22/01/2025

Xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu

Xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu

Theo các chuyên gia, giải pháp bắt buộc về lâu dài là phải xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu cũng như tạo ra một thị trường cạnh tranh thật sự cho mặt hàng này.

 

 

Các đầu mối lớn vào cuộc

Thông tin tại buổi họp báo tổng kết 3 quý đầu năm của Bộ Công thương, lãnh đạo Bộ Công thương thừa nhận trách nhiệm của ngành trước tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại khu vực phía nam và cho biết thị trường có thể “rất căng thẳng” từ nay đến cuối năm. Mặc dù doanh nghiệp (DN) trong nước đã đảm bảo được 75 – 80% nguồn cung xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, 20 – 25% còn lại là nhập khẩu, nhưng theo lãnh đạo Bộ Công thương, nguồn cung xăng dầu ở nước ngoài cũng rất khó khăn do VN nhập khẩu ít, không thường xuyên, nên không thuộc đối tượng ưu tiên như những “ông lớn” nhập khẩu nguyên lô dầu lớn của châu Âu.

Xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu - ảnh 1
Nhà nước muốn quản lý tốt phải có kho dự trữ xăng dầu (Trong ảnh: Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, TP.HCM)  NGỌC DƯƠNG

Bộ Công thương cho biết đã chuẩn bị và triển khai loạt giải pháp như tính đủ, tính đúng các chi phí theo quy định hiện hành nhằm khuyến khích DN tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường. Đặc biệt, chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ… “Nguồn cung xăng dầu của các DN vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước”, đại diện Bộ Công thương khẳng định. Trước đó, dẫn số liệu báo cáo từ các DN đầu mối, Bộ Công thương đã cập nhật lượng tồn kho của một số DN đầu mối và khẳng định sẽ duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn cho hệ thống cửa hàng của các DN.

Cụ thể, Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) tồn kho đến ngày 8.10 là khoảng 489.000 m3, Tổng công ty dầu VN (PVOil) còn khoảng 230.000 m3, Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3, Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) còn khoảng 11.000 m3, Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex Đồng Tháp) còn 45.000 m3, Tổng công ty thương mại XNK Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3

Xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu - ảnh 2
Nhà nước muốn quản lý tốt phải có kho dự trữ xăng dầu (Trong ảnh: Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, TP.HCM)  NGỌC DƯƠNG

Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Đào Văn Hùng, Phó giám đốc Petrolimex Saigon, cũng cho biết công ty đang nắm 40% sản lượng tiêu thụ tại TP.HCM, hiện trong kho còn nguồn hàng dự trữ cho 10 ngày tới có hơn 300.000 m3, đến hết tuần này sẽ có thêm 4 đợt hàng nhập về, ngày 13 và 14.10 mỗi ngày tàu nhập về 40.000 m3, ngày 15 và 16.10 mỗi ngày về thêm 10.000 m3, tổng cộng có 100.000 m3 bảo đảm được nguồn cung đủ cho hết tháng 10 và cam kết đủ nguồn cung.

 

Nguồn cung khó căng thẳng

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì lại không quá bi quan về nguồn xăng dầu nhập khẩu. Bởi năm tới được dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới sẽ giảm. Vì thế, không những nguồn nhập khẩu xăng dầu không khan hiếm mà thậm chí còn dư thừa. Chưa kể VN có cả xăng nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước.

“Như vậy lo lắng thị trường trong nước căng thẳng thì cần chỉ rõ “căng thẳng” nguồn nào, vì sao “căng thẳng”?”, ông Ánh nói và đánh giá tình hình xăng dầu trong nước thời gian qua khá lộn xộn, nguyên nhân chính do những sai lầm về điều hành. Ví dụ quy định các cửa hàng bán lẻ chỉ mua đúng một tổng đại lý, thương nhân phân phối đã đăng ký, vô hình trung chính sách dung túng cho một thị trường xăng dầu có sự độc quyền, có sự thống lĩnh thị trường của một số đầu mối. “Ai dám chắc các “ông” phân phối, tổng đại lý không bắt tay nhau làm giá, hạ chiết khấu bán hàng?”, ông Ánh nói và cho rằng cũng bởi cơ chế phân phối, bán lẻ như vậy nên các nhà bán lẻ bị động hoàn toàn khi phía đầu mối cung cấp bị đứt hàng, cho dù là đứt hàng cục bộ. Họ cũng là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ bị thiệt thòi khi bị cắt thù lao bán hàng nhưng không thể bỏ nhà phân phối tổng đó để đi mua hàng ở một nhà phân phối khác. Sự phụ thuộc này gần như một dạng quan hệ “mẹ – con” giữa các DN đầu mối và các cây xăng bán lẻ khiến cho thị trường không có sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ với nhau. Thế nên, phần chiết khấu cao hay thấp cũng không có tác dụng, hay thậm chí sẽ bị méo mó đi khi mà chúng ta không có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Dẫn chứng mới nhất là ngay trong ngày 13.10, các chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại một số tỉnh phía nam phản ánh đến Báo Thanh Niên là hàng cung ứng nhỏ giọt, điều chỉnh giá rồi nhưng chiết khấu vẫn còn 0 – 250 đồng/lít xăng, 300 đồng/lít dầu khiến DN “đóng cửa cho nhân viên đi chơi, không mua bán gì nữa”.

