23/01/2025

Dạy học môn tích hợp: Nhiều khó khăn chưa lường hết!

Dạy học môn tích hợp: Nhiều khó khăn chưa lường hết!

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai năm thứ ba, ở cả 3 cấp. Khó khăn chung là thiếu giáo viên các môn học mới, thiếu thiết bị dạy học. Với cấp THCS là bất cập trong dạy và học các môn tích hợp.

 

 

Thực trạng trái với nhận định của nhà phát triển chương trình

Để chuẩn bị cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, một số nghiên cứu về khả năng đáp ứng yêu cầu dạy học của đội ngũ giáo viên (GV) đã được tiến hành. Nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Ba (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) về khả năng dạy học môn khoa học tự nhiên (KHTN) của GV vật lý, hóa học, sinh học các trường THCS vùng Đông Nam bộ năm 2018 cho thấy, tỷ lệ GV được đào tạo đơn môn là 58,4% và đa môn là 42,6%. Nhưng đào tạo đa môn không phải là lý – hóa hay hóa – sinh, mà chủ yếu là lý – kỹ thuật công nghiệp, sinh – kỹ thuật nông nghiệp, toán – lý… nên việc giảng dạy môn KHTN sẽ khó đối với họ. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ GV có khả năng dạy cả 3 phân môn lý – hóa – sinh chỉ chiếm 1,3%, dạy 2 môn lý – hóa chiếm 7,8%, 2 môn hóa – sinh là 19,5%, còn lại dạy đơn môn lý (33,8%), hóa (14,3%) và sinh (22,1%).

Một nghiên cứu khác về khả năng dạy học môn lịch sử và địa lý của GV lịch sử, địa lý cấp THCS vùng Đông Nam bộ của thạc sĩ Nguyễn Thị Phú (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho thấy khả năng GV dạy được cả 2 phân môn là 15,8%, còn lại là dạy lịch sử (chiếm 47,4%), dạy địa lý (36,8%).

Dạy học môn tích hợp: Nhiều khó khăn chưa lường hết! - ảnh 1
Học sinh lớp 7 tại TP.HCM học môn tích hợp lịch sử và địa lý  ĐÀO NGỌC THẠCH

Như vậy, đến năm học 2018 – 2019, ở Đông Nam bộ, vùng có điều kiện phát triển giáo dục, chỉ có 1,3% GV lý, hóa, sinh đảm bảo dạy được cả 3 phân môn KHTN và có 15,8% GV sử, địa giảng dạy được cả 2 phân môn.

Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận định của một số nhà phát triển Chương trình GDPT 2018. PGS-TS Mai Sỹ Tuấn, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT, chủ trì xây dựng môn KHTN, đưa ra nhận định (đăng trên website Bộ GD-ĐT) rằng: “GV dạy các môn lý, hóa, sinh hiện nay có thể dạy học môn KHTN được ngay. Đó là do chương trình môn học lựa chọn hình thức tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của GV và điều kiện của nhà trường”.

Nhận định này mang tính chủ quan, mặc dù giai đoạn 2019 – 2021, ngành giáo dục đã triển khai tập huấn cho đội ngũ GV và cán bộ quản lý về Chương trình GDPT 2018, về dạy học các môn học tích hợp, nhưng khi triển khai ở lớp 6 và lớp 7, nhà trường, GV và học sinh (HS) gặp nhiều khó khăn chưa lường hết.

 

Nhiều phương thức dạy học với môn tích hợp

Môn KHTN được thiết kế theo chủ đề thuộc các phân môn đan xen nhau. Trong khi nhiều GV chưa được bồi dưỡng chứng chỉ dạy học tích hợp nên việc giảng dạy các môn học này phải tổ chức nhiều phương thức khác nhau.

Môn KHTN có 3 phương thức dạy học. Phương thức 1 là dạy học song song: môn vật lý (1 tiết/tuần), hóa học (1 tiết/tuần) và sinh học (2 tiết/tuần) đối với lớp 6, 7. Việc dạy song song không đảm bảo được mạch kiến thức. Phương thức 2 là dạy học theo tuyến tính: chủ đề sinh học thì GV sinh dạy, chủ đề vật lý GV vật lý dạy, chủ đề hóa học do GV hóa dạy, với thời lượng 4 tiết/tuần… Phương thức này đảm bảo được mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu của trường phải đổi liên tục, gây rối cho GV. Phương thức 3 là phân công cho một GV đã có chứng chỉ tích hợp giảng dạy cả 3 phân môn. Cách này thuận lợi cho nhà trường, GV dễ chấm điểm, nhập điểm… nhưng bất cập là GV chưa đủ kiến thức, tự tin giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Cả ba phương thức đều rối rắm, khiến GV quá tải, gây thiệt thòi cho HS. Học xong các chủ đề hóa học đầu lớp 7 (5 tuần), sau đó không học nữa, đến năm lớp 8 mới học lại hóa sẽ khó cho HS.

