23/01/2025

SCB bảo đảm chi trả, khách đến rút tiền giảm hẳn

SCB bảo đảm chi trả, khách đến rút tiền giảm hẳn

Lượng khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chiều ngày 10.10 đã giảm so với buổi sáng. Đáng nói, sau khi tiếp nhận thông tin từ Ngân hàng Nhà nước đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, nhiều khách hàng thay vì đến rút tiền thì mở lại sổ mới, hưởng lãi suất cao hơn.

 

 

Nhiều người gửi lại tiền

Trao đổi với chúng tôi tại phòng giao dịch Ngân hàng (NH) SCB trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, ông H.Đ (ngụ Q.8, TP.HCM) cho biết ông là công nhân công ty may. Sáng ngày 10.10, khi đi làm thì nghe đồng nghiệp trong công ty kể chuyện, ông xin nghỉ buổi chiều để ra làm thủ tục rút các sổ tiết kiệm đang gửi tại SCB.

SCB bảo đảm chi trả, khách đến rút tiền giảm hẳn - ảnh 1
SCB chi trả tiền cho người dân trong ngày 10.10  T.XUÂN

Ông H.Đ cho biết tổng số tiền gửi tại đây hơn 800 triệu đồng, trong đó có 2 sổ đến hạn với số tiền hơn 120 triệu đồng. “Tôi làm công nhân tiền thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Nhờ được anh em thương nên hay cho tiền, thêm vào đó cứ mỗi lần công ty thưởng thì đi gửi tiết kiệm hết. Toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 800 triệu đồng là mồ hôi nước mắt dành dụm mấy chục năm nay. Chỉ mong dành đủ sẽ tìm mua một căn nhà nhỏ để ở. Chính vì vậy mà khi nghe tin NH có sự cố gì đó, tôi lo lắm. Tài sản cả đời dành dụm đều nằm hết đây, có bề gì thì tôi chết”.

Thế nhưng sau khi đến NH, nắm được thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, cộng thêm lãi suất SCB tăng lên cao “Tôi quyết định gửi lại số tiền này kỳ hạn 12 tháng để lãnh lãi 8,5%/năm”, ông H.Đ nói. Tương tự, một số phụ nữ tầm 50 – 60 tuổi khi bước vào NH thấy đông người cũng tỏ ra lo lắng. Nhưng trong quá trình chờ đợi, họ tiếp cận được những thông tin chính thống, bảo đảm từ cơ quan chức năng nên đều ra về.

Nhiều khách hàng khác cũng tỏ ra khá bình tĩnh và yêu cầu nhân viên SCB mở lại sổ mới, chỉ rút lãi ra. Là khách hàng mấy năm nay tại SCB, chị Đỗ Ngọc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết khi mới nghe tin mọi người đi rút tiền, chị cũng run. Nhưng nghĩ lại cả mấy chục năm qua, “một số vụ việc bắt bớ chỗ này hay chỗ kia, người dân đi rút tiền … rồi đâu cũng vào đấy, mọi việc không sao cả”. “Cũng biết NH huy động tiền của dân rồi mang cho vay, sinh lời, trả lãi lại cho người dân. Nhiều người cùng đi rút tiền một lúc thì cũng phải từ từ chứ đâu sẵn tiền. Rút một lúc thì khổ thân họ (tức NH – PV) quá. Để cho họ thở đã. Bình tĩnh lại nên đến ngày đáo hạn sổ tiết kiệm, tôi quyết định gửi lại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 7,9%/năm. Lãi lại cao nên cũng vui”, chị Ngọc cho hay. Chính vì lãi suất vừa điều chỉnh tăng lên nên những người bạn của chị Ngọc vừa gửi tiền từ tuần trước đã thực hiện rút tiền ra và gửi lại để được mức lãi cao hơn 1%/năm.

 

Khách hàng bình tĩnh, tránh mất lãi

Lo lắng suốt từ sáng thứ bảy vừa rồi sau khi thấy nhiều người ra rút tiền tại SCB, chị N.Vân (Q.7, TP.HCM) sáng hôm qua cho biết đã an tâm hơn. Chị kể: Ngay sáng thứ bảy, chị định chạy ra chi nhánh SCB xếp hàng để rút tiền. Tuy nhiên, khi đó chồng chị đang đi công tác xa đã gọi về và ngăn chị vì cho rằng không cần vội vàng. “Anh ấy nói rằng giờ tôi có ra xếp hàng nhưng nếu quá đông có khi chưa đến lượt. Cứ chờ qua tuần bớt đông rồi tính. Thế nhưng, mình vẫn hồi hộp và có đi tư vấn một số bạn bè làm trong lĩnh vực tài chính. Nhiều người cũng bảo từ xưa giờ trong nước không có chuyện để NH phá sản nên không gấp gì. Đến chủ nhật thì NH không làm việc lại càng nhấp nhổm. Sáng hôm qua khi thấy Thống đốc NHNN lên tiếng đảm bảo quyền lợi của người dân gửi tiền ở các NH thì mình yên tâm hơn nên vẫn để nguyên sổ tiết kiệm tại SCB chờ đến kỳ đáo hạn”, chị N.Vân nói.

Lượng khách hàng đến SCB giao dịch đã giảm hẳn trong ngày 10.10. Các hoạt động chi trả tiền cho khách hàng vẫn diễn ra ổn định. Sáng sớm qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định: “Ở VN từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại NH, trong đó có SCB thì đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Tôi cho rằng những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình”.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Theo dõi đến chiều ngày 10.10, lượng khách hàng đến giao dịch tại SCB đã giảm đi nhiều so với buổi sáng. Mọi người bình tĩnh sau khi tiếp nhận thông tin. Hiện SCB vẫn chi trả tiền cho người dân bình thường. Người dân cần bình tĩnh tránh rút trước hạn mà ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Người gửi tiền rút trước hạn sẽ chỉ nhận lãi từ 0,1 – 0,2%/năm, mất toàn bộ lãi thời gian đã gửi, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính bản thân mình”.

Hôm qua 10.10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin vừa rồi có một số doanh nghiệp chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành. Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì Bộ đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG

TNO