24/01/2025

Căng thẳng ‘cuộc chiến’ bầu cử giữa kỳ Mỹ

Căng thẳng ‘cuộc chiến’ bầu cử giữa kỳ Mỹ

Chưa đầy một tháng trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra tại Mỹ, giới báo chí và học giả cảnh báo tình trạng không ít tiểu bang đã thông qua luật có thể đe dọa quyền đi bầu của một số đối tượng cử tri.

 

 

Khuya 7.10 (giờ VN), tại buổi cung cấp tin do Trung tâm báo chí nước ngoài tại TP.New York (bang New York) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, TS Lisa Bryant, Trưởng khoa Khoa học chính trị của Đại học bang California ở Fresno, đề cập các xu hướng đáng quan ngại ở một số tiểu bang trước thềm bầu cử.

 

Hệ thống “rối rắm và khó hiểu”

Theo bà Bryant, bối cảnh bầu cử Mỹ có những điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới, với các chính sách và quy trình thường xuyên được cập nhật và thay đổi. Hiện hệ thống bầu cử tại Mỹ được triển khai theo cơ chế phi tập trung, có nghĩa là từng tiểu bang kiểm soát cách thức các cuộc bầu cử được tổ chức chứ không phải chính quyền liên bang. Vì thế, ở một mức độ nào đó, các cơ quan tư pháp địa phương có thể vận hành những mô hình bầu cử khác nhau, mà theo TS Bryant nhận định là “vô cùng rối rắm và khó hiểu”.

 Căng thẳng 'cuộc chiến' bầu cử giữa kỳ Mỹ - ảnh 1
Hệ thống bầu cử theo các tiểu bang có độ chênh nhất định   REUTERS

Chẳng hạn, tại California, các chính quyền hạt có thể áp dụng Đạo luật lựa chọn của cử tri nhằm tạo điều kiện cho ai cũng có thể đi bầu. Người California nhận được phiếu bầu gửi đến tận nhà qua đường bưu điện và có thể đi bầu trong vòng 11 ngày, nhưng không bắt buộc. Điều này có nghĩa là sẽ có hạt thật sự mở thùng phiếu trong khung thời gian này, nhưng hạt kế bên có thể yêu cầu cử tri đi bầu vào ngày chính thức là 8.11. Ở một số bang khác, cử tri có hẳn vài tháng để bỏ phiếu.

TS Bryant cho hay hiện đã có 16 tiểu bang đã tổ chức bỏ phiếu do ngày bầu cử vào tháng 11. Trong khi nhiều bang cho phép bỏ phiếu qua đường bưu điện, hiện có 5 bang thông qua luật cấm việc này, bao gồm Michigan, Virginia, Illinois, Pennsylvania và Rhode Island. Mỹ có truyền thống đi bầu vào ngày thứ ba trong tuần. Vì thế, TS Bryant cho rằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện tạo điều kiện cho nhiều cử tri có thể đi bầu hơn, chẳng hạn như cha mẹ có con nhỏ hoặc người lao động không thể đi bỏ phiếu trong giờ làm việc.

Bên cạnh đó, nữ tiến sĩ lo ngại Thông tin nhận dạng cho cử tri (Voter ID) đang tiếp tục là thách thức cho quyền đi bầu ở Mỹ trong khoảng một thập niên trở lại đây. Những dạng giấy tờ có thể dùng để chứng minh Voter ID bao gồm bằng lái xe, hộ chiếu, giấy khai sinh, bằng lái phi công…Thế nhưng, TS Bryant lưu ý rằng không phải công dân Mỹ nào cũng có Voter ID hợp lệ. Chẳng hạn, cư dân ở các siêu đô thị đông đúc, nơi hệ thống giao thông công cộng dày đặc, có thể sẽ không lấy bằng lái xe. Người già, cử tri thuộc các nhóm thiểu số cũng có thể không lái xe.

