24/01/2025

Tìm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế

Tìm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế

Dù mức tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt trên 8% nhưng cần thận trọng trước nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2023, những rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và lương thực… nhằm chủ động các phương án ứng phó.

 

 

 

Tìm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế - Ảnh 1.

Công nhân lắp ráp bánh xe dòng Mazda ở Khu công nghiệp Thaco, Chu Lai – Ảnh: HỮU HẠNH

Trình bày báo cáo kết quả kinh tế – xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào ngày 20-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dù trong bối cảnh nhiều thách thức nhưng tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 8%, làm tiền đề cho Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau là 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,5%

Chính phủ cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế VŨ HỒNG THANH

Tìm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó

Thủ tướng nhìn nhận tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và lương thực… gia tăng.

Do đó, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại. “Nhận diện như vậy để chúng ta không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được”, ông nói và cho biết Chính phủ sẽ tập trung các giải pháp như tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng lưu ý việc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn; điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tập trung giữ vững ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiểm soát quyền lực.

Đồng tình các giải pháp trên song Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%.

“Chính phủ cần bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Tìm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế - Ảnh 4.

Công nhân làm việc tại Công ty cồ phần in số 7, quận Bình Tân, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đánh giá kỹ sức khoẻ doanh nghiệp

Ông Vũ Hồng Thanh cũng nhìn nhận dù tăng trưởng kinh tế của VN có sự phục hồi tích cực, mạnh mẽ song dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

Trên thực tế, các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước là đối tác thương mại chính như Mỹ và EU sụt giảm; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, đồ gỗ và lâm sản, da giày, gốm sứ… đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt, thậm chí bị hủy đơn hàng, trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Cũng theo ông Thanh, kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, mức độ liên kết doanh nghiệp còn hạn chế.

Trong chín tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi tháng có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 – 2021. “Doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về tài chính, lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tăng năng suất và chất lượng…”, ông Thanh khẳng định.

Chưa hết, thu hút FDI chín tháng đầu năm 2022 giảm 15,3%, theo ông Thanh, do chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Giải ngân đầu tư công đạt thấp, cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn và khâu tổ chức thực hiện.

Việc sụt giảm vốn FDI đăng ký có thể ảnh hưởng đến số vốn FDI giải ngân trong tương lai và do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Ông Thanh cũng lưu ý lạm phát được kiểm soát nhưng giá xăng dầu trong nước tăng ở mức kỷ lục, gây khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống người dân.

Dự báo lạm phát sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao, áp lực từ tỉ giá, những rủi ro tiềm ẩn khi thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh nhưng có nhiều biến động, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối…

 

Kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo ông Huệ, biến động phức tạp và khó lường của tình hình kinh tế và an ninh chính trị thế giới, những diễn biến mới và phức tạp trong xung đột Nga – Ukraine và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng.

Áp lực lạm phát, biến động lãi suất, tỉ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường… vẫn là những thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Do đó, ông Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và trên cơ sở nhận diện, đánh giá, dự báo chính xác tình hình trong thời gian tới; xem xét, quyết định các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2023…

T.LONG

 

Đề xuất dành 12.500 tỉ đồng tăng lương cơ sở

Tại báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và dự toán phân bổ cho năm 2023, Bộ Tài chính cho biết dự toán thu ngân sách trong năm 2023 là 1,6 triệu tỉ đồng, chi ngân sách hơn 2 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 291.600 tỉ đồng so với dự toán năm 2022. Bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỉ đồng, tăng 82.600 tỉ đồng.

Với nguyên tắc sẽ bố trí kinh phí tăng lương cơ sở, dự toán chi cải cách tiền lương, lương hưu và điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, các chính sách an sinh xã hội là 12.500 tỉ đồng.

Dự toán mức chi cho đầu tư phát triển là 726.700 tỉ đồng, chi thường xuyên là 1,1 triệu tỉ đồng, chiếm 56,5%.

Trên cơ sở báo cáo, Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023 nhưng từ ngày 1-7-2023 tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%…

ĐB Hoàng Văn Cường (hiệu phó Trường ĐH Kinh tế quốc dân):

 

Giữ vững thị trường trong nước là bệ đỡ giúp ổn định

Rõ ràng kinh tế thế giới suy thoái sẽ thu hẹp thị trường và VN là nước xuất khẩu nên đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, VN đang là nước giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô tốt và đó chính là yếu tố thu hút các nguồn lực, đồng thời giúp các nhà đầu tư yên tâm vào sản xuất. Khi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, yên tâm vào sản xuất sẽ tìm được các thị trường và bạn hàng.

Do vậy, trong năm 2023, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất. Chúng ta cần phải tiếp tục kiểm soát tốt chính sách tiền tệ, đồng thời điều chỉnh một cách hợp lý theo diễn biến tiền tệ thế giới chứ không chạy theo phá giá đồng tiền.

Thêm vào đó, phải có các biện pháp để hạn chế tăng giá, tránh tác động của yếu tố bên ngoài. Ví như giá xăng dầu tăng thì cần sử dụng các biện pháp để điều chỉnh, hạn chế tăng giá bên ngoài.

Ngoài ra, cần chủ động sản xuất để tạo nguồn cung hàng hóa, hạn chế tình trạng khan, thiếu hàng. Khi cân đối được hàng hóa với lượng tiền trong lưu thông sẽ giúp hạn chế lạm phát. Hơn nữa, việc giữ vững được thị trường trong nước hơn 100 triệu dân sẽ là bệ đỡ quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

T.CHUNG ghi

san xuat 2

Công nhân vận hành máy ở Công ty cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú, TP.HCM) – Ảnh: HỮU HẠNH

ĐB Nguyễn Quang Huân (chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam):

 

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Với độ mở và tính liên kết cao với các nền kinh tế trên thế giới, kinh tế VN sẽ phụ thuộc và chịu ảnh hưởng nhiều từ những bất ổn của xu hướng suy thoái kinh tế thế giới.

Thời gian qua, kinh tế VN giữ được ổn định một phần nhờ vào những lợi thế như có nền kinh tế có thể tự chủ một phần lương thực, thực phẩm, dầu khí… Tuy nhiên, nền kinh tế không thể chống chịu mãi theo cách như vậy.

Doanh nghiệp đang rất cần vốn. Chính phủ cần có chính sách tài khóa làm sao để ổn định lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, kể cả với thị trường nước ngoài. Ngay cả gói kích cầu kinh tế được doanh nghiệp kỳ vọng cũng cần phải đẩy nhanh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể hơn, Chính phủ cũng cần rà soát lại các luật và chính sách để tháo gỡ vướng mắc nhanh nhất có thể, thí dụ các quy định trái nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp có thể làm nhanh và ít tốn kém nhất mà lại tạo ra môi trường thực sự năng động cho doanh nghiệp về lâu dài.

T.LONG ghi

TS Nguyễn Quốc Việt (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách – VEPR):

 

Chú trọng hiệu quả khi giải ngân vốn

Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng cho năm 2023 mà Chính phủ đưa ra là phù hợp, thận trọng và vừa sức.

Bởi thực tế nguy cơ suy thoái kinh tế đã được lường trước, một số ngành và lĩnh vực xuất khẩu đã bắt đầu có tình trạng giảm đơn hàng, từ quý 3 có sụt giảm về lượng và giá trị xuất khẩu của một số ngành xuất khẩu chủ lực, có dấu hiệu một số khu công nghiệp phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương thiếu việc làm cho người lao động.

Dù vậy, chúng ta cần chú trọng hơn đến yếu tố hiệu quả khi thực hiện các chương trình giải ngân vốn. Bởi nếu không được đánh giá kỹ lưỡng, sử dụng thực chất và phát huy giá trị thì sẽ tiêu tốn không chỉ ngân sách mà còn gây áp lực cho tương lai và thiếu tính bền vững.

Dòng vốn đầu tư công phải thực sự “kích hoạt” và khơi thông cơ sở hạ tầng, kích thích môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

NGỌC AN ghi

NGỌC AN
TTO