19/11/2024

Giảm rủi ro cho doanh nhân

Giảm rủi ro cho doanh nhân

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, các doanh nhân và chuyên gia chia sẻ với Tuổi Trẻ những trăn trở và kỳ vọng trước rất nhiều rủi ro, từ suy thoái kinh tế ở một số nơi trên thế giới cho tới những rủi ro pháp lý và thị trường.

Giảm rủi ro cho doanh nhân - Ảnh 1.

* Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Có tâm lý “e sợ” trong doanh nhân

 

3824997 1(Read-Only)

Ông Lê Hữu Nghĩa

 

Doanh nghiệp (DN) hiện nay cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt pháp lý liên quan đến các hồ sơ, thủ tục; làm sao để giải quyết nhanh hơn, gọn hơn với mục đích thúc đẩy DN phát triển.

Hiện nay, qua trao đổi với cộng đồng DN TP.HCM, tôi thấy rằng các doanh nhân phản ánh để thực hiện các dự án, nhất là lĩnh vực bất động sản, thì quá trình thúc đẩy thủ tục pháp lý diễn ra chậm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của DN.

Chúng ta nói rằng cải cách hành chính nhưng thực tế tồn tại không ít bất cập, nhất là từng câu, từng chữ trong các luật lại được các cơ quan nhà nước hiểu theo từng nghĩa khác nhau.

Do đó tôi cho rằng phải làm sao giải quyết một cách triệt để để DN có không gian phát triển, còn không sẽ tạo nên sức ì rất lớn cho nền kinh tế, khiến DN gặp vô vàn khó khăn.

Qua tiếp xúc với các DN, hiện có tâm lý “e sợ” bởi nhiều trường hợp hình sự hóa các quan hệ kinh tế nên không ít DN không dám bung ra làm ăn, co cụm lại.

Hiện nay các DN đang nỗ lực kinh doanh để bù lại giai đoạn khó khăn của hai năm dịch. Nhiều DN rất cần nguồn tín dụng, nhất là các DN sản xuất cho mùa tết, xuất khẩu… Thực hiện quá khó khăn trong việc giải ngân từ ngân hàng, các DN kẹt về dòng vốn, ngân hàng nào cũng nói hết room. Do đó, DN cần sự hỗ trợ về tín dụng; nếu chứng minh được nhu cầu, mục đích thì cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận dòng vốn.

Có tâm lý “e sợ” bởi nhiều trường hợp hình sự hóa các quan hệ kinh tế nên không ít DN không dám bung ra làm ăn, co cụm lại.

Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

* Ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group):

Cần những chính sách kịp thời

3820436 1(Read-Only)

Ông Võ Quốc Thắng

Trong 9 tháng qua, kinh tế thế giới duy trì đà hồi phục với tốc độ chậm, tình hình chính trị thế giới bất ổn gây nên nhiều biến động khó lường. Khó khăn về nguyên liệu sản xuất, giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất tăng, đơn hàng suy giảm, lãi suất ngân hàng trong nước cao… làm hạn chế khả năng cạnh tranh của DN.

Điều này tiếp tục gây áp lực không nhỏ đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế VN. Hiện tại, quá trình phục hồi của DN trong điều kiện mới cũng mất nhiều thời gian do nhiều yếu tố không thuận lợi.

Thậm chí có DN đến nay vẫn chưa thể tái khởi động sản xuất hoặc có DN vì thiếu hụt nguyên phụ liệu hay thiếu hụt đơn hàng nên đã bắt đầu cho công nhân giảm giờ làm, nghỉ 2-3 ngày trong tuần.

Vậy DN cần gì? DN luôn mong mỏi vào cơ chế chính sách hỗ trợ và những giải pháp cụ thể, kịp thời, phù hợp, sát thực tiễn nhằm giúp DN sớm ổn định, phục hồi và phát triển.

Để thu hút đầu tư tại các địa phương hiện nay, những cơ chế và chính sách ở các địa phương cần hướng đến thúc đẩy tạo điều kiện cho DN hiện hữu mở rộng đầu tư. Khi chính sách tại địa phương giúp cho cộng đồng DN phát triển vững mạnh cũng chính là giải pháp thu hút đầu tư tối ưu nhất.

* Ông Ngô Quang Phúc (tổng giám đốc Phú Đông Group):

Doanh nhân vẫn đối mặt nhiều bất ngờ

3804609 1(Read-Only)

Ông Ngô Quang Phúc

Các DN bất động sản đang ở trong một giai đoạn đầy biến động. Dù luôn lường trước các rủi ro, nhưng thực lòng mà nói, bản thân DN cũng bất ngờ trước các bất ổn cả trên thế giới lẫn ở trong nước. Từ lãi suất ngân hàng tăng đột ngột, liên tiếp các sự cố rủi ro về thị trường trái phiếu, đến xung đột vũ trang trên thế giới, bất ổn năng lượng…

Tác động khách quan thì DN nào cũng chịu như nhau cả. Lãi suất cao, giảm thanh khoản thì các DN đều phải gánh chịu, nhưng vẫn có những DN vượt qua được, vì sao?