Môn lịch sử và địa lý nhờ chia thành 2 phần nên việc giảng dạy thuận lợi hơn. GV lịch sử dạy phần lịch sử, GV địa lý dạy phần địa lý. Đến khi kiểm tra, đánh giá sẽ cùng nhau hợp tác ra đề. Tuy nhiên, đa số GV chưa đảm bảo dạy đủ 2 phân môn.

 

GV bồi dưỡng tích hợp khó đủ năng lực dạy các phân môn

Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 21.7.2021 quy định GV học thêm từ 20 – 36 tín chỉ để dạy môn tích hợp. Chương trình bồi dưỡng được coi là điều kiện đủ tối thiểu để mỗi GV có thể dạy học môn lịch sử và địa lý và KHTN. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, GV dạy đơn môn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học của 1 hoặc 2 phân môn khác liệu có đủ năng lực và tự tin để đứng lớp? GV vật lý có đủ khả năng dạy sinh học và hóa học không, trong khi môn hóa học với tên gọi các nguyên tố theo tiếng Anh cũng là vấn đề khó đối với GV hóa. Hay một GV sinh học có đủ khả năng để dạy lý và hóa không?

Khi GV chưa đảm bảo “biết 10 dạy 1” thì khó có thể tạo hứng thú, tích cực đối với HS. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu “hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng” đề ra đối với cấp THCS.

Dạy học môn tích hợp: Nhiều khó khăn chưa lường hết! - ảnh 2
Giáo viên dự giờ tiết học tích hợp môn khoa học tự nhiên  ĐÀO NGỌC THẠCH

Giải pháp nâng cao hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả dạy và học với các môn tích hợp, trước hết, với quan điểm tích hợp cao ở các lớp, cấp học thấp, phân hóa dần ở các lớp, cấp học cao, ở lớp 8 và 9 môn KHTN, lịch sử và địa lý nên phân hóa thành từng phần khác nhau, không theo chủ đề đan xen. Phần phân môn nào thì GV có thế mạnh môn đó giảng dạy. Với lớp 6, 7 vẫn giữ như hiện hành, ưu tiên những GV đã bồi dưỡng dạy tích hợp giảng dạy và chờ sinh viên ngành KHTN, lịch sử và địa lý ở các trường đại học tốt nghiệp sẽ đảm nhiệm.

Cần cơ cấu lại các tổ bộ môn theo các môn học hoặc nhóm môn trong Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là có các tổ bộ môn KHTN, KHXH (sử, địa, GDCD) nhằm thuận lợi trong tự bồi dưỡng, thao giảng, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, hỗ trợ nhau trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn KHTN, lịch sử và địa lý, giáo dục địa phương.

Thi HS giỏi cấp THCS theo môn học của Chương trình GDPT 2018. Đổi mới tuyển sinh THPT, ngoài các môn thi bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ, HS được lựa chọn một trong các môn KHTN, lịch sử và địa lý, công nghệ, tin học để thi.

Trường, khoa sư phạm tăng chỉ tiêu đào tạo các ngành KHTN, lịch sử và địa lý, nghệ thuật, công nghệ, tin học để đáp ứng nhu cầu của các trường phổ thông hiện nay. Đào tạo thêm liên môn cho các ngành sư phạm đơn môn.

Địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng, bồi dưỡng đủ GV theo yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD-ĐT, các trường sư phạm triển khai các nghiên cứu khoa học về thuận lợi, khó khăn và hiệu quả khi triển khai Chương trình GDPT 2018 ở các địa phương khác nhau để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp các trường phổ nâng cao chất lượng giáo dục theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS.

 

Khó khăn trong giảng dạy giáo dục địa phương

Chương trình GDPT 2018 có thêm giáo dục địa phương, là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Mục tiêu giáo dục địa phương nhằm trang bị cho HS những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho HS tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Tuy nhiên, việc giảng dạy nội dung này gặp nhiều khó khăn, đó là: sự chậm trễ trong biên soạn, thẩm định, phê duyệt và xuất bản; lúng túng trong tên gọi là “môn học” hay “hoạt động giáo dục”. HS khi học nội dung này được đánh giá bằng nhận xét (đạt/chưa đạt), trong khi văn, sử, địa thì chấm điểm, nghệ thuật lại nhận xét. Giáo dục địa phương tích hợp 6 chủ đề với mỗi môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý, GDCD, âm nhạc, mỹ thuật nên có trường phân công 1 GV dạy cả 6 chủ đề này, nhưng cũng có trường lại phân ra từng GV dạy tích hợp vào bộ môn của mình. Dẫn đến chất lượng dạy học nội dung này còn nhiều hạn chế.

HỒ SỸ ANH

TNO