Chuyên gia xăng dầu Ngô Trí Long đồng tình khi nhận định nguồn cung xăng dầu khó căng thẳng nếu liên bộ đã chẩn được bệnh thị trường và đồng lòng “chữa dứt bệnh”. Ông nói đến nay chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng, premium (có thể hiểu là phần thưởng, ưu đãi… mà trong kinh doanh xăng dầu, đó là phần trả lãi cho người bán – NV) đã được tính toán tăng trong giá cơ sở. Thế nhưng, DN đầu mối trong thực tế còn nhiều khó khăn. Lý do, trong quý 2, giá thế giới tăng mạnh, Bộ Công thương lo ngại thiếu cung, tăng chỉ tiêu nhập khẩu cho một loạt DN đầu mối. Sang quý 3, giá giảm mạnh, DN lại không còn tài chính để nhập khẩu nữa nên đã giảm nhập hoặc không nhập, dẫn đến thị trường khan hàng. “Nhập khi giá cao, lại bán ra khi giá thấp, DN phải gặp khó khăn là đúng rồi. Thế nên, trong ngắn hạn, phải có chính sách hỗ trợ về tài chính cho DN nhập khẩu vay. Chưa kể một số DN bị siết tín dụng, không có tài chính để nhập đủ hàng cho hệ thống phân phối sẽ khiến thị trường căng thẳng”, ông Long lưu ý.

 

Tăng dự trữ, giảm đứt gãy nguồn cung

“Vấn đề quan trọng nhất là phải thiết lập chuỗi bán lẻ xăng dầu bình đẳng, các cửa hàng bán lẻ là khâu phân phối cuối cùng trước khi đưa xăng dầu đến người tiêu dùng, có thể chọn mua hàng từ nhiều đầu mối. Đặc biệt, quy định bắt buộc ký kết với nhà phân phối nào chỉ “chung thủy” với nhà phân phối đó nên được điều chỉnh bỏ. DN là đại lý bán lẻ có thể lấy nguồn hàng từ nhiều đầu mối khác nhau. Quy định này bình thường không thấy tính ưu việt của nó, nhưng khi hàng bị đứt gãy hay vì một lý do nào đó từ đầu mối, nhà phân phối… sẽ giải quyết được tình trạng khan hàng, đứt gãy cục bộ… Đây là gốc rễ căn cơ cần nhanh chóng khắc phục để ổn định thị trường xăng dầu trong nước”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Về lâu dài, chuyên gia này đề xuất đã đến lúc VN cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia. Đây không chỉ là một công cụ can thiệp của cung – cầu, can thiệp về giá cực kỳ quan trọng mà còn góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Như hiện tại, số liệu dự trữ của các DN đầu mối chỉ mới giải quyết nguồn cung trong tháng 10, việc bảo đảm nguồn cung cũng trong tháng 10. Giả sử có biến động trên thị trường thế giới, lo lắng nguồn cung sẽ tiếp tục căng thẳng từ nay đến cuối năm của Bộ là hoàn toàn có cơ sở. Thế nên cần có dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia xăng dầu để giải quyết vấn đề này.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhấn mạnh nhà nước phải đảm nhiệm dự trữ quốc gia bằng hiện vật. Hiện tại, tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu nên quy thành hiện vật, dùng mua xăng dầu khi giá thấp, đưa vào kho dự trữ, khi thị trường thế giới tăng giá, có thể mở kho để bình ổn. Đó là cách các nước đang làm, chúng ta cứ thu tiền bình ổn giá xăng dầu của người dân mang đi gửi ngân hàng là chưa tận dụng hết lợi thế của nó. Dự trữ xăng dầu của VN không thể chỉ đủ dùng trong 5 – 6 ngày như hiện nay mà phải đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong 3 tháng. Nhà nước muốn quản lý tốt phải có kho dự trữ. Như vậy mới giải quyết được vấn đề lâu dài.

 

Không có dấu hiệu “găm” xăng tại TP.HCM

Tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội TP.HCM chiều 13.10, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực II – Petrolimex Sài Gòn, cho hay những ngày qua, thị trường xăng dầu tại TP.HCM có nhiều vấn đề, thiếu cục bộ.

Cụ thể, khi một số cửa hàng dừng bán hoặc bán “nhỏ giọt”, lượng người dân đổ dồn về Petrolimex rất lớn. Nhu cầu đổ xăng tại các cửa hàng thuộc Petrolimex tăng bình quân 135% so với thường ngày; có ngày đỉnh điểm, tăng tới 240%. Tuy vậy, Petrolimex vẫn đáp ứng được nguồn cung, cam kết không có bất kỳ cửa hàng xăng dầu nào đóng cửa và người dân đổ bao nhiêu cũng được.

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết qua kiểm tra tất cả 550 cửa hàng xăng dầu hoạt động trên địa bàn, không thấy có dấu hiệu găm hàng.

Ông Phương nói đa số cây xăng hết hàng là của tư nhân bán lẻ, nhất là ở vùng ven. Theo đó, họ thường nhận hàng của các nhà phân phối, không có kho dự trữ… nên khi hết hàng phải chờ nhà cung cấp. Tình trạng này không xảy ra với các DN kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn, tiềm lực. Tính đến chiều cùng ngày (13.10), số lượng các cửa hàng gián đoạn cung ứng xăng dầu đã giảm còn một nửa so với ngày 12.10. Đồng thời, lượng người đổ xăng giảm, không còn tình trạng xếp hàng.

Phạm Thu Ngân

 

NGUYÊN NGA – HÀ MAI

TNO