu thì lại có lô bị lỗi. Do đó cần phải liên kết ngay từ vùng nguyên liệu, đến khâu thu hoạch, chế biến, chiếu xạ…”.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), dù mặt hàng rau củ quả của Việt Nam tươi ngon, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng và qua mặt được các nước xuất khẩu nông sản khác. Giống rau củ quả trong nước chưa có sự khác biệt nên ở thị trường xuất khẩu, hàng Việt Nam chỉ tương đồng với hàng Thái Lan. Trong khi đó, những loại trái cây có chỉ dẫn địa lý như táo và cherry của Mỹ, kiwi của New Zealand đã làm được điều này. Chất lượng hàng xuất khẩu của nước ta vẫn rất cần được cải thiện. Từng có trường hợp nhiều lô hàng qua EU bị trả về tới 80-90%, thậm chí 100% nên cần phải hết sức cẩn thận để giữ vững uy tín.

Cũng nhờ tận dụng tốt các FTA, xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 đã lập kỷ lục và năm nay, cộng đồng doanh nghiệp trong kênh này cũng đã thể hiện quyết tâm một lần nữa về đích với kỷ lục mới.

Chuẩn bị điều kiện để mở rộng quan hệ song phương

Năm 2022, cùng với việc triển khai thực thi CPTPP và EVFTA, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện một số FTA thế hệ mới khác, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại với những đối tác của FTA thế hệ mới, nên đã chuẩn bị điều kiện để mở rộng quan hệ song phương trong bối cảnh bình thường mới. Căn cứ những nhân tố trên đây và kết quả thực hiện năm 2021, dự báo triển vọng năm 2022 có thể thu hút khoảng 40 tỉ USD vốn FDI đăng ký và 21-22 tỉ USD vốn thực hiện.

GS-TS Nguyễn Mại
(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – VAFIE)

 

Lợi thế thu hút vốn FDI

Trong số 2 FTA nổi bật là EVFTA và CPTPP thì sức hút đầu tư của EVFTA chưa rõ ràng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bất ổn chính trị thế giới.Tuy nhiên có thể nhận thấy CPTPP có sự chuyển biến trong thu hút FDI. Trước khi ký kết CPTPP, Mexico chưa đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam. Năm 2018, Mexico có dự án đầu tiên với giá trị 0,01 triệu USD. Sau khi Việt Nam chính thức thực thi CPTPP, Mexico có 2 dự án đầu tư với giá trị 0,11 triệu USD. Năm 2020, Mexico đầu tư dưới hình thức góp vốn mua cổ phần với 2 lượt và giá trị vốn góp mua cổ phần là 0,02 triệu USD. Sang năm 2021, Mexico đầu tư thêm mới 1 dự án với giá trị 0,022 triệu USD. Mặc dù đây là con số rất nhỏ so với các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Singapore hay New Zealand… nhưng đã bước đầu cho thấy việc thực thi CPTPP có tác động đến thu hút vốn FDI. Đối với Canada, năm 2019, khi CPTPP mới có hiệu lực chính thức, tất cả các số liệu FDI từ Canada đều tăng vọt: quy mô vốn đăng ký năm tăng lên 7,3 lần; lượt góp vốn mua cổ phần tăng 84,5%, giá trị góp vốn mua cổ phần cũng tăng cao từ 81,11 triệu USD lên 145,86 triệu USD. Đây là dấu ấn rõ nhất cho thấy CPTPP tác động đến thu hút vốn FDI của Việt Nam.

ThS Phạm Đức Tài
(Giảng viên, Trường đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội)

 

EVFTA sẽ mở ra rất nhiều cơ hội

Tập đoàn Đức đã chọn tỉnh Đồng Nai, Đông Nam bộ để đặt nhà máy với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 45 triệu euro. Một khi Covid-19 được kiểm soát, Schaerffler sẽ xúc tiến giai đoạn thứ hai của quá trình xây dựng để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu cho một số sản phẩm công nghiệp. Schaerffler chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì quốc gia này có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực và ưu đãi đầu tư. EVFTA sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các công ty trong nước và tạo điều kiện cho họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Thắng
(Giám đốc Quốc gia Schaerffler Việt Nam)

ĐINH ĐANG

TNO