23/12/2024

Vay vốn ODA nhưng không chi: ‘bệnh nan y’

Vay vốn ODA nhưng không chi: ‘bệnh nan y’

Giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi tám tháng đầu năm nay đạt rất thấp, nhiều bộ, ngành chưa giải ngân đồng vốn nào, xin trả lại tiền trung ương.

Vay vốn ODA nhưng không chi: bệnh nan y - Ảnh 1.

Đại học Quốc gia TP.HCM có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp. Trong ảnh: khu Đại học Quốc gia TP.HCM (TP Thủ Đức) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chậm giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài được nhiều chuyên gia nhận định là căn bệnh nan y, không xử nghiêm trách nhiệm thì không thể dứt bệnh.

 

Bộ, ngành nêu lý do chậm vì thủ tục

Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 8-2022, giải ngân vốn vay nước ngoài đạt hơn 15,4% kế hoạch là rất thấp, trong đó có đến 6 bộ, 8 địa phương giải ngân bằng 0% kế hoạch.

Vì không giải ngân được vốn nên 17 bộ, ngành, địa phương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin trả lại trung ương khoảng 6.827 tỉ đồng.

Là 1 trong 6 bộ chưa giải ngân được đồng vốn nào trong tám tháng đầu năm 2022, ông Đào Việt Dũng, vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Xây dựng, cho biết một trong những nguyên nhân bộ chưa thể giải ngân vốn ODA trong tám tháng đầu năm là do đến nay chưa thực hiện đấu thầu dự án được.

Trong năm 2022, bộ được giao thực hiện tám dự án ODA, với tổng vốn khoảng 31,9 triệu USD. Theo kế hoạch trong năm 2022, bộ sẽ giải ngân khoảng 23,4 triệu USD, nhưng đến hết tháng 8 năm nay bộ vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Riêng với dự án ODA mà bộ đang phối hợp với Tổng cục Dạy nghề thực hiện thì mới dừng ở bước ghi vốn, đến nay bộ đã có văn bản trả lại vốn cho ngân sách.

Về phía Bộ Công Thương, dù đã phân bổ hết số vốn 825.200 tỉ đồng, nhưng hết tám tháng đầu năm 2022, tỉ lệ giải ngân của bộ này mới đạt 14,8%, và nằm trong nhóm các cơ quan có tỉ lệ giải ngân thấp trên 10% – tỉ lệ thấp so với bình quân chung của cả nước.

Theo Bộ Công Thương, việc giải ngân đạt thấp chủ yếu phát sinh cho vốn ODA (chiếm tới 20% kế hoạch năm) được hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị, cần thực hiện nhiều thủ tục mới đủ điều kiện giải ngân.

Cụ thể cần lập danh mục thiết bị, thẩm định giá thiết bị, phê duyệt danh mục, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập hồ sơ mời thầu, lấy ý kiến không phản đối của bên tài trợ, phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu quốc tế. Sau đó lại tiếp tục lấy ý kiến không phản đối của bên tài trợ về kết quả lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và tạm ứng hợp đồng.

Từ đó dẫn đến các dự án sử dụng vốn ODA đang gặp vướng mắc do không lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị. Vì vậy Bộ Công Thương cho biết khả năng sẽ khó hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn ODA.

Trong khi đó, với các dự án khởi công mới trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết phải thực hiện nhiều thủ tục mới đủ điều kiện khởi công xây dựng công trình và giải ngân vốn.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số thủ tục nêu trên phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan, rất dễ phát sinh các vấn đề ngoài dự kiến.

Đơn cử như quy định về thời gian thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng tại cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, thời gian thực hiện tối đa là 30 ngày và thẩm duyệt thiết kế về PCCC tại cơ quan quản lý liên quan mất tối đa là 10 ngày.

Song trên thực tế, Bộ Công Thương cho biết quá trình thực hiện không đảm bảo theo tiến độ này, do năm 2022 cả nước có nhiều dự án khởi công mới, các cơ quan quản lý chuyên ngành quá tải trong thực hiện nhiệm vụ thẩm định, thẩm duyệt hồ sơ.

Hay với quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo quy định là 30 ngày, nhưng khi có phát sinh sẽ phải thực hiện quy trình giải quyết tình huống trