Bồ Đào Nha công bố sử dụng ‘thị thực du mục kỹ thuật số’

Bồ Đào Nha công bố sử dụng ‘thị thực du mục kỹ thuật số’

Bồ Đào Nha là quốc gia mới nhất trên thế giới chính thức định vị mình là thiên đường cho “những người du mục kỹ thuật số”. Kể từ ngày 30-10, nước này sử dụng thị thực mới dành cho những người lao động ở xa.

Bồ Đào Nha công bố sử dụng thị thực du mục kỹ thuật số - Ảnh 1.

Một khu phố cổ của thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) – Ảnh: AP

Bồ Đào Nha là quốc gia ở trong lòng châu Âu có chi phí sinh hoạt tương đối thấp và thời tiết ôn hòa. Do vậy, nước này nổi lên là một điểm đến không chỉ cho khách du lịch mà còn để tái định cư lâu dài, bao gồm cả khi nghỉ hưu.

Theo ước tính của chính phủ, khoảng 9,6 triệu khách du lịch quốc tế đã đến thăm Bồ Đào Nha vào năm 2021 – tăng 48% so với năm 2020, nhưng vẫn giảm mạnh so với năm 2019.

Đại dịch COVID-19 làm lượng khách du lịch sụt giảm, nhưng nó khiến công việc từ xa trở nên phổ biến và Bồ Đào Nha dường như đang cố gắng tận dụng việc làm kỹ thuật số này.

Thị thực du mục kỹ thuật số (digital-nomad visa) và giấy phép cư trú sẽ cấp cho những người làm việc bên ngoài Bồ Đào Nha.

Những người muốn được cấp loại thị thực đặc biệt này phải có: hợp đồng lao động, tài liệu thuế và bằng chứng về thu nhập trung bình hằng tháng trong 3 tháng qua – tương đương với 4 lần mức lương tối thiểu ở Bồ Đào Nha, hoặc khoảng 2.730 USD/tháng. Đối với những người làm công ăn lương, mức lương hằng năm khoảng 32.760 USD là đủ.

Theo trang web việc làm hàng đầu của Mỹ ZipRecruiter (Mỹ), con số lương đó chỉ bằng một nửa mức lương trung bình hằng năm của những người lao động từ xa ở Mỹ.

Đối với những người lao động tự do, sẽ cần phải có bằng chứng về mức thu nhập tương đương theo hợp đồng dịch vụ hoặc các phương tiện chứng minh khác.

Báo Washington Post nhận định Bồ Đào Nha vốn đã nổi tiếng với “thị thực vàng” như một phương tiện để đạt được thường trú nhân trong Liên minh châu Âu (EU). Do đó, chưa rõ liệu thị thực du mục kỹ thuật số có cung cấp một con đường tương tự hay không.

Thị thực du mục kỹ thuật số của Bồ Đào Nha được tung ra khi các công ty Mỹ một lần nữa buộc nhân viên trở lại văn phòng.

Tuy nhiên, nhân viên ở nhiều thành phố lớn như San Francisco, Washington và New York chống lại việc quay lại nơi làm việc. Số nhân viên đến các thành phố này làm việc vào tháng 6 thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, theo một nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley.

Trong khi đó, nhiều công ty công nghệ vẫn hoàn toàn làm việc từ xa. Twitter, Airbnb và Salesforce cho phép nhiều nhân viên làm việc từ xa toàn thời gian.

Những nhân viên công nghệ và những người làm nghề tự do đã tận dụng các chương trình làm việc từ xa trên toàn thế giới, vốn đã nở rộ trong thời kỳ đại dịch.

Một báo cáo về công việc từ xa được Viện Chính sách di cư – một tổ chức tư vấn của Washington – công bố vào tháng 6, cho biết hơn 25 quốc gia đã thiết lập các sáng kiến ​​du mục kỹ thuật số kể từ năm 2019.

Estonia trở thành quốc gia đầu tiên có loại thị thực đặc biệt này.

Một trong những quốc gia ở châu Á là Malaysia cũng đang khởi động một chương trình, nhằm thiết lập quốc gia này thành “trung tâm du mục kỹ thuật số được ưa thích” ở Đông Nam Á.

Một trang web của chính phủ quảng bá chương trình “DE Rantau” đã giới thiệu Malaysia là “Điểm đến du mục kỹ thuật số tiếp theo của bạn”.

 

GIA MINH