23/01/2025

Siết chặt quản lý để ngăn “độn hàng, đổi mã vùng trồng sầu riêng”

Siết chặt quản lý để ngăn “độn hàng, đổi mã vùng trồng sầu riêng”

Ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã có cuộc làm việc, chấn chỉnh việc quản lý sau bài báo “Nông dân nhờ huyện đòi lại mã vùng trồng sầu riêng” (Tuổi Trẻ 9-10) và khẳng định đã có nhiều giải pháp cho các năm tới…

Siết chặt quản lý để ngăn độn hàng, đổi mã vùng trồng sầu riêng - Ảnh 1.

Nông dân lo lắng vì nhiều mã vùng trồng sầu riêng được doanh nghiệp có mã cơ sở đóng gói quản lý, sử dụng Ảnh: TÂM AN

Liên quan vụ nông dân lo mất mã vùng trồng, ngày 13-10, trở lại thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, Krông Pắk (Đắk Lắk), người trồng sầu riêng tại đây cho biết đã yên tâm phần nào sau giải thích của cơ quan chuyên môn và lãnh đạo địa phương.

 

Có thiếu sót trong phổ biến thông tin mã vùng trồng

Ông Bùi Đình Lục, tổ trưởng tổ VietGAP xã Ea Kênh, cho biết lãnh đạo địa phương đã mời Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đại diện Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm để làm việc với người dân liên quan đến việc mã vùng trồng sầu riêng VN-ĐLOR 0072 (thôn Tân Bắc, Ea Kênh).

Quá trình làm việc, lãnh đạo địa phương cho biết có sai sót trong việc tuyên truyền phổ biến của địa phương cũng như tính liên kết chưa có giữa doanh nghiệp và người dân trong vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đầu tiên.

“Chúng tôi chỉ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp danh sách nông hộ trong thôn thuộc mã VN-ĐLOR 0072 tương ứng với bao nhiêu diện tích, sản lượng để theo dõi. Qua đó, từ niên vụ sau, doanh nghiệp và người dân có hợp đồng, cam kết để cùng nhau xây dựng mã vùng trồng phát triển hơn. Với những nông hộ chưa thuộc mã vùng trồng này, chúng tôi tiếp tục phấn đấu xây dựng để mở rộng, phát triển”, ông Lục nói.

Trả lời về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nhìn nhận có sai sót, hiểu nhầm từ nhiều phía. Đối với việc mã VN-ĐLOR 0072 thuộc sở hữu của Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm, bà Trinh nói là do doanh nghiệp chủ động xây dựng từ năm 2019-2020.

Tuy nhiên niên vụ 2022, khi được ký nghị định thư thì quá nhiều việc phải làm, doanh nghiệp chưa thông báo kịp với dân, cơ quan quản lý cũng có thiếu sót. “Doanh nghiệp khi xây dựng được mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói rồi, họ cũng không dại làm ăn gian dối để đối tác quay lưng”, bà Trinh quả quyết.

 

Gắn chuyển đổi số vào quản lý mã vùng trồng

Siết chặt quản lý để ngăn độn hàng, đổi mã vùng trồng sầu riêng - Ảnh 2.

Quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi đóng gói rất gắt gao – Ảnh: HOÀNG GIA

Nói thêm về mã vùng trồng do doanh nghiệp quản lý, sử dụng dễ dẫn đến tình trạng “vừa đánh trống, vừa thổi kèn”, bà Trinh nói đã làm việc, nhận được sự chấp thuận của các bên. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm thông tin về danh sách nông hộ thuộc mã vùng trồng nêu trên. Từ năm 2023, doanh nghiệp và các hộ dân có tên trong mã vùng trồng sẽ ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ sầu riêng.

“Để xây dựng mã vùng trồng thì tối thiểu phải đủ diện tích 10ha với nhiều điều kiện về kỹ thuật từ chăm sóc đến đóng gói xuất khẩu. Việc xây dựng mã vùng trồng là hết sức khó khăn nên chúng tôi khuyên người dân không nên tách ra làm lại mã. Cái cần hiện nay là mỗi bên phải quản lý tốt mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để quảng bá thương hiệu sầu riêng tốt hơn”, bà Trinh nhận định.

Nói thêm về việc này, ông Lê Văn Thành, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, cho rằng việc quản lý mã vùng trồng còn quá mới so với cả những nhà quản lý nên những khúc mắc thời gian vừa qua là điều dễ hiểu.

Theo ông, quá trình lập hồ sơ thủ tục cấp mã vùng trồng kéo dài đến 4 năm và khi có công hàng xuất khẩu đầu tiên (vào ngày 17-9-2022 – PV), còn quá nhiều bất cập, cần tháo gỡ dần. Cũng theo ông Thành, mã vùng trồng do doanh nghiệp, hợp tác xã hay đại diện nông hộ sở hữu đều không quan trọng bằng việc quản lý nó hiệu quả và đích đến là lợi ích cho người dân, địa phương.

“Hải quan Trung Quốc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến đóng gói. Chỉ cần một sự gian lận thì cả mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói sẽ bị xóa, thiệt hại là rất lớn. Vậy nên nông dân, doanh nghiệp có mã đóng gói, doanh nghiệp được xuất khẩu, địa phương phải gắn kết chặt chẽ, làm ăn minh bạch mới tạo ra sự bền vững”, ông Thành nói.

Để bảo vệ mã vùng trồng, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết đã yêu cầu công an làm rõ thông tin, ngăn chặn tình trạng mua bán, cho thuê, gian lận mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.

Đến nay trên địa bàn huyện chưa phát hiện tình trạng độn hàng, đổi mã. Tới đây, địa phương sẽ gắn chuyển đổi số vào công tác quản lý mã vùng trồng. “Chúng tôi sẽ tạo các app quản lý để người dân có thể quản lý mã như tài sản riêng của mình, tránh việc tráo, đổi mã để thu lợi bất chính”, bà Trinh khẳng định.

 

Sẽ quản lý sản lượng đến từng nông hộ

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lê Văn Thành nói thêm nếu năm 2023 chưa kịp quản lý trên app thì sẽ tạo phiếu xuất hàng đến từng nông hộ. Theo đó khoảng tháng 4-2023, mỗi mã vùng trồng sẽ đăng ký sản lượng dự kiến (sẽ đánh giá, chốt sản lượng vào cuối vụ – PV).

“Mỗi khi thu hoạch, xuất bán thì nông dân xác nhận khối lượng vào phiếu này. Cán bộ chuyên trách của địa phương sẽ nhập liệu, chốt sản lượng từng mã vùng trồng đến thời điểm nào là hết để khóa mã. Việc này cũng giúp nông dân có mã vùng trồng muốn bán cho ai cũng được nhưng việc đổi mã, độn hàng sẽ không thể xảy ra”, ông Thành nói.

TRUNG TÂN
TTO