22/12/2024

Vũ khí hạt nhân làm nóng bán đảo Triều Tiên

Vũ khí hạt nhân làm nóng bán đảo Triều Tiên

Đã xuất hiện những lời kêu gọi tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Hàn Quốc sau khi CHDCND Triều Tiên gần đây tiến hành nhiều cuộc diễn tập hạt nhân liên tiếp.

 

 

 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm qua khẳng định CHDCND Triều Tiên tục phát triển vũ khí hạt nhân và “đe dọa không chỉ Hàn Quốc mà còn thế giới”, nhưng “sẽ không thu được gì” từ vũ khí này, theo Hãng tin Yonhap.

Tổng thống Yoon đưa ra tuyên bố này một ngày sau khi KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật trong hai tuần qua nhằm phản ứng cuộc tập trận chung gần đây giữa Mỹ và Hàn Quốc. KCNA còn cho hay hàng loạt cuộc phóng tên lửa vừa qua là một phần của những cuộc diễn tập đó, được thiết kế nhằm mô phỏng tấn công Hàn Quốc bằng nhiều đầu đạn hạt nhân giả.

Vũ khí hạt nhân làm nóng bán đảo Triều Tiên - ảnh 1
Chiến đấu cơ Triều Tiên tham gia một cuộc diễn tập, ảnh do KCNA đăng ngày 10.10  REUTERS

“Ngày càng nghiêm trọng”

Trước những diễn biến trên, Tổng thống Yoon nói rằng khi mối đe dọa hạt nhân đang “ngày càng nghiêm trọng”, Hàn Quốc sẽ sẵn sàng đáp trả dựa trên mối quan hệ đồng minh vững chắc với Mỹ và hợp tác an ninh 3 bên với Mỹ và Nhật Bản. Mặt khác, Tổng thống Yoon khẳng định chính sách của chính quyền ông về Triều Tiên vẫn có hiệu quả trong việc thúc đẩy Bình Nhưỡng hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Trong khi đó, tình trạng Triều Tiên gia tăng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã gây ra sự phẫn nộ ở Seoul, khiến một số học giả và chính trị gia kêu gọi tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Hàn Quốc, theo Reuters. Mỹ đã đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Hàn Quốc vào cuối thập niên 1950 nhưng đã rút loại vũ khí này vào đầu thập niên 1990 sau một thỏa thuận giải trừ quân bị với Liên Xô và trong bối cảnh Seoul lúc bấy giờ nỗ lực thúc đẩy hòa giải với Bình Nhưỡng. Khi được yêu cầu giải quyết các lời kêu gọi tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Hàn Quốc, Tổng thống Yoon từ chối bình luận công khai nhưng cho biết ông đang lắng nghe ý kiến ở cả Hàn Quốc lẫn Mỹ.

Vũ khí hạt nhân làm nóng bán đảo Triều Tiên - ảnh 2
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát một cuộc phóng tên lửa, ảnh do KCNA đăng ngày 9.10  REUTERS

Dấu hiệu Triều Tiên sớm thử hạt nhân ?

Ngoài ra, việc Triều Tiên gần đây phóng tên lửa dồn dập đã làm dấy lên suy đoán nước này có thể sớm thử một thiết bị hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017. Triều Tiên được cho là đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm mới trong các đường hầm dưới lòng đất tại bãi thử Punggye-ri, theo Reuters. Giới phân tích cho rằng nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, việc đó có thể bao gồm phát triển các đầu đạn nhỏ hơn và được thiết kế cho phù hợp với tên lửa tầm ngắn như loại được thử nghiệm cuối tuần trước. Các vụ thử tên lửa gần đây nhất liên quan các đơn vị vận hành vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo Reuters dẫn lại thông tin từ truyền thông Triều Tiên.

Giới phân tích còn cho rằng những thiết bị nhỏ hơn cũng có thể cho phép Triều Tiên lắp nhiều đầu đạn trên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), giúp loại tên lửa này tấn công nhiều mục tiêu và gây rắc rối cho hệ thống phòng thủ của đối phương. Triều Tiên cũng đã tuyên bố muốn triển khai vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều, nên các nhà phân tích cho rằng nhiều hoạt động liên quan có thể đang được thực hiện. Chuyên gia về Triều Tiên Vann Van Diepen, từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng có thể sử dụng một vụ thử hạt nhân để gia tăng sức ép lên Washington, trong lúc Mỹ đang bận rộn với cuộc xung đột ở Ukraine và những cuộc khủng hoảng khác.

VĂN KHOA

TNO