Anh phải đầu tư thật, sản xuất thật, nói chung là làm thật và sản phẩm của anh phải hướng đến nhu cầu thật của xã hội. Ví dụ, trong thời gian dịch, rất nhiều DN vẫn sản xuất và tăng trưởng bởi họ biết tận dụng cơ hội, sản phẩm của họ hướng đến nhu cầu của thị trường và sau dịch họ càng trở nên mạnh mẽ hơn và có lợi nhuận tốt hơn.

Ngược lại, những DN làm ăn theo hướng đầu cơ, các sản phẩm không hướng đến nhu cầu thực sự của người tiêu dùng thì đó là những DN sớm bị ảnh hưởng và dễ chịu rủi ro của thị trường.

Đây là thực trạng mà rất nhiều DN đang gặp phải khi đối diện nguy cơ “gãy” thanh khoản, thua lỗ và không thể vay mượn.

* Ông Phan Xuân Dũng (giám đốc kinh doanh của Ninja Van Việt Nam):

Cải thiện những điểm hạn chế mấu chốt

Phan Xuan Dung 1(Read-Only)

Ông Phan Xuân Dũng

Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành một trong những thị trường phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu cân bằng hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đầu tiên, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược.

Thứ hai, dân trí của tầng lớp lao động tại Việt Nam đang phát triển theo xu hướng tích cực. Tỉ lệ dân số trẻ cao, với nhiều lợi thế về tiếp thu công nghệ hiện đại, tối ưu hóa sản xuất và chi phí.

Thứ ba, với khả năng phục hồi kinh tế thần tốc sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đang thu hút các DN nước ngoài tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh ngày càng tốt hơn…

Tuy nhiên bên cạnh những điểm mạnh, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện những điểm hạn chế mấu chốt. Theo Trung tâm Hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động của chuỗi cung ứng là sự vận hành với quá trình liên kết, phụ thuộc và tác động qua lại của năm nhóm đối tác: nhà cung ứng nguyên, nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào; nhà sản xuất hàng hóa; nhà phân phối và logistics; đại lý bán lẻ; khách hàng.

Việt Nam đang tập trung phát triển để khẳng định vị thế của nhóm nhà sản xuất hàng hóa. Vai trò của nhà phân phối và logistics còn mờ nhạt, chi phí logistics của Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực trung bình khoảng 5-10%. Do vậy, nếu có thể giảm thiểu chi phí logistics xuống một mức hợp lý hơn thì việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thuận lợi và phát triển bền vững.

* Ông Đậu Anh Tuấn (phó tổng thư ký, trưởng Ban pháp chế VCCI):

Gỡ nút thắt vốn, hỗ trợ thực chất hơn

 

Dau Anh Tuan 1(Read-Only)

Ông Đậu Anh Tuấn

 

Điểm bất lợi của doanh nghiệp Việt Nam là lãi suất vẫn cao so với các nước. Và trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp đang cạn kiệt tích lũy, đối mặt với áp lực phải trả khoản nợ cũ thì việc tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp là ưu tiên số một hiện nay.

Tất nhiên muốn tiếp cận vốn thì cần có sự nỗ lực từ hai phía, bản thân doanh nghiệp cần có sổ sách tài chính, kế toán rõ ràng và minh bạch…

Để cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cần làm nhiều cách. Cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng tích cực hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ từ các quỹ, như Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các chương trình vay vốn cho doanh nghiệp cần triển khai tích cực hơn vì pháp luật thì có nhưng triển khai trên thực tế vẫn ít.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội 2022 – 2023 cho doanh nghiệp một số ngành hàng theo nghị quyết 43 của Quốc hội và nghị quyết 11 của Chính phủ cần được triển khai mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thực chất hơn.

Thời gian qua, nhiều hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp có kiến nghị gửi đến VCCI cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ưu tiên thúc đẩy gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ và rẻ hơn. Cần cải thiện điều kiện vay vốn theo hướng thuận lợi hơn, vì đây là chương trình rất quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ngân hàng Nhà nước cần có hành động thúc giục, hỗ trợ ngân hàng thương mại để họ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại tốt hơn.

Để giảm rủi ro cho doanh nhân, chúng ta phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp; thực hiện tốt chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp để làm an lòng doanh nghiệp và động viên doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia; xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

B.NGỌC ghi

NGỌC HIỂN – ĐỨC THIỆN ghi
TTO