Thập niên quyết định quan hệ Mỹ – Trung
Thập niên quyết định quan hệ Mỹ – Trung
Trong Chiến lược An ninh quốc gia mới tuyên bố, Mỹ xem Trung Quốc là ‘thách thức địa chính trị quan trọng nhất của Mỹ’, trong đó cạnh tranh kinh tế là quan trọng nhất.
Chiến lược An ninh quốc gia được Nhà Trắng công bố ngày 12-10 là văn bản chiến lược an ninh chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau 21 tháng nắm quyền. Tài liệu vạch ra những ưu tiên của Mỹ hiện nay trong việc tái xây dựng quan hệ với đồng minh và cạnh tranh với Nga, Trung Quốc trong thập niên tới.
“Thập niên quyết định”
Bất chấp nguy cơ xung đột quân sự với Nga, truyền thông quốc tế đa phần tập trung vào cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc. Trong văn bản trên, Tổng thống Biden nhấn mạnh ý định và năng lực của Bắc Kinh trong việc tái định hình trật tự thế giới.
“Nga tạo ra mối đe dọa tức thời” nhưng “Trung Quốc, ngược lại, là đối thủ duy nhất có ý định tái định hình trật tự thế giới và ngày càng có sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự lẫn công nghệ để đạt được mục tiêu ấy”, tài liệu viết.
Tờ Financial Times lưu ý việc Mỹ đang tập trung vào Trung Quốc diễn ra trong thời điểm quan hệ Mỹ – Trung được đánh giá tệ nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Washington không ít lần bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân sự song song với các động thái ngày càng quyết đoán liên quan tới chủ quyền, lãnh thổ.
Trong vài tháng qua, việc Trung Quốc phản ứng gay gắt trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là chuỗi sự kiện điển hình cho nguy cơ xung đột tiềm tàng này.
Giới quan sát cũng rất chú ý tới mặt trận kinh tế. Nếu Mỹ muốn giải quyết thách thức bằng cách tăng cường vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, họ cần sức mạnh kinh tế vượt trội Trung Quốc để làm điều ấy.
Tài liệu chiến lược an ninh mới cũng công khai khẳng định Mỹ phải giành chiến thắng trong cuộc chạy đua kinh tế với Trung Quốc nếu muốn giữ được ảnh hưởng toàn cầu.
Cách Tổng thống Biden nhắc tới “thập niên quyết định” với quan hệ Mỹ – Trung cũng phản ánh những động thái cấp tập của Mỹ về vấn đề này trong thời gian qua. Giới chức Mỹ đã thực hiện hàng loạt chuyến đi, đàm phán với các đồng minh và đối tác trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu.
Tuần trước, chính quyền ông Biden chính thức tung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, qua đó hạn chế khả năng công nghệ của Trung Quốc. Cụ thể, các công ty ở Mỹ sẽ cần một loại giấy phép đặc biệt mới được bán chip máy tính và thiết bị sản xuất chip tới Trung Quốc.
Mỹ sẽ “chơi tất tay”
Việc nhấn mạnh cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc được giới quan sát xem như sự thay đổi đáng chú ý nhất trong chiến lược an ninh của Mỹ hiện nay. Không phải tới lúc này Mỹ mới có những động thái nhắm vào Trung Quốc, nhưng Washington nhiều năm gần đây bị nhận xét khá loay hoay với những mục tiêu thực sự của họ.
Trong bài bình luận đăng ngày 12-10, tờ Foreign Policy đánh giá điểm mấu chốt chính nằm ở các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm bóp nghẹt khả năng sản xuất bán dẫn của Trung Quốc. Đây là loạt biện pháp do Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) công bố.
Là một cơ quan ít người để ý trong Bộ Thương mại Mỹ nhưng các quy định mới của BIS đặc biệt thu hút giới quan sát, vì đây được xem như động tác tấn công vào năng lực công nghệ của Trung Quốc ở mức độ rộng lớn và cơ bản nhất.
Theo Foreign Policy, Mỹ đã ra một quyết định đơn phương, ít tham vấn với các công ty và đối tác. Đây là biểu hiện của một màn “chơi tất tay” của Mỹ thời gian tới, hay “thập niên quyết định” mà ông Biden lưu ý.
Nói cách khác, tờ tạp chí chính trị quốc tế hàng đầu của Mỹ cho rằng những chính trị gia tiếp cận vấn đề theo hướng “cuộc chơi chỉ có được và mất” đã chiến thắng trong màn tranh luận chiến lược bên trong chính quyền Tổng thống Biden.
Ngành chip Trung Quốc gặp khó
Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc (CSIA) cho biết họ “thất vọng” với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ gần đây, đồng thời cảnh báo các biện pháp trên sẽ tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu các biện pháp của Mỹ được thực thi rộng khắp, chúng sẽ ngăn các trung tâm dữ liệu thương mại cũng như trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc tiếp cận những loại chip tiên tiến, qua đó cũng khiến các nhà máy sản xuất chip Trung Quốc khó mua thiết bị sản xuất quan trọng.
“Các biện pháp đơn phương này không chỉ gây hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn, mà quan trọng hơn, còn tạo ra bầu không khí bất ổn và tác động tiêu cực lên niềm tin, thiện chí và tinh thần hợp tác vốn được các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn vun đắp nhiều thập niên qua”, CSIA tuyên bố vào ngày 13-10.