Cần tính đường dài cho thị trường xăng dầu
Cần tính đường dài cho thị trường xăng dầu
Bên cạnh 7 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép tạm thời 1 – 1,5 tháng không thể nhập khẩu, các doanh nghiệp đầu mối khác cũng chẳng muốn nhập khi thị trường rớt giá liên tục.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường thiếu hụt xăng dầu thời gian qua được chính các doanh nghiệp thừa nhận đó là doanh nghiệp đầu mối đã không nhập hàng hoặc giảm tối đa lượng hàng nhập khẩu khiến thị trường “đứt” nguồn cung ngay ở khâu “thượng nguồn”.
Trong quý 3 vừa qua, chỉ có 19 trong tổng số 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khiến sản lượng nhập khẩu đối với xăng giảm đến 40% và giảm 35% đối với dầu DO.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đầu mối lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu phía Nam như Xuyên Việt Oil, Nam Sông Hậu hay Tín Nghĩa… đã không nhập khẩu trong cả quý 3.
Bên cạnh 7 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép tạm thời từ 1 – 1,5 tháng không thể nhập khẩu, các doanh nghiệp đầu mối khác cũng chẳng muốn nhập khi thị trường rớt giá liên tục.
Nhìn một cách tổng thể, rõ ràng nhiều doanh nghiệp đầu mối đã giảm, ngưng nhập hàng, nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhỏ. Hệ lụy là dòng chảy xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam bị đứt đoạn ngay từ khâu “thượng nguồn” trong khi sức tiêu thụ tại “hạ nguồn” lại không giảm.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra do sản lượng nhập khẩu giảm kèm theo lượng tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối giảm trong bối cảnh giá thế giới hạ liên tục góp phần gây nên tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.
Bà Trần Thị Tuyết Mai – giám đốc của Hải Hà Petro – thừa nhận nguồn cung xăng dầu không thiếu, chỉ vì doanh nghiệp lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối đều cho rằng mức chi phí nhập khẩu tăng cao, chưa được tính hợp lý nên không thể nhập khẩu.
Song có một điều mà doanh nghiệp chưa nói thẳng là diễn biến giá xăng dầu thế giới giảm liên tục khiến doanh nghiệp biết rõ nhập về sẽ không có lời, thậm chí lỗ nặng. Với cách tính giá xăng dầu tại Việt Nam là lấy mức bình quân của 10 ngày trước đó để áp dụng cho 10 ngày sau nên khi xăng rớt giá, doanh nghiệp nhập khẩu biết chắc sẽ lỗ đậm.
Cũng chính vì phương án nhập về sẽ lỗ mà doanh nghiệp cũng khó tiếp cận nguồn tín dụng trả chậm khi chẳng ngân hàng nào muốn bung vốn để doanh nghiệp làm ăn nhưng biết chắc sẽ lỗ.
Ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng đối diện với thế khó này khi một trong những nguyên tắc mấu chốt là bảo tồn vốn nhà nước và cứ lỗ liên miên thì người đứng đầu doanh nghiệp đó cũng đối diện với những hệ lụy chưa lường hết về sau.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có thị phần lớn tiết lộ doanh nghiệp đến thời điểm này đã lỗ đến 600 tỉ đồng và nếu thực trạng khó khăn trong kinh doanh còn tiếp diễn thì chưa biết mức lỗ sẽ còn tăng lên bao nhiêu.
Qua cuộc khủng hoảng này, có thể thấy bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực cung ứng cho thị trường lúc khó khăn thì có không ít doanh nghiệp đầu mối đã không làm tròn nhiệm vụ của mình đó là nhập hàng, xuất hàng cho thị trường.
Nói như một vị giám đốc sở công thương ở phía Nam là đầu mối lưu trữ kiểu gì mà hôm nay hết hàng nhưng ngày mai tăng giá lại có hàng. Chuyện giá cả, chi phí nhập khẩu xăng dầu chỉ là chuyện tức thời, cái dài hạn và điểm yếu của ngành xăng dầu Việt Nam chính là dự trữ quốc gia.
Nhiều nước dự trữ quốc gia xăng dầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan dự trữ lên đến 60 – 90 ngày bằng các bồn chứa ngầm. Còn ở Việt Nam, dự trữ quốc gia “ký gửi” ngay ở kho của doanh nghiệp và các doanh nghiệp chỉ dự trữ lưu thông tối đa 20 ngày.
Tuy nhiên, thực tế dự trữ ở từng doanh nghiệp đầu mối, thậm chí cả các doanh nghiệp phân phối (5 ngày) lại là một “ẩn số”.
Do đó chuyện đường dài của ngành xăng dầu vẫn phải là quản cho được dự trữ của doanh nghiệp đầu mối và bắt buộc phải có những kho dự trữ quốc gia với số ngày dự trữ cao nhất có thể.
Chỉ khi nắm trong tay lượng dự trữ lớn, bàn tay điều hành của Nhà nước mới chủ động được về nguồn cung và ngành xăng dầu mới tránh được những cú sốc thiếu xăng dầu “cục bộ”.