Thu thuế qua thương mại điện tử tăng mạnh
Thu thuế qua thương mại điện tử tăng mạnh
Hoạt động thu thuế với hàng hoá, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay từ năm 2018 đến nay, theo Bộ Tài chính, là 5.588 tỉ đồng.
Bộ Tài chính vừa gửi Quốc hội báo cáo thực hiện nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 3, nêu nhiều vấn đề liên quan tới quản lý thu thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ thương mại điện tử.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, hoạt động thu thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, thu từ thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay lên tới 5.588 tỉ đồng.
Số thu này tăng qua các năm, bình quân 3 năm (2018-2021) là 130%, riêng số thu năm 2021 tăng cao, tới 1.591 tỉ đồng, tương đương tăng 39% so với năm 2020. Đáng chú ý, trong số này, Facebook nộp 2.099 tỉ đồng, Google gần 2.115 tỉ đồng, Microsoft nộp 714 tỉ đồng…
Tính đến hết tháng 8 năm nay, thu thuế từ xử lý vi phạm, chống thất thu với tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử là khoảng 1.082 tỉ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỉ đồng. Trong 8 tháng đầu năm nay tăng gần 521 tỉ đồng, tăng 2 lần so với số thu năm 2021.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã triển khai đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
Đến nay, đã có 140.615 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng thuế điện tử trên eTax Mobile; 69.465 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền hơn 308 tỉ đồng.
Có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Microsoft, Facebook, Netflix, Samsung, TikTok, eBay… đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế, với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.
Tuy nhiên, khó khăn trong thu thuế hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, thương mại điện tử theo Bộ Tài chính đó là xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ thu nhập làm cơ sở đánh thuế… Đặc thù nền kinh tế số cũng rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử cũng gặp khó khăn. Bởi, thực tế một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.
Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về giải pháp, bộ này cho rằng ngoài việc tăng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, sẽ hoàn thiện quy định pháp luật về thuế, để tăng trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng.
Cuối tháng 8, cơ quan này đã trình Chính phủ nghị định sửa đổi nghị định 126/2020 quy định sàn thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn và sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, một số quy định chuyên ngành được đề xuất sửa đổi nhằm thống nhất trong quản lý. Công tác quản lý thuế, hạ tầng công nghệ thông tin về kê khai, nộp và thu thuế… sẽ được nâng cấp, tiếp tục hiện đại hóa để kết nối, lưu trữ thông tin với người nộp thuế theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử.
Cơ quan thuế cũng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, tăng thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và chuyên đề với hoạt động thương mại điện tử, tập trung vào nhà cung cấp ở nước ngoài, một số sàn thương mại điện tử…