23/01/2025

Cổ phần hóa còn chậm do ‘sợ sai, không dám làm’

Cổ phần hóa còn chậm do ‘sợ sai, không dám làm’

Sáng 19.10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đã chủ trì hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 và sắp tới.

 

 

 

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết trong giai đoạn 2016 – 2020 đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỉ đồng.

Cổ phần hóa còn chậm do 'sợ sai, không dám làm' - ảnh 1
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp  CHINHPHU

Trong đó, đã cổ phần hóa 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo Quyết định số 26/219/QĐ-TTg, đạt 30% kế hoạch; số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp.

Năm 2021 đã cổ phần hóa 4 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp 333 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỉ đồng, gồm 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Trong 9 tháng năm 2022 chỉ có 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang.

Về thoái vốn nhà nước, trong năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỉ đồng, thu về 4.402 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022 ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 466 tỉ đồng, thu về 2.289,5 tỉ đồng.

Giai đoạn 2016 – 2020, cả nước đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với quy mô vốn nhà nước xác định lại tăng 23,3% so với giai đoạn 2011 – 2015 (189.509 tỉ đồng). Đã thoái 27.312 tỉ đồng, thu về 177.397 tỉ đồng; gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, cao hơn so với giai đoạn 2011 – 2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn.

Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 220.000 tỉ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 2011 – 2015 (78.000 tỉ đồng). Số tiền chuyển ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội đạt 221.700/250.000 tỉ đồng, đạt 90% kế hoạch.

Theo Ban chỉ đạo, giai đoạn này đã cổ phần hóa, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng như Tập đoàn Cao su Việt Nam; các tổng công ty: Điện lực dầu khí, Dầu Việt Nam, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Phát điện 3, Phát điện 2, Bicamex Bình Dương, Sông Đà… Nhiều thương vụ thoái vốn đạt hiệu quả cao như tại: Vinamilk, Sabeco, Vinaconex, Idico…

Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân liên tục tăng. Năm 2020 đạt 8,3 doanh nghiệp/1.000 dân (so với năm 2016 là 5,4; năm 2017 là 6; năm 2018 là 7,3; năm 2019 là 7,6).

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra; chỉ đạt 30% kế hoạch. Các doanh nghiệp chưa hoàn thành được gia hạn từ năm 2021 đến nay nhưng tiến độ vẫn chưa đạt.

Do gặp nhiều vướng mắc, một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn đến nay vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo của cổ phần hóa.

Các bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu, truyền thống, văn hóa, lịch sử, giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn…

Ngoài nguyên nhân khách quan, báo cáo cho rằng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai luật Đất đai, luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên.

Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định. Việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chậm, gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là các thành phố lớn, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Còn hiện tượng sợ sai, không dám làm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chặm hoặc không thực hiện.

 

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm

Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, công tác thoái vốn nhà nước tuy chưa đạt yêu cầu đặt ra nhưng tổng số thu được tương đối lớn để nộp về ngân sách nhà nước. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn góp phần thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển. Hình thành lực lượng doanh nghiệp của đất nước lớn mạnh dần.

Về tồn tại, vướng mắc Phó thủ tướng cho rằng, tồn tại lớn nhất là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch (mới đạt 30%). Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc, liên quan đến sắp xếp nhà đất, tài sản công; các quy định pháp luật còn chồng chéo hoặc không rõ; khó khăn trong xác định giá trị thương hiệu, văn hóa, lịch sử; một số doanh nghiệp còn kinh doanh thua lỗ, sắp xếp lại không thành công…

“Đây là việc khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, được dư luận rất quan tâm, nhưng việc thực hiện thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, cần phải tổng kết rút kinh nghiệm, qua đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả trong thời gian tới”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng giao Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tính đến hết năm 2021, có 826 doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó có 476 doanh nghiệp do nhà nước năm 100% vốn điều lệ; 197 doanh nghiệp nhà nước năm trên 50% vốn điều lệ; 153 doanh nghiệp nhà nước năm từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Tổng tài sản là 3,74 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với 2020. Vốn chủ sở hữu là 1,79 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là 1,67 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2,12 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2020.

Năm 2021, có 116.839 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký thành lập mới là 1,61 triệu tỉ đồng.

MAI HÀ
TNO