TS Bryant cho biết đối với những ai chưa quen thuộc với các cơ chế Mỹ, người dân phải trả tiền nếu muốn có thông tin nhận dạng (ID). Ví dụ, trong trường hợp bằng lái, chi phí dao động từ 18 – 35 USD (430.000 – 840.000 đồng).

 Căng thẳng 'cuộc chiến' bầu cử giữa kỳ Mỹ - ảnh 2
Ông Donald Trump ủng hộ không ít gương mặt mới trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay  REUTERS

Những luật có thể hạn chế quyền đi bầu

GS Thomas E.Patterson, Trường Luật Harvard Kennedy thuộc Đại học Harvard (TP.Cambridge, bang Massachusetts), cũng đề cập thách thức đến từ Voter ID cho quyền đi bầu của dân Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, Texas, Georgia và Florida nằm trong số hơn 10 bang “đỏ” (tức do đảng Cộng hòa kiểm soát) đang đưa vào thực thi luật bầu cử giới hạn so với năm 2020 trong lúc diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ. Giới phân tích tỏ ra quan ngại vì nhiều luật được cho nhằm gây khó khăn cho cử tri theo đảng Dân chủ.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, TS Bryant xác nhận rằng những tiểu bang như Georgia và Texas đang áp dụng những điều khoản khá ngặt nghèo đối với những cử tri đi bỏ phiếu. Giờ đây, ngoài bằng lái xe, cử tri tại các bang này phải điền đầy đủ thông tin về số an ninh xã hội, ngày sinh…Chỉ cần cử tri quên điền một trong những thông tin này, lá phiếu của họ sẽ bị vô tác dụng. Bà cho rằng vai trò của giới báo chí, nhất là các tờ báo địa phương, vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cử tri bỏ phiếu chính xác và có hiệu lực.

Vẫn chưa tính toán được mức độ ảnh hưởng đến từ nỗ lực chung của các tiểu bang “đỏ” nhằm kiểm soát và hạn chế quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, GS Patterson cảnh báo rằng mức độ ảnh hưởng sẽ đủ lớn để tác động đến việc đoạt quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện. Lịch sử bầu cử tại Mỹ cho thấy quyền kiểm soát quốc hội nước này sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử giữa kỳ, có nghĩa là từ tay đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa.

Giới quan sát dự đoán kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ lần này sẽ đóng vai trò quyết định cho số phận chính trị của cựu Tổng thống Donald Trump. Dù tên của ông không có mặt trên các lá phiếu, tầm ảnh hưởng của ông Trump đối với các ứng viên đảng Cộng hòa là điều không bàn cãi.

“Ông Trump không có tên trên phiếu bầu năm 2022, nhưng tương lai chính trị của ông thì có”, AFP dẫn lời nhà phân tích John Hudak của Viện Brookings (trụ sở Washington D.C). Ông Hudak nhận định rằng kế hoạch của ông Trump trong việc tái định hình đảng Cộng hòa dựa trên hình ảnh của bản thân thông qua cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ củng cố vị thế trên trường chính trị của ông hoặc phá bỏ mọi thứ.

 

Số liệu về cuộc bầu cử giữa kỳ 2022

Trong buổi cung cấp thông tin trước đó cùng ngày, TS Doug Schwartz, Giám đốc Trung tâm khảo sát Đại học Quinnipiac (trụ sở TP.Hamden, Connecticut), cho biết vào ngày 8.11 tới đây, dân Mỹ sẽ đi bầu để chọn ra toàn bộ 435 ghế Hạ viện và 35 ghế Thượng viện. Bên cạnh đó, ghế thống đốc của 36 tiểu bang cũng phụ thuộc vào các phòng phiếu, chưa kể vô số ghế thị trưởng và các vị trí thuộc chính quyền địa phương. TS Schwartz cũng công nhận ông Trump là một nhân tố gây ảnh hưởng cho cuộc bầu cử. Cựu tổng thống Mỹ đang ủng hộ không ít ứng viên đảng Cộng hòa và đến nay vẫn để ngỏ khả năng tái tranh cử tổng thống vào năm 2024.

THUỴ MIÊN

TNO