19/11/2024

An toàn thực phẩm còn phổ biến tâm lý đối phó

An toàn thực phẩm còn phổ biến tâm lý đối phó

Để bảo đảm thực phẩm an toàn cho 100 triệu dân Việt Nam, cần thay đổi tư duy mua đứt bán đoạn như hiện nay bằng sự liên kết theo mô hình chuỗi giá trị với sự tham gia tích cực của từng khâu trong đó.

 

 

 

Ngày 18.10, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng VN”. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các hiệp hội sản xuất, cung ứng thực phẩm.

 

97,6% mẫu giám sát an toàn, nhưng…

Báo cáo tại hội nghị của 2 trung tâm tiêu thụ hàng hóa thực phẩm lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội cũng như của Bộ NN-PTNT đều cung cấp những con số khá đẹp. Đơn cử, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết: Tính từ khi đơn vị này được thành lập năm 2017 đến 2022, công tác thanh kiểm tra phát hiện gần 37.000 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, chiếm 11,3%; giảm so với tỷ lệ 15,2% của giai đoạn 2015 – 2016. So sánh 2 giai đoạn cho thấy sự gia tăng về số cơ sở được thanh kiểm tra và mức xử phạt trung bình nhưng giảm về số cơ sở vi phạm.

Tương tự, báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết: Trung bình mỗi năm các đơn vị của Sở lấy khoảng 2.800 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản để giám sát, cảnh báo nguy cơ. Kết quả giám sát cho thấy mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh trên thịt gia súc, gia cầm đã giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2016 là 15,6%, năm 2021 là 6%. Tỷ lệ vi phạm về các chỉ tiêu hóa học (thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản…) cũng có xu hướng giảm qua các năm 2017 là 4,4%, năm 2021 còn từ 2 – 3%. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lấy 1.226 mẫu nông lâm thủy sản, kết quả 96% mẫu đạt yêu cầu.

An toàn thực phẩm còn phổ biến tâm lý đối phó - ảnh 1

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khảo sát một kênh phân phối ở TP.HCM  B.Đ

Ở quy mô toàn quốc, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, thuộc Bộ NN-PTNT), thông tin: Tỷ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP năm 2016 là 92,4%, năm 2021 là 96,1% và 9 tháng đầu năm 2022 là 97,6%. Tỷ lệ vi phạm ATTP, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, thực tế ATTP vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch…Có nguyên nhân do chính sách pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó là hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ.

Thế nhưng bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng VN chất lượng cao, nói thẳng: Thực tế làm việc với nhiều DN cho thấy, tâm lý đối phó với các loại tiêu chuẩn chất lượng vẫn còn rất phổ biến. Thay vì xây dựng và chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất để đạt các tiêu chuẩn chất lượng thì có không ít đơn vị muốn mua bán giấy chứng nhận với rất nhiều lý do như không đủ kinh phí, nhân lực, thời gian…

“Khoảng một tháng trước có DN sản xuất mì gói của Hàn Quốc liên hệ với chúng tôi nhờ giới thiệu đơn vị uy tín sản xuất gói gia vị cho họ. Trước đó có đơn vị gia công cho họ ở Trung Quốc nhưng những cọng hành cắt nhỏ trong gói gia vị chất lượng không ổn định, nên họ muốn tìm DN VN thay thế. Chúng tôi giới thiệu cho họ một DN khá lớn và uy tín. Thế nhưng, khi DN Hàn Quốc đề nghị “test sản phẩm” ngay thời điểm đó thì DN VN đã tìm cách từ chối với lý do không đủ năng lực tham gia hợp tác”, bà Hạnh kể và giải thích, lý do trong cọng hành của chúng ta có quá nhiều nước, sấy bị co lại nên chất lượng không như mong muốn. Mặt khác, chất lượng và an toàn của sản phẩm không đạt được độ ổn định. Đó là lý do vì sao DN VN không nắm được cơ hội này.

 

Bỏ tư duy khẩu hiệu, mua đứt bán đoạn

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho rằng để quản lý tốt hơn vấn đề ATTP cần phải chuẩn hóa hệ thống pháp luật. Hiện nay, chúng ta không có quy định hàng tươi sống phải có nhãn mác. Thực tế, phần lớn hàng hóa này ở chợ đều không thể truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, cần tập trung giám sát ở các chốt chặn quan trọng như cửa khẩu, cảng, chợ đầu mối… “Tôi đã đi thực tế nhiều nơi, đặc biệt là một số cảng cá không có nhà vệ sinh đủ sạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng những người không có chuyên môn đi kiểm tra giám sát cấp chứng nhận VietGAP cho những cơ sở sản xuất. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần giám sát, cải thiện và chấn chỉnh”, bà Minh nói.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay là giá cả và chất lượng sản phẩm. Chúng ta cần hợp tác cùng nhau thay đổi tập quán sản xuất của người dân, từng bước nâng cao chất lượng và độ ATTP.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lý giải: Vấn đề nằm ở cách tư duy lối mòn của chúng ta lâu nay là mua đứt bán đoạn. Chưa có sự hợp tác để cùng nhau tạo ra những giá trị cao và bền vững hơn. Một chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) mỗi buổi sáng có gần 20.000 người đến giao dịch hàng hóa thì làm sao có lực lượng chức năng nào kiểm soát nổi. Vậy vấn đề là phải đi từ khâu sản xuất, phải tổ chức được mạng lưới liên kết giữa nông dân với nhau và nông dân với DN, nhà phân phối và chính quyền địa phương để cùng nhau kiểm tra giám sát.

“Ở đây quay trở lại vấn đề trách nhiệm xã hội của người dân và DN sản xuất. Đừng xem các tiêu chuẩn ATTP như giấy thông hành để lọt qua cửa nọ, cửa kia mà hãy học cách của người Nhật, sản xuất những sản phẩm nhằm tạo ra niềm tin, sức khỏe cho xã hội, thì lúc đó nông nghiệp và nông dân sẽ giàu lên. Chúng ta cũng cần phải bỏ luôn cả tư duy hô khẩu hiệu lâu nay như hành động vì “tháng ATTP”. ATTP vì sức khỏe 100 triệu dân và tương lai giống nòi VN là vấn đề cần phải làm thường xuyên, liên tục và xuyên suốt. Nó cần sự chung tay của cả xã hội để kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp và bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Khi đi thực tế ở các DN sản xuất nông sản, tôi thấy làm rất tốt. Nhưng trong những chuỗi giá trị đó, không thấy bóng dáng nông dân đâu cả. Nếu có đơn vị DN nào vì trách nhiệm cộng đồng, xã hội hợp tác giúp đỡ nông dân cùng làm với mình; đưa hình ảnh nông dân vào chuỗi giá trị đó thì giá trị lan tỏa sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích kinh tế đơn thuần. Trách nhiệm xã hội là một phạm trù đạo đức mà các DN ở những xã hội tiến bộ đang hướng đến và mở rộng. DN VN cũng cần nhanh chóng bắt kịp xu hướng tiến bộ này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

CHÍ NHÂN

TNO