19/11/2024

Rối thị trường xăng dầu

Rối thị trường xăng dầu

Số cửa hàng tại TP.HCM “khát” xăng dầu tăng lên 121 cho dù đã được bổ sung thêm 80 xe bồn trong đêm hôm trước. Nhiều người mang can, chai nhựa đi chứa hàng bất chấp rủi ro cháy nổ. Không ít người phải dắt bộ khắp nơi tìm chỗ đổ xăng. Trẻ em lo muộn giờ học vì bố mẹ chờ nửa tiếng mới mua được…

 

 

Đó là thực trạng thị trường bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía nam hôm qua, trước điều chỉnh giá xăng 1 ngày. Có thể nói, thị trường xăng dầu rơi vào tình trạng hỗn loạn do cây xăng hết hàng, nghỉ bán hay chỉ bán định mức… khắp nơi.

 

121 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM hết hàng

Thị trường xăng dầu trở nên hỗn loạn, khan hàng liên tục trong 2 ngày cuối tuần tại phía nam. Tối 9.10, TP.HCM cập nhật có 54 cây xăng hết xăng để bán. Ngay trong đêm, Petrolimex TP.HCM bổ sung 80 xe bồn, tương đương khoảng 1,6 – 2 triệu lít xăng dầu, từ kho về cho hệ thống bán lẻ, song tình trạng khan hàng, chờ đợi mua xăng dầu tại nhiều nơi thậm chí còn trầm trọng hơn. Đến chiều qua 10.10, cập nhật từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM, con số cửa hàng hết xăng tăng lên 121/550 cửa hàng và tình trạng hàng trăm xe lớn nhỏ ùn ứ chờ đổ được xăng vẫn tiếp tục diễn ra. Có nơi, nhân viên bán hàng kéo hàng rào sắt chặn lại và đặt thêm bảng đỏ “Đang nhập hàng, ngưng bán”.

Rối thị trường xăng dầu - ảnh 1
Người dân chờ đổ xăng tại một cửa hàng ở TP.HCM, ngày 10.10  ĐÀO NGỌC THẠCH

Khảo sát của phóng viên Thanh Niên từ 6 giờ sáng đến chiều ngày 10.10 cho thấy, tình trạng thiếu hàng diễn ra trên diện rộng, không còn rải rác tại một vài quận như ngày hôm trước. Tại khu vực Bến xe buýt Chợ Lớn, nơi tập trung nhiều cây xăng lớn, trong 2 ngày cuối tuần, nhiều cây xăng khu vực này hụt hàng, đến sáng nay có bán nhỏ giọt, cũng không đủ hàng để phục vụ nhu cầu người dân. Rất nhiều người không đủ kiên nhẫn đã phải quay xe rời đi. Đặc biệt, trên trục đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), khu vực gần Bến xe miền Tây tình trạng cửa hàng xăng dầu ngưng phục vụ nhiều hơn mấy ngày trước.

Tại khu vực trung tâm, trạm xăng dầu Comeco ở góc đường Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ (Q.10) đến trưa 10.10 tạm ngưng hoạt động. Từ Bến xe Miền Đông, dọc theo Quốc lộ 13 (TP.Thủ Đức) về hướng Quốc lộ 1, tình trạng cây xăng hết hàng ngưng hoạt động cũng xảy ra hàng loạt. Tương tự, các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, ra đến cầu Tham Lương, có đến 4 trạm xăng dầu ngưng hoạt động vào trưa ngày 10.10. Đặc biệt, trạm xăng tại đầu đường Trường Chinh và Xuân Hồng buổi sáng mới hoạt động trở lại thì trưa cũng ngưng bán vì… hết hàng.

Rối thị trường xăng dầu - ảnh 2
Tình trạng chờ đợi tại các cửa hàng xăng dầu khu vực TP.HCM ngày 10.10  NGỌC DƯƠNG

Nguồn cung nhập khẩu giảm mạnh

Xăng dầu hết hàng ngay trước ngày điều chỉnh dự báo giá tăng khiến nghi án găm hàng đợi giá cao được nhiều người đặt ra. Thế nhưng, một số doanh nghiệp (DN) bán lẻ tỏ ra bức xúc: “Có hàng bán đâu mà găm”.

Bộ quản lý cần nhìn nhận đúng vai trò của mình, chứ cách hành xử hiện nay là có vẻ “né tránh” trách nhiệm, cứ đổ cho “gian thương” bán lẻ xăng dầu thì khá bất hợp lý. Việc đo bồn xăng, nghi ngờ găm hàng… thật sự là không cần thiết và chưa đúng thực tế. Hãy nhìn vào thực tế thị trường, quản lý trong nhập khẩu xăng dầu thế nào để mất kiểm soát đến vậy.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Trong công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Công thương ngày 10.10, UBND TP.HCM cho rằng có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì bị thua lỗ thời gian dài. Ngoài ra, có một số lý do khách quan như ảnh hưởng của bão, quá trình vận chuyển xăng dầu có gián đoạn… dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thì cho rằng do chi phí định mức vận chuyển xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về kho các DN nhập khẩu và thương nhân phân phối được quy định từ năm 2014 đến nay đã quá lạc hậu. Từ đó dẫn đến chuyện các nhà bán buôn giảm nhập khẩu hoặc phân phối không đủ nhu cầu bình thường của các đơn vị bán lẻ. Bên cạnh đó, do chi phí định mức không phản ánh đúng thực tế, nên các nhà bán buôn giảm hoa hồng đến với nhà bán lẻ, cụ thể là các cửa hàng xăng dầu. “Bộ Công thương đề xuất tăng chi phí nhiều lần, Bộ Tài chính lại chần chừ lần nọ sang lần kia. Đó là nguyên nhân của các nguyên nhân”, ông Phú nói.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, TS Giang Chấn Tây cho rằng Nghị định 95 quy định giá xăng dầu do liên Bộ Công thương – Tài chính xác định theo nguyên tắc tính bình quân số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở theo giá giao dịch trên thị trường quốc tế. Nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày công bố giá cơ sở nhất. Ông Tây nói: “Cách tính này khá bất hợp lý là vì có nội dung thương nhân đầu mối kinh doanh, sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm “ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng”.

Như vậy, DN mua xăng dầu phải chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Nếu 10 ngày trước đó mua giá cao thì xem như DN lỗ trắng nếu chu kỳ điều hành giá bán kỳ sau giảm. Tương tự, nếu giá thế giới liên tục giảm và các kỳ điều hành giá bán lẻ liên tục giảm thì DN đầu mối liên tục bị lỗ, kéo theo chiết khấu liên tục bị bóp lại đến 0 đồng, thậm chí là âm khi cộng thêm phí vận chuyển”.

Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý là tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung diễn ra trên diện rộng, tại các tỉnh thành ở phía nam, trong khi ở miền Bắc và miền Trung thì không xảy ra. Một chủ DN bán lẻ xăng dầu là đơn vị nhượng quyền từ Petrolimex phân tích: “Cả 2 thị trường miền Bắc và miền Trung chiếm khoảng 50% thị phần, hoàn toàn có lợi thế về khoảng cách địa lý khi nguồn cung khá phong phú từ 2 nhà máy lọc dầu lớn là Nghi Sơn và Dung Quất, nắm 80% thị phần.

Tại miền Nam, đa số nguồn hàng từ nhập khẩu. Trong thực tế, thị trường biến động về giá, DN giảm nhập khẩu rất nhiều, dẫn đến thiếu cung”. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi cập nhật từ Tổng cục Hải quan, trong quý 3, lượng xăng nhập khẩu giảm đến 40%, dầu diesel giảm 35% so với quý 2 và chỉ có 19/33 DN đầu mối có nhập khẩu xăng dầu trong quý vừa qua. Đặc biệt, trong công văn phản hồi Bộ Công thương mới đây, Bộ Tài chính còn liệt kê ra một số thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng quý 3 cũng không nhập, như Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil…

Thế nên, chính sách áp giá bán xăng dầu theo mệnh lệnh hành chính, nguồn nhập khẩu giảm mạnh là nguyên nhân đẩy tình trạng đến hỗn loạn như mấy ngày qua.

 

Trách nhiệm liên bộ

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN kinh doanh xăng dầu bức xúc nói do Bộ Tài chính “không chịu” cập nhật chi phí đưa xăng dầu về cảng, chi phí định mức… trong thời gian dài, để DN nhập khẩu, phân phối gồng lỗ, rồi đẩy lỗ xuống cho DN bán lẻ là khâu cuối, chính DN bán lẻ không chịu nổi, dẫn đến thị trường hỗn loạn. Bên cạnh đó, cũng vì lý do lỗ kéo dài, nên DN không mặn mà nhập khẩu khiến cửa hàng bán lẻ không có hàng để bán.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng nhìn bề ngoài, liên quan đến chiết khấu giảm khiến DN đóng cửa hàng chỉ là bề nổi của vấn đề. Nghe qua tưởng như vấn đề “cơm không lành, canh không ngọt” giữa DN đầu mối và DN bán lẻ. Rồi do độc quyền đầu mối, dẫn đến ép hoa hồng để tránh lỗ, lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí…

“Song bản chất của vấn đề có thể không phải vậy”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh. Cho đến lúc này, giữa các phản hồi qua lại giữa 2 bộ Công thương và Tài chính cho thấy, số DN đầu mối tạm ngưng nhập khẩu là có thật, sản lượng nhập giảm mạnh cũng có thật. Như vậy, tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước đến nay thế nào? Làm thế nào để xác thực được việc chiết khấu thỏa đáng trong khi toàn bộ định mức chi phí đầu vào cho đến giá bán lẻ đều do liên bộ quy định? Trách nhiệm ở đây là của 2 bộ quản lý. Trong đó, quản lý hệ thống DN đầu mối, điều tiết nguồn cung tự chủ và nhập khẩu thế nào hoàn toàn thuộc về Bộ Công thương. “Việc thứ 2 là mức độ tự chủ của các đầu mối trong quyền quyết định nhập khẩu đến đâu? Liệu có đúng là tự họ nhập và dự trữ ở mức giá cao, giờ để tránh lỗ thì họ cắt lợi nhuận của các nhà bán lẻ hay không?”, chuyên gia Nguyễn Quốc Việt đặt vấn đề.

Từ đó, ông đặt câu hỏi: Hợp đồng giữa hai lực lượng đầu mối nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu có được Bộ Công thương phê duyệt hay giám sát không, thông tin này cũng khá mù mờ. Bên cạnh đó, 2 nhà máy xăng dầu trong nước đang nắm tỷ trọng lớn đến 80%, nhưng trong câu chuyện khủng hoảng của thị trường xăng dầu, chưa thấy nhóm này xuất hiện. “Bộ quản lý cần nhìn nhận đúng vai trò của mình, chứ cách hành xử hiện nay là có vẻ “né tránh” trách nhiệm, cứ đổ cho “gian thương” bán lẻ xăng dầu thì khá bất hợp lý. Việc đo bồn xăng, nghi ngờ găm hàng… thật sự là không cần thiết và chưa đúng thực tế. Hãy nhìn vào thực tế thị trường, quản lý trong nhập khẩu xăng dầu thế nào để mất kiểm soát đến vậy”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.

Cung ứng xăng, tiết giảm chi phí “thuộc trách nhiệm Bộ Công thương”

Ngày 10.10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã có quyết định điều chỉnh chi phí định mức (tính giá cơ sở xăng, dầu) thêm 350 đồng. Còn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao, theo ông Phớc, cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.

“Công tác quản lý DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công thương, do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị DN xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các DN”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.Theo ông Phớc, hiện nay, “vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các DN đầu mối là rất quan trọng. Nước ta hiện có đến 36 DN đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 DN đầu mối; hay như đối với DN phân phối chúng ta cũng có đến hàng trăm DN. Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ DN đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất? Đây là một vấn đề đặt ra và chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công thương để Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý”.

Tiêu Phong

NGUYÊN NGA – CHÍ NHÂN

TNO