22/12/2024

Bị buồn nôn và ói mửa, khi nào cần đi bệnh viện?

Bị buồn nôn và ói mửa, khi nào cần đi bệnh viện?

Cảm giác buồn nôn, ói mửa không phải là bệnh mà là phản ứng bình thường của cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Một số nguyên nhân có thể nguy hiểm và cần phải đến bệnh viện ngay.

 

 

Buồn nôn, ói mửa là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tống các chất độc hại ra khỏi đường tiêu hóa càng nhanh càng tốt. Người bệnh cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức nếu buồn nôn, ói mửa kèm theo đau đầu dữ dội, sốt, cứng cổ hoặc chóng mặt, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Bị buồn nôn và ói mửa, khi nào cần đi bệnh viện? - ảnh 1
Buồn nôn, ói mửa kèm theo đau đầu dữ dội, sốt, cứng cổ hoặc chóng mặt thì cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức  SHUTTERSTOCK

Nếu ói mửa có lẫn máu thì cũng là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong trường hợp chất nôn có hạt nhỏ màu đen thì các hạt này có thể là máu. Máu khi tiếp xúc với a xít dạ dày sẽ chuyển sang màu đen. Đây là dấu hiệu của xuất huyết dạ dày.

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây buồn nôn, ói mửa. Các bác sĩ thường tìm ra nguyên nhân bằng cách xem xét các triệu chứng đi kèm.

Nếu buồn nôn, ói mửa kèm theo tiêu chảy, sốt thì rất có thể là do ngộ độc thực phẩm. Người bệnh cần đến bệnh viện ngay nếu ngộ độc kèm theo phân có máu, nôn mửa quá nhiều, sốt cao hay tiêu chảy kéo dài.

Một nguyên nhân khác cũng có thể gây buồn nôn, ói mửa là do không dung nạp thực phẩm. Ví dụ, một số người không dung nạp gluten sẽ nôn ói khi ăn các loại thực phẩm có gluten như lúa mì, lúa mạch, yến mạch. Không dung nạp đường lactose có thể gây nôn ói khi tiêu thụ các món có loại đường này như sữa bò.

Nhiều người có thể mắc tình trạng không dung nạp thực phẩm này nhưng không biết. Nếu họ thường xuyên buồn nôn, ói mửa sau khi ăn thì hãy đến bác sĩ kiểm tra.

Điều trị buồn nôn, ói mửa thường phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu tình trạng này ở mức độ nhẹ thì có thể tự điều trị tại nhà. Nếu nguyên nhân là do say tàu hoặc chóng mặt thì sẽ dùng thuốc kháng histamine.

Người bệnh cũng cần uống đủ nước để bù nước và chất điện giải bị mất do nôn mửa. Để đảm bảo nước uống vào không bị nôn ra, người bệnh nên uống từng ngụm nhỏ và uống nhiều lần. Sau 24 giờ, họ có thể uống nước bình thường trở lại, theo Medical News Today.

NGỌC QUÝ

TNO