22/12/2024

Xăng dầu đã bớt căng thẳng

Xăng dầu đã bớt căng thẳng

Thị trường xăng dầu sẽ bớt “nóng”, bớt “chập chờn”, nếu nhà nước có công thức tính toán giá cơ sở xăng dầu khoa học, hợp lý và phù hợp cơ chế thị trường.

 

 

Vẫn còn tình trạng ngày bán, ngày đóng cửa

Ghi nhận của PV Thanh Niên, đến hôm qua 14.10, hầu hết các cây xăng tại các quận trung tâm ở TP.HCM đều mở cửa hoạt động bình thường và không còn cảnh khách xếp hàng chờ đợi. Cập nhật từ Sở Công thương TP.HCM tính hết ngày 13.10, có 64/550 cửa hàng xăng tập trung chủ yếu quận huyện ngoại thành vẫn còn bán hàng gián đoạn do nguồn cung nhập về cửa hàng không kịp.

Những cửa hàng này đa số thuộc doanh nghiệp (DN) đầu mối tư nhân. Riêng hệ thống 123 cửa hàng phân phối xăng dầu của Petrolimex Saigon (chiếm 35 – 40% thị phần toàn TP.HCM) theo cam kết của đại diện DN là “không cửa hàng nào thiếu xăng dầu và muốn đổ bao nhiêu cũng được”.

Xăng dầu đã bớt căng thẳng - ảnh 1
 Thị trường xăng dầu cần công thức tính giá khác hiện nay NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành khu vực phía nam, nguồn cung vẫn còn khó khăn. Ngày 14.10, theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hiện tại các công ty đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và công ty phân phối xăng dầu chỉ cung cấp cho các đại lý từ 30 – 50% so với sản lượng trung bình. Riêng hệ thống 83 cửa hàng trực thuộc và đại lý của Petrolimex Lâm Đồng và 4 cửa hàng trực thuộc Công ty CP Dầu khí Vũng Tàu (PVOil Vũng Tàu) cung cấp hàng đúng sản lượng. Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh này cũng thừa nhận do nguồn hàng ít ỏi, DN phân phối lại cung cấp xăng dầu cho các đại lý bán lẻ rất ít, chưa tới 50% so với nhu cầu thực tế. Tương tự, tại Bến Tre, một cửa hàng xăng dầu cho biết đang lấy hàng của công ty đầu mối Dương Đông theo sản lượng, ngày bán ngày nghỉ. Phản hồi của đa số là chiết khấu vẫn còn quá thấp, không đủ bù chi phí.

Trả lời Thanh Niên, một thương nhân phân phối xăng dầu phía Nam cho hay: Trong thực tế, những DN nhà nước bảo đảm được nguồn cung do nguồn hàng nhập khẩu về dồi dào vì ngoài hoạt động kinh doanh, họ có sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nên nhập khẩu bán có lỗ họ vẫn phải làm. Bên cạnh đó, nhà máy lọc xăng dầu trong nước như nhà máy Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nắm cổ phần chi phối cũng giúp các DN này chủ động hơn rất nhiều. Trong khi đó, những DN đầu mối khác lỗ kéo dài nên nhập khẩu cầm chừng hoặc không nhập khẩu khiến nguồn cung căng thẳng.

Tổng cục Hải quan thống kê có 14 DN đầu mối trong 3 tháng không nhập khẩu. Trong đó nêu đích danh những đầu mối lớn Xuyên Việt Oil, Dầu khí Nam Sông Hậu, Tín Nghĩa. Trong danh sách 15 DN đầu mối vừa được Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, cũng có Xuyên Việt Oil, Dầu khí Nam Sông Hậu, Tín Nghĩa.

Thương nhân phân phối trên cũng tiết lộ: “Có nhiều tàu dầu đã làm thủ tục xong, xuất bến từ nước ngoài, về VN nhưng neo đậu tại phao số 0 bên ngoài hải phận, chờ giá lên mới vào địa phận VN neo đậu để làm thủ tục nhập khẩu. Khi giá trong nước áp thấp quá, DN nhập khẩu cho dù có hàng vào cũng neo ngoài hải phận, “không dại gì” đưa hàng vào để bị quy tội găm hàng không bán. Thế nên, mới có chuyện cơ quan quản lý đi đo bồn không thấy găm hàng, nhưng sau nửa ngày điều chỉnh giá bán, hàng ồ ạt về đủ. Như vậy, nguồn cung không thiếu là đúng rồi. Cái chúng ta thiếu là cơ chế về giá, cách quản lý, định giá, tính toán có vấn đề”.

