23/01/2025

Cà Mau sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Cà Mau sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Cà Mau là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, chế biến, xuất khẩu tôm đang giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước nhiều năm.

 

 

 

Cà Mau sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường - ảnh 1
 Thu hoạch tôm càng xanh trong mô hình lúa – tôm ở H.Thới Bình, Cà Mau ẢNH: GIA BÁCH

Xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỉ USD

Theo kế hoạch, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) của tỉnh Cà Mau tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tập trung phát triển mô hình nuôi tôm – rừng sinh thái, chất lượng cao. Hiện đã có hơn 19.000 ha nuôi tôm sinh thái được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP… Sản phẩm được nhiều thị trường cao cấp ưa chuộng và đánh giá cao.

Tham gia dự án tôm sinh thái dưới tán rừng gần 3 năm nay, ông Ngô Thanh Hiền (ấp Ông Trang, xã Viên An, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết: “Nhờ áp dụng nuôi tôm theo mô hình sinh thái mà giá tôm bán ra luôn cao hơn mức giá thị trường. Hiện, nguồn thu từ hơn 4 ha đất khoảng 120 – 130 triệu đồng/năm nên cuộc sống gia đình tôi khá ổn định”.

Để được chứng nhận nuôi tôm sinh thái, nông dân phải tuân thủ các nguyên tắc khuyến cáo của ngành chuyên môn về quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn; bảo vệ động vật hoang dã thuộc Sách Đỏ; quản lý đầu vào, con giống, quản lý rác thải, chất thải…

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, tôm, cua, lúa, chuối, gỗ là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Theo đó, cua Cà Mau từ lâu là sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, được nhiều người ưa chuộng. Tại Cà Mau, cua Năm Căn được xem là ngon nhất. Vào năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn – Cà Mau”.

Cà Mau sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường - ảnh 2
 Nghề nuôi cua mẹ để sản xuất cua giống đang phát triển tại Cà Mau ẢNH: GIA BÁCH

Phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững

Tại Cà Mau, mô hình sản xuất lúa – tôm được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Theo đó, H.Thới Bình là địa phương có diện tích sản xuất mô hình lúa – tôm lớn nhất tỉnh với các hình thức xen canh lúa – tôm càng xanh, lúa – tôm sú…

Theo Phòng NN-PTNT H.Thới Bình, năm 2021, diện tích sản xuất lúa – tôm của huyện đạt hơn 500 ha, chiếm hơn 50% diện tích lúa – tôm toàn tỉnh. Các loại giống lúa được sử dụng trong mô hình chủ yếu là giống chất lượng cao, như ST24, ST25, OM 2517… Điều đáng mừng là hiệu quả mô hình tăng dần qua từng năm. Năng suất lúa bình quân từ 3,8 tấn/ha vào năm 2013 tăng lên 4,8 tấn/ha vào năm 2021. Riêng năng suất tôm sú từ khi chuyển từ hình thức nuôi quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến đạt 320 kg/ha, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đây. Trong giai đoạn 2013 – 2021, thu nhập bình quân của mô hình sản xuất lúa – tôm sú đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm. Còn năng suất tôm càng xanh bình quân đạt từ 150 – 220 kg/ha, mang lại nguồn thu nhập bình quân cho người dân từ 15 – 25 triệu đồng/ha.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Cà Mau đã có sự quan tâm phát triển mô hình bền vững này. Trong đó, đặc biệt chú trọng chọn giống lúa sản xuất đáp ứng thị trường tiêu thụ; tăng cường đầu tư, nạo vét hệ thống kênh thủy lợi nội đồng; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm…

Để tiếp tục phát huy lợi thế, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành chương trình về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/ha; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,3 tỉ USD; phát triển nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.000 ha, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha diện tích tôm – rừng; sản xuất lúa – tôm đạt 45.000 ha; diện tích rừng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha…

GIA BÁCH

TNO