23/01/2025

Bỏ hoang đất ‘vàng’ giữa thủ đô

Bỏ hoang đất ‘vàng’ giữa thủ đô

Hàng loạt dự án “treo”, công trình chậm tiến độ trên khắp cả nước đang khiến đất “vàng” bị bỏ hoang, vô cùng lãng phí.

 

 

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, rất nhiều dự án treo đến hàng thập niên ở các vị trí được đánh giá là “kim cương”.

 

Lãng phí “kim cương”

Mới đây, Bộ TN-MT đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành về việc có nhiều dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ gây lãng phí đất đai, bức xúc dư luận. Bộ này đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý; thậm chí tổ chức thanh kiểm tra các dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, báo cáo về Bộ trước ngày 30.11 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Bỏ hoang đất 'vàng' giữa thủ đô - ảnh 1

 

Lô đất “kim cương” ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội) làm dự án Constrexim Complex của CTX Holdings đến nay vẫn bỏ không  LÊ QUÂN

Chưa cần tìm đâu xa, ngay tại trung tâm Hà Nội, điểm sơ cũng thấy hàng loạt khu đất “vàng”, đất “kim cương” bị bỏ hoang nhiều năm. Đơn cử, ô đất rộng 2,5 ha để làm dự án Constrexim Complex của CTCP đầu tư xây dựng và thương mại VN (CTX Holdings) nằm ở lô góc nút giao Mai Dịch với 3 mặt tiền là đường Vành đai 3 (Phạm Hùng), Xuân Thủy và Trần Quốc Vượng ở Q.Cầu Giấy là ví dụ điển hình về chậm đưa đất vào sử dụng, lãng phí đất đai. Dự án gồm 1 tòa văn phòng, 3 tòa căn hộ chung cư cao tối đa 45 tầng… Tháng 7.2012, CTX Holdings được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Năm 2017, Sở QH-KT có văn bản chấp thuận tổng mặt bằng. Năm 2019, ô đất được giải phóng mặt bằng chợ tạm nông sản Dịch Vọng Hậu và chợ đêm sinh viên nhưng rồi bỏ hoang đến nay.

Tại Q.Cầu Giấy, một vị trí “vàng” tại ngã tư Trần Duy Hưng – Nguyễn Chánh cũng bị bỏ hoang nhiều năm là dự án Tháp tài chính quốc tế IFT do Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 13.000 m2. Năm 2007, Bảo Việt Nhân thọ liên danh với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành lập CTCP đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỉ đồng để thực hiện dự án. Năm 2013, dự án được cấp phép quy hoạch cao 34 tầng, công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Nhưng hiện ô đất vẫn chỉ quây tôn xung quanh và bỏ hoang rất lãng phí.

Đối với những chủ đầu tư cố tình chây ỳ, ôm dự án không triển khai, gây lãng phí đất, phải cương quyết thu hồi, thậm chí có chế tài phạt thật nặng để răn đe. Với những dự án vướng mắc, cần tập trung liên ngành tháo gỡ để nhanh chóng đưa đất vào sử dụng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Tại Khu đô thị Bắc An Khánh, còn được gọi là Splendora ở H.Hoài Đức (Hà Nội), sau hơn 10 năm triển khai cũng còn không ít ô đất trống, bỏ hoang. Tổng diện tích khu đô thị này là hơn 264 ha, được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2006 cho chủ đầu tư là liên danh Công ty TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) gồm 2 pháp nhân là Tổng công ty Vinaconex và Công ty xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc), mỗi bên nắm 50%. Đầu năm 2007, dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 8.2007. Năm 2009, giai đoạn 1 khoảng 50 ha (khu nhà ở cao cấp Splendora) được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2013 (quy mô 1.049 biệt thự, nhà liền kề và chung cư).

Cuối năm 2017, dự án được duyệt quy hoạch với cơ cấu sở hữu gồm CTCP địa ốc Phú Long và Vinaconex. Giai đoạn 2 của dự án được triển khai với khu biệt thự Lakeside Splendora quy mô gần 4,7 ha, gồm 77 lô biệt thự cao cấp. Tuy nhiên, tại Khu đô thị Bắc An Khánh còn rất nhiều khu đất bỏ hoang rất lãng phí… Ông Nguyễn Văn Long (50 tuổi), một người dân H.Hoài Đức, cho hay hơn 10 năm trước, ông buộc phải bàn giao đất đang canh tác cho dự án xây dựng đô thị. Sau đó, thấy đất bị bỏ hoang, ông mua hơn 20 con trâu chăn thả, rồi nuôi vịt trên đầm nước kiếm sống. Tuy nhiên, vịt cũng như trâu, cứ nuôi được một thời gian là bị cấm. Nhìn đồng đất mênh mông bị bỏ hoang mà ông Long không khỏi rơm rớm nước mắt xót xa.

 

Ôm đất chờ sang tay kiếm lời

Sở TN-MT Hà Nội thừa nhận TP có không ít dự án bỏ hoang đất, lãng phí. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đất đai, quy hoạch có nhiều thay đổi, phải chờ rà soát theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; một số cơ quan nhà nước thực hiện phối hợp chưa tốt. Cũng có nguyên nhân do ý thức chấp hành luật pháp của các chủ đầu tư còn hạn chế, cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính, khi sắp hết dự án lại để nghị gia hạn; năng lực một số chủ đầu tư yếu…

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, thì cho rằng một trong các nguyên nhân là việc phân công, phân cấp theo thẩm quyền giữa các cấp, các ngành để xử lý công việc liên quan còn chưa rõ ràng. Việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu quyết liệt. Trong khi đó, một số chủ đầu tư cứ nộp tiền sử dụng đất rồi ung dung ôm dự án để đó chờ thị trường hoặc chờ bán lại. Một số chủ đầu tư vì năng lực tài chính, kinh nghiệm kém nên không đủ khả năng thực hiện dự án…

“Điều 199 luật Đất đai năm 2013 quy định rõ công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Nhưng kênh giám sát quan trọng từ nhân dân này đến nay chưa thực sự được phát huy do người dân thiếu thông tin về dự án, chỉ biết là bỏ hoang chứ không rõ nguyên nhân. Cần thiết lập kênh công khai thông tin về dự án bỏ hoang, chủ đầu tư để người dân phát huy vai trò giám sát”, ông Đặng Hùng Võ nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cũng cho biết trong những giai đoạn thị trường sốt đất, những người ôm đất dự án chỉ cần chuyển nhượng là thu về khoản tiền lời kếch xù. Doanh nghiệp lãi nhưng đất nước và xã hội thiệt hại vì đất bị bỏ hoang, không phát huy giá trị.

Ông Thịnh đề nghị cần xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước đã buông lỏng, để dự án quá hạn không triển khai; xử lý trách nhiệm cá nhân cán bộ, lãnh đạo liên quan đến bỏ hoang đất. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ xây dựng, thẩm định, ban hành quy định pháp luật làm sao để cơ chế ổn định, tránh những vướng mắc không đáng có, tránh lãng phí đất vì quy trình thủ tục do cơ chế gây ra. n

 

LÊ QUÂN

TNO