 

Nên trao quyền tính giá cho các bên kinh doanh

Trong cuộc họp với liên Bộ Công thương – Tài chính mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương trong tính giá cơ sở phải tính đúng, tính đủ để đảm bảo lợi ích hài hòa cho DN, tránh tình trạng DN phản ánh kinh doanh xăng dầu không có lãi trong thời gian qua.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng: Câu chuyện xăng dầu đi quá xa xuất phát từ việc thiếu tính chủ động trong điều hành. Một chi phí kinh doanh bất hợp lý được đề xuất phải chỉnh sửa nhưng năm lần bảy lượt vẫn chưa chỉnh. Vấn đề xăng dầu đã được các lãnh đạo cấp cao từ Chủ tịch nước, Thủ tướng có ý kiến và yêu cầu các cơ quan quản lý rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để chỉnh sửa phù hợp tình hình và làm sớm, bất luận thế nào, cũng không thể để thị trường rối loạn nữa. Cần xem đó là những chỉ đạo “nóng” và có trách nhiệm tuân thủ. Việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra các DN đầu mối để nắm vấn đề, để tìm hướng giải quyết là cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế về quản lý giá xăng dầu cần thay đổi càng sớm càng tốt.

Bên cạnh tính giá phải tính đủ và “nhớ đến” khu vực bán lẻ – khâu cuối cùng trong chuỗi phân phối rất quan trọng. Nên trao quyền chủ động đề xuất giá cho các bên kinh doanh, nhà nước chỉ kiểm tra giám sát khâu tính giá hợp lý không. Nên giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu, nghiên cứu để cửa hàng bán lẻ mua thẳng trực tiếp từ nhà máy, từ nhà nhập khẩu có được không? Quy định cửa hàng bán lẻ chỉ mua từ đầu mối, thương nhân phân phối đã đăng ký, không mua ngoài cũng nên xem xét lại. Nếu được chọn lựa, cửa hàng bán lẻ có thể mua hàng nhiều nguồn, chủ động hơn.

Theo dõi rất sát thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay, một chuyên gia kinh tế nhận định nếu tiếp tục duy trì việc cơ quan quản lý nhà nước quyết định giá bán cho DN xăng dầu như hiện nay thì khi thị trường biến động liên tục, không phản ứng kịp sẽ dẫn tới rối loạn. Mặt hàng xăng dầu lại phụ thuộc giá dầu thô và lúc lên lúc xuống, nhiều thời điểm với biên độ rất lớn. Trong khi đó, nhà nước lại quản lý giá bằng cách xác định giá cơ sở dựa vào giá thị trường thế giới khiến các DN bị động. Nhiều thời điểm chi phí đầu vào đã tăng rất cao nhưng trong nước DN vẫn phải bán giá thấp và ngược lại.

“Tại sao người bán phở không nhất thiết phải điều chỉnh giá bán theo biến động giá đầu vào hằng ngày? Đó là vì họ xác định lợi nhuận thu được trong một khoảng thời gian. Khi thấy lợi nhuận không thể đảm bảo thì họ mới điều chỉnh. Thị trường chẳng ai bảo ai nhưng hầu như đến lúc cần thiết là điều chỉnh. Xăng dầu thì không chỉ có xu hướng tăng và giá dầu thế giới được người dân cập nhật hằng ngày. Chẳng sợ DN có thể “bịt mắt” người tiêu dùng để kiếm lợi. Thế nên, hãy để DN tự quyết định giá và tự chịu trách nhiệm”, vị này nói và nhấn mạnh: Xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, liên quan an ninh năng lượng quốc gia, nên vẫn cần nhà nước quản lý về mặt kỹ thuật một cách tổng quan, thay vì can thiệp chi tiết vào giá bán như hiện nay.

Cụ thể, việc mua vào xăng dầu của DN mỗi năm khối lượng bao nhiêu, vốn bao nhiêu hoàn toàn xác định được. Định mức chi phí cộng lãi bao nhiêu, chỉ việc ấn định cho DN. Định mức chi phí cộng lãi này là giá trị tuyệt đối tính cho một lít, như vậy sẽ không phụ thuộc giá biến động đầu vào. Định kỳ, nhà nước điều chỉnh định mức này phụ thuộc chi phí tiền lương tăng, bảo hiểm tăng, vận chuyển tăng. Định mức này để tính giá cũng chỉ như các khoản thuế ấn định cộng vào giá bán. Như vậy, khi đầu vào xác định, các chi phí trung gian cộng lãi đã xác định thì đầu ra đương nhiên xác định được. Còn lại, để DN chủ động xác định giá bán và thời điểm áp dụng. Cuối năm, các cơ quan quản lý chỉ việc kiểm tra tổng giá trị tăng thêm. DN nào vượt quá thì phải điều chỉnh vào kỳ sau hoặc nộp ngân sách phần chênh lệch.

Để ổn định thị trường thì các loại thuế nếu được cũng nên ấn định mức tuyệt đối, không nên tính theo phần trăm (ít nhất là có thể áp dụng cho thuế tiêu thụ đặc biệt). Thực tế, thuế thường tác động lớn hơn rất nhiều đến giá đầu ra khi giá đầu vào tăng mạnh, không phải các chi phí định mức và lãi của DN.

NGUYÊN NGA – HÀ MAI

TNO