Biến thể phụ Covid-19 lan nhanh, các nước vẫn nới lỏng
Biến thể phụ Covid-19 lan nhanh, các nước vẫn nới lỏng
Một số biến thể phụ mới của vi rút gây Covid-19 đang lây lan nhanh, song xu hướng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch vẫn tiếp tục ở nhiều nước.
Ngày 18.10, giới chức Philippines thông báo nước này đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm hai biến thể phụ XBB và XBC, sau khi XBB trở thành tác nhân chủ đạo trong đợt bùng phát Covid-19 mới ở Singapore.
Nguy cơ từ các biến thể phụ
Trong khi đó, báo The Straits Times dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết 81 ca nhiễm XBB đã được phát hiện tại 2 vùng của nước này, trong đó 70 ca đã hồi phục, 8 ca vẫn đang phải cách ly và 3 ca chưa rõ tình trạng. Ngoài ra, Philippines cũng ghi nhận 193 ca nhiễm XBC, trong đó 5 người đã tử vong.
Philippines đã phát hiện các ca nhiễm XBB và XBC đầu tiên AFP |
XBC là kết quả tái tổ hợp giữa biến thể Delta và biến thể phụ BA.2 của Omicron, và các cơ quan y tế toàn cầu vẫn chưa xác định rõ nguy cơ mà nó có thể gây ra. Trong khi đó, XBB chính là biến thể phụ BA.2.10 của Omicron, đang gây ra sự gia tăng đột biến số ca Covid-19 ở Singapore. Bộ Y tế Singapore cho biết XBB hiện chiếm 55% số ca nhiễm ở đảo quốc và dự báo làn sóng lây nhiễm mới sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 11 với trung bình 15.000 ca/ngày.
Cũng theo Bộ Y tế Singapore, XBB lần đầu tiên được ghi nhận tại Ấn Độ hồi tháng 8 và sau đó đã xuất hiện ở 17 quốc gia, bao gồm Úc, Bangladesh, Đan Mạch, Nhật Bản và Mỹ. Đài Loan hôm 18.10 cũng thông báo ghi nhận các ca nhiễm XBB đầu tiên ở người vừa nhập cảnh.
Tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, đã cảnh báo về bộ đôi “vô cùng rắc rối” là BQ.1 và BQ.1.1 – cả hai đều là hậu duệ biến thể phụ BA.5 của Omicron. Trả lời CBS News ngày 14.10, ông Fauci cho biết 2 biến thể phụ mới “có những những phẩm chất hoặc đặc điểm có thể tránh né một số biện pháp can thiệp mà chúng ta có”.
Hai biến thể phụ này đang lây lan rất nhanh. ABC News ngày 19.10 cho biết số ca nhiễm BQ.1 và BQ.1.1 hiện chiếm khoảng 12% tổng số ca mới Covid-19 ở Mỹ, dù vào tuần cuối tháng 9, tỷ lệ này mới chỉ là 3%.
Tiếp tục nới lỏng
Trong cuộc họp báo ngày 18.10, Thứ trưởng Vergeire cho biết việc siết chặt kiểm soát biên giới tại Philippines lúc này là chưa cần thiết, nhưng kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các quy trình chăm sóc sức khỏe và tiêm mũi vắc xin tăng cường.
“Hiện tại, chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào để chúng tôi tái áp đặt các quy định chặt chẽ hơn. Vòng đời của vi rút bao gồm các đột biến và các biến thể mới. Hệ thống của chúng tôi đã sẵn sàng nếu số ca nhiễm gia tăng trở lại”, bà nói. Philippines trước đó đã bỏ quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Nguy cơ từ băng tan
Nhà nghiên cứu Stéphane Aris-Brosou và các đồng nghiệp tại Đại học Ottawa ở Canada mới đây đã công bố phát hiện cho thấy nguy cơ vi rút lần đầu nhảy sang vật chủ mới có thể cao hơn tại các khu vực gần các sông băng đang tan chảy, theo báo The Guardian đưa tin ngày 19.10.
Phát hiện ngụ ý rằng khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng do biến đổi khí hậu, nhiều khả năng vi rút và vi khuẩn bị nhốt trong sông băng và băng vĩnh cửu có thể tái sinh và lây nhiễm cho động vật hoang dã địa phương.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cuối tuần trước cho biết tuy số ca nhiễm gia tăng vì XBB, biến thể vi rút này vẫn chưa cho thấy nó có thể khiến bệnh diễn tiến nặng hơn so với các biến thể trước đó. Singapore đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không loại trừ việc áp dụng lại các biện pháp như đeo khẩu trang, nhưng sẽ cố gắng “hết sức” để không làm gián đoạn cuộc sống bình thường, theo ông Ong.
Hầu hết các quốc gia vẫn đang cố gắng tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những hạn chế vì Covid-19. Chính phủ Nhật Bản ngày 19.10 đã nới lỏng cảnh báo đi lại đối với 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, không còn yêu cầu người dân ở Nhật Bản hạn chế các chuyến đi không cần thiết đến bất kỳ quốc gia nào, theo Hãng tin Kyodo.
Theo Hãng tin AAP, chính phủ New Zealand ngày 18.10 thông báo sẽ hủy bỏ Đạo luật Ứng phó y tế công cộng Covid-19, nền tảng pháp lý cho các biện pháp phòng chống đại dịch được thông qua năm 2020. Du khách đến New Zealand cũng sẽ được miễn khai báo đi lại bắt đầu từ ngày 20.10, động thái diễn ra sau khi nước này đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp kiểm soát biên giới.
LAM VŨ
TNO