19/11/2024

Nhiều cây xăng vẫn hết hàng, bán giới hạn

Nhiều cây xăng vẫn hết hàng, bán giới hạn

Dù Bộ Công thương khẳng định nguồn cung trong nước khá ổn định, nhưng tình trạng hụt hàng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu tái diễn tại nhiều tỉnh thành phía nam ngay trước ngày điều chỉnh giá.

 

 

Doanh nghiệp “cạn” vốn, cây xăng “hết hàng”

“Hết xăng, còn dầu”, “Tạm ngưng bán hàng”, “Tạm ngưng sửa chữa”… là những tấm bảng được treo lên tại một số cây xăng khu vực TP.HCM trong 2 ngày qua. Một số cây xăng không treo bảng báo, nhưng khi khách ghé đổ xăng thì nhân viên bán hàng xua tay báo hết hàng.

Nhiều cây xăng vẫn hết hàng, bán giới hạn - ảnh 1
Thị trường xăng dầu tiếp tục đứt hàng, thiếu nguồn cung tại một số nơi ở TP.HCM    NGỌC DƯƠNG

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung cục bộ đã diễn ra tại nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ trong nhiều ngày qua. Tại TP.HCM 2 – 3 ngày gần đây, tình trạng “hết xăng, còn dầu” phổ biến hơn, tập trung tại một số cây xăng ở quận: 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân… tập trung đa số là những cây xăng của các doanh nghiệp (DN) tư nhân. Bà Trần Thị Mai (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đi 3 cửa hàng xăng gần nhà không mua được xăng nên phải mượn xe máy nhà hàng xóm, chạy xa hơn để mua xăng về đổ xe.

Cập nhật từ Sở Công thương TP.HCM đến hết ngày 19.10, toàn TP có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 4 cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động và 35 cửa hàng vẫn không đủ các mặt hàng xăng dầu, cung ứng gián đoạn. Cũng theo cơ quan này, toàn thành phố có 15 DN đầu mối và 60 thương nhân phân phối. DN tư nhân tham gia vào hệ thống phân phối xăng dầu rất lớn.

Tuy vậy, họ chỉ tham gia theo từng khâu chứ không phải tham gia toàn chuỗi từ nhập khẩu – phân phối – làm đại lý – bán lẻ giống như mô hình của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) hay Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM. Thế nên, tình trạng đứt gãy nguồn cung tại các chuỗi cửa hàng xăng dầu thuộc DN tư nhân diễn ra khá thường xuyên.

Tại Hà Nội, thông tin với PV Thanh Niên ngày 20.10, nhiều cửa hàng bán xăng dầu cho biết những ngày gần đây cũng phải hoạt động cầm chừng do không đủ nguồn tài chính để nhập hàng về bán. Bà Nguyễn Thị Thà, Giám đốc Công ty TNHH Trần Khiêm, đang có 2 cửa hàng bán xăng dầu ở H.Sóc Sơn (TP.Hà Nội) lấy hàng từ Công ty Xăng dầu khu vực 1 (thuộc Petrolimex), chia sẻ mức chiết khấu bán lẻ trong ngày 20.10 với xăng E5 RON92, RON95 là 199 đồng/lít, dầu diesel 19 đồng/lít.

“Mức này là có tăng so với trước, nhưng theo hạch toán thực tế, mỗi lít xăng bán ra, cửa hàng đang lỗ hơn 1.000 đồng, trung bình mỗi tháng bán ra khoảng 300 m3, DN đang lỗ 280 – 300 triệu đồng. Để tiết kiệm tối đa chi phí, 14 nhân viên bán hàng của công ty đang phải nghỉ việc luân phiên”, bà Thà cho biết.

Cũng theo bà Thà, phần lớn DN kinh doanh xăng dầu đều rơi vào tình trạng cạn vốn, không có tiền để nhập cùng đủ hàng như trước đây. Ngay tại DN của bà Thà, nguồn tài chính hiện tại chỉ đủ nhập 2 xe hàng (khoảng 500 triệu đồng – PV) nên buộc phải tính toán cơ cấu hàng hợp lý nhưng cũng có ngày bị chậm.

“Mỗi xe hàng nhập về trị giá khoảng 250 triệu đồng, có ngày tôi chỉ có 150 triệu đồng nộp trước, nhưng tiền đủ thì lệnh giao hàng mới “nhảy”, xe xăng mới về. Nếu cửa hàng còn không đủ tiền thì cứ chờ thôi. Thế nên, phải tính toán làm sao ngày này nhập xăng E5 kèm dầu, cột RON 95 đành treo biển hết hàng và ngược lại. Phần lớn cây xăng treo biển hết hàng, tạm ngưng bán nghỉ bán là do DN không còn tiền để nhập hàng về bán, hoạt động cầm chừng thôi”, bà Thà thông tin.

Làm rõ thực trạng nguồn cung

Trước đó ngày 19.10, Bộ trưởng Bộ Công thương có buổi làm việc với Petrolimex Saigon nhằm khảo sát hiện trạng kho, bể chứa của DN và công tác bảo quản cũng như việc chấp hành các quy định của Nhà nước với công tác dự trữ xăng dầu quốc gia. Tuy nhiên, kết quả buổi làm việc đến nay chưa được thông tin. Cùng ngày, Thủ tướng có chỉ đạo giao Bộ Công thương ổn định thị trường xăng dầu, không để xảy ra tình trạng bất ổn.

Cách tính giá xăng hiện nay nên xây dựng ở mức giá trần như thế nào đó để cho doanh nghiệp vận hành trong khuôn khổ và để cho doanh nghiệp quyết định thì nó tiệm cận với thị trường hơn. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đủ chi phí kinh doanh thì mới đảm bảo được nguồn hàng.

Ông Bùi Ngọc Bảo (Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN)

Trước đó, trong công văn đề nghị tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại “bơm” tiền cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Có 16 DN đầu mối đưa vào danh sách kiến nghị gỡ khó tài chính này.

Trong đó, có cả những ông lớn từ Petrolimex kiến nghị 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản trên 6.000 tỉ đồng mà DN này đang vay để nhập khẩu xăng dầu; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp cũng đề xuất Vietcombank, Vietinbank bổ sung vay vốn 1.000 tỉ đồng để thanh toán tiền mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài; Công ty S.T.S đề nghị các ngân hàng PG Bank, BIDV, MSB đảm bảo hạn mức giải ngân tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng và cho mở L/C tới 1.450 tỉ đồng; Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất hàng loạt các ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở L/C với tổng số tiền trên 10.000 tỉ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu…

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, đề nghị trên của Bộ Công thương cũng chỉ là giải pháp tháo gỡ khó khăn phần nào cho các DN hiện nay. Bởi cái khó của thị trường thực chất không nằm ở câu chuyện vốn liếng mà ở việc điều chỉnh, tính toán lại chi phí để đưa vào cơ cấu tính giá.

“Điều chỉnh cách tính giá xuất phát từ các chi phí thực tế của hoạt động kinh doanh thì tất cả đều tính được nhưng điều quan trọng thị trường thế giới thay đổi, biến động thì lại không nắm bắt, kiểm soát được. Theo đó, cách tính giá xăng hiện nay nên xây dựng ở mức giá trần như thế nào đó để cho DN vận hành trong khuôn khổ và để cho DN quyết định thì nó tiệm cận với thị trường hơn. Điều quan trọng nhất là DN phải đủ chi phí kinh doanh thì mới đảm bảo được nguồn hàng”, ông Bảo nói.

Bên cạnh đó, theo ông Bảo, đã đến thời điểm chúng ta nên giao quyền cho các DN vận hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước quản lý giá trần với khung giá cố định thì mới giải quyết vấn đề căn cơ của thị trường xăng dầu đang quá phụ thuộc vào thị trường quốc tế – thị trường mà chúng ta không thể quản lý, không kiểm soát được.

 

Đến lúc thay đổi cách quản lý giá

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, nhận định về giá xăng dầu nên để các bên tham gia thị trường quyết định, thị trường trong nước đang chủ động được nguồn cung 80% xăng dầu không thể chạy theo giá thế giới mãi được. Đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý giá, cách tính giá xăng dầu hợp lý hơn. Thị trường xăng dầu cần thiết kế lại, công cụ có trong tay các cơ quan quản lý, nhìn thấy rất rõ nên không để bất ổn hoài kéo dài.

PHAN HẬU – NGUYÊN NGA

TNO