19/11/2024

Cần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

Cần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay vừa kết thúc. Nhiều cuộc gặp gỡ doanh nhân khắp các cấp. Nhưng những điều cần làm cho doanh nhân thiết thực nhất nên là gì?

 

 

 

Cần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Sản xuất tại một nhà máy cơ khí phía Nam – Ảnh: D.S.

Thực tế, những đóng góp lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua có vai trò đồng hành của thể chế về thúc đẩy quyền tự do kinh doanh.

Trường hợp các điều khoản của luật, pháp lệnh, nghị định có các cách hiểu và áp dụng khác nhau, người dân và DN cần được quyền chọn cách áp dụng có lợi nhất cho mình và không bị coi đó là vi phạm pháp luật.

TS Nguyễn Minh Thảo

 

Mở rộng quyền tự do kinh doanh

Việt Nam đã có bước tiến dài trong mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Với Luật doanh nghiệp 1999, lần đầu tiên quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được ghi nhận và bảo vệ. Người dân được tự chủ đăng ký và thực hiện kinh doanh các ngành, nghề không thuộc đối tượng cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Đây là bước ngoặt tạo sự bùng nổ về doanh nghiệp và doanh nhân ở Việt Nam. Quyền tự do kinh doanh tiếp tục được củng cố tại các Luật Doanh nghiệp 2005, 2014 và 2020.

Tuy nhiên, một môi trường kinh doanh thuận lợi phải đảm bảo các yếu tố về an toàn, tối thiểu trên các tiêu chí như: quy định pháp luật minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng và đảm bảo cách hiểu thống nhất; thực thi minh bạch, có giám sát; chính sách ổn định. Nhìn lại bức tranh doanh nghiệp thời gian qua, có thể thấy môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và còn nhiều rào cản về quyền tự do kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, làm gia tăng chi phí (khoảng 61%). Khoảng 21,7% doanh nghiệp cho hay phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những phiền hà về giấy phép; 61,36% phải trả chi phí không chính thức…

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về cắt bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hiệu quả và đơn giản hóa các yêu cầu về điều kiện kinh doanh. Nhưng trong hai năm 2020 – 2021 và gần hết năm 2022, dường như không có động thái nào đáng kể liên quan đến cải cách này.

Văn bản pháp luật hiện hành chồng chéo, mâu thuẫn, khác biệt là khá phổ biến trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… Vấn đề này đã được nhận diện từ lâu (từ năm 2015), song thời gian gần đây trở nên nghiêm trọng hơn bởi những lo ngại về rủi ro pháp lý. Nó dẫn tới nhiều hoạt động đầu tư của doanh nghiệp chậm lại hoặc thậm chí không thực hiện được; gây tốn kém thời gian, chi phí và nhân lực không chỉ của doanh nghiệp mà cả của cơ quan thực thi.

Hiện chưa có hành động cụ thể nào thực sự hiệu quả để giải quyết tình trạng này mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo. Sự lúng túng không chỉ ở cấp thực thi mà còn ở ngay trong cơ quan soạn thảo chính sách. Tình trạng này nếu không được khắc phục sớm sẽ làm suy giảm đầu tư, giảm niềm tin và tinh thần kinh doanh.

Nhiều địa phương tuy định kỳ tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là lắng nghe, tiếp nhận; sau các cuộc đối thoại ấy, ít vấn đề được giải quyết đến tận cùng.

 

Tăng tốc những việc “lỗi hẹn” với doanh nghiệp

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời năm 2017. Tuy nhiên, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau hơn bốn năm triển khai, chưa đến 8% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ; 51,3% doanh nghiệp không biết đến luật này.

Ngày doanh nhân năm nay nhiều ý kiến nói trầm lắng hơn. Phải chăng có những khó khăn trong nội tại doanh nghiệp, nhưng cũng có những khó khăn do thể chế môi trường kinh doanh trong nước chưa thật sự đảm bảo quyền tự do và an toàn cho doanh nghiệp?

Hơn lúc nào hết, Chính phủ, bộ ngành và chính quyền địa phương cần củng cố lại niềm tin cho doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần, tâm huyết kinh doanh của doanh nhân bằng việc triển khai ngay những mục tiêu, giải pháp còn lỡ hẹn với họ (như các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí; các bộ, ngành đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện…)

Doanh nghiệp kỳ vọng những hành động chính sách cụ thể chứ không chỉ là các chỉ đạo, cam kết qua các hội nghị, cuộc gặp. Nuôi dưỡng và vun đắp khu vực doanh nghiệp trong nước là nuôi dưỡng sự thịnh vượng của quốc gia một cách bền vững.

TS NGUYỄN MINH THẢO (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương)
TTO