19/11/2024

Pháp kêu gọi Đức đồng lòng về vấn đề năng lượng

Pháp kêu gọi Đức đồng lòng về vấn đề năng lượng

Tổng thống Pháp cảnh báo việc các nước châu Âu hành động riêng lẻ, như việc Đức tung kế hoạch quốc gia trị giá 200 tỉ euro hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp, có thể gây ra những “méo mó”. Châu Âu cũng sắp thảo luận giá trần khí đốt.

 

 

 

Pháp kêu gọi Đức đồng lòng về vấn đề năng lượng - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – Ảnh: REUTERS

“Chúng ta không thể bám vào các chính sách quốc gia, bởi vì điều này tạo ra sự méo mó trong châu Âu. Cũng như cuộc khủng hoảng COVID-19, đây là khoảnh khắc của sự thật đối với châu Âu… Chúng ta phải hành động thống nhất và đoàn kết”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trên nhật báo Les Echos ngày 17-10.

Giá năng lượng đã tăng vọt ở châu Âu sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng cấp tính tại khu vực, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga như Đức.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 16-10 cảnh báo nhiều bệnh viện ở nước này có thể phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao và lạm phát. “Nếu chúng ta không phản ứng nhanh chóng và thực sự quyết liệt, các bệnh viện sẽ có thể phải đóng cửa”, ông Lauterbach nói với Đài truyền hình ARD.

Tại Pháp, Hãng tin Reuters cho biết hàng ngàn người xuống đường ở Paris ngày 16-10 để phản đối việc giá cả leo thang.

Berlin mới đây đã tung ra kế hoạch trị giá 200 tỉ euro, khoảng 194 tỉ USD, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cố gắng đưa ra phản ứng chung trong vấn đề năng lượng trong hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào cuối tuần này. “Châu Âu đoàn kết với Đức và việc Đức đoàn kết với châu Âu là điều bình thường”, ông Macron nói.

Hãng tin Reuters dẫn một số tài liệu cho biết các lãnh đạo châu Âu cũng sẽ thảo luận giá trần khí đốt sau nhiều tuần chia rẽ. Giá năng lượng tại châu Âu tăng chóng mặt sau khi Nga, một nhà cung cấp khí đốt quan trọng, cắt giảm mạnh nguồn cung.

Tuy nhiên, một số nước như Đức lo ngại việc áp giá trần sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt và khó kiếm nguồn cung.

TRẦN PHƯƠNG
TTO