24/12/2024

Sửa biểu giá điện: Ai được lợi?

Sửa biểu giá điện: Ai được lợi?

Trong hai đề xuất tính giá điện mới, nhiều chuyên gia đánh giá đề xuất của Bộ Công Thương có nhiều cải tiến, phù hợp hơn với nguyên tắc dùng nhiều điện phải trả nhiều tiền hơn.

 

 

Sửa biểu giá điện: Ai được lợi? - Ảnh 1.

Với phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện do Bộ Công Thương đề xuất, đa số các hộ tiêu dùng điện không bị tăng tiền điện – Ảnh: N.K.

Nhưng vẫn có nhiều đề xuất cho rằng cần hoàn thiện hơn trong cách tính tiền điện phù hợp với đối tượng khách hàng và mục đích sử dụng.

 

Dùng càng nhiều trả càng nhiều

Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến các đơn vị liên quan về phương án cải tiến biểu giá bán lẻ theo đề án được bộ này chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn là Công ty TNHH MTV tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa (Trường đại học Bách khoa) thực hiện.

So với 6 bậc thang giá điện hiện nay, EVN và tư vấn đề xuất phương án 5 bậc thang, còn Bộ Công Thương đề xuất hai phương án 4 bậc và 5 bậc.

Cụ thể, theo phương án 5 bậc được EVN đề xuất thì bậc đầu tiên cho 100 kWh, bậc 2 từ 101 – 200 kWh, bậc 3 từ 201 – 400 kWh, bậc 4 từ 401 – 700 kWh, còn bậc 5 là từ 701 kWh trở lên.

Với phương án này, hộ gia đình sử dụng điện dưới 270 kWh/tháng thì tiền điện tăng thêm bình quân 2,32% so với tiền điện hiện hành. Các hộ sử dụng từ 280 – 1.100 kWh có mức giảm tiền điện bình quân khoảng 2,47%; các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên tăng tiền điện bình quân 3,87%. Số tiền ngân sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng thêm 42 tỉ đồng/năm do giá điện của bậc 1 tăng.

Với phương án 5 bậc của Bộ Công Thương, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 – 100 kWh/tháng nhằm ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ).

Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 – 200 kWh và 201 – 300 kWh; song giá điện cho các bậc từ 401 – 700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ cho các bậc thấp. Với phương án này, mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh và mức giá cao nhất là 3.356 đồng/kWh.

Với phương án 4 bậc của Bộ Công Thương, sẽ giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu trong khi ngân sách nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 101 – 200 kWh; 301 – 400 kWh và trên 700 kWh. Mức giá cao nhất cho phương án này là 3.076 đồng/kWh.

Bộ Công Thương cho rằng trong phương án 5 bậc, việc ghép các bậc lại với nhau nhằm khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Với phương án này, số tiền ngân sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách không thay đổi trong khi mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý. Theo tính toán, các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi, trong khi tiền điện các hộ sinh hoạt sử dụng từ 711 kWh/tháng (chiếm 2%) phải trả tăng thêm.

Đối với phương án 4 bậc thang, dù đơn giản trong áp dụng, nhưng sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 – 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng. Phương án này cũng có tác dụng thấp hơn trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

 

Phương án nào số đông được hưởng lợi?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Đăng Sơn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) – cho rằng có sự khác biệt trong đề xuất sửa đổi biểu giá điện của EVN và Bộ Công Thương.

Nếu như EVN tập trung vào đối tượng tiêu dùng điện phổ biến dưới 270 kWh/tháng để tăng giá thì Bộ Công Thương lại tập trung vào các hộ tiêu dùng điện ở bậc thang cao, từ 711 kWh/tháng trở lên để tăng giá.

Trong đó, phương án 5 bậc của Bộ Công Thương có lợi hơn cho đại đa số người dùng, gồm những hộ nghèo, hộ chính sách trong khi ngân sách không phải tăng phần chi trả. Người dùng ít điện sẽ không bị tăng tiền điện, trong khi những hộ tiêu dùng nhiều điện sẽ phải chi trả nhiều hơn, phù hợp với nguyên tắc khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Như vậy, việc sửa đổi biểu giá điện không gây nhiều biến động cho khách hàng sinh hoạt mà vẫn duy trì được tiêu chí về an sinh xã hội, giúp giảm bớt bù chéo.

“Việc sửa đổi biểu giá lần này cho thấy Bộ Công Thương đã tiếp thu được những ý kiến đề xuất, góp ý trước đó, có những điểm khá tiến bộ”, ông Sơn đánh giá.

PGS.TS Trần Văn Bình – Đại học Bách khoa Hà Nội – cũng chưa thấy thuyết phục với phương án đề xuất của EVN. Bởi nếu áp dụng cơ cấu biểu giá 5 bậc thang như đề xuất, sẽ khiến cho đại đa số người dân phải tăng giá điện, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho ngành điện. Trong khi đó, số hộ tiêu dùng nhiều điện lại giảm tiền điện sử dụng, là không phù hợp với nguyên tắc tiêu dùng khuyến khích tiết kiệm điện.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc sửa biểu giá điện phải trên cơ sở thuận tiện, dễ áp dụng và tạo ra khoảng cách giữa các bậc để các mức giá cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Đồng tình với phương án càng dùng nhiều thì trả nhiều, nhưng ông Thịnh cho rằng cần tính trên số kWh dùng điện để trả chứ không nên theo cách tính lũy tiến bậc thang. Bởi các phương án biểu giá điện được đưa ra thì phần đông số người dân sẽ phải chịu tiền điện giá cao, trong khi việc công khai minh bạch trong giá điện vẫn chưa được đảm bảo, dẫn tới mỗi lần tăng giá khiến dư luận phản ứng.

 

Bộ Công Thương đính chính thông tin

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các cơ quan, bộ ngành và địa phương đính chính văn bản gửi ngày 3-10 về việc xin ý kiến góp ý các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do bộ đề xuất.

Do có “lỗi kỹ thuật” nên thay vì thông tin so sánh giá điện hiện hành với giá điện tính theo phương án đề xuất 5 bậc thì trong bảng biểu số 13 (thuộc văn bản ngày 3-10), Bộ Công Thương chỉ đưa ra 4 bậc.

Bộ Công Thương sửa lại chính xác gồm 5 bậc: bậc 1 từ 0 – 100 kWh, 2 từ 101 – 200 kWh, 3 từ 201 – 400 kWh, 4 từ 401 – 700 kWh và 5 từ 701 kWh trở lên.

NGỌC AN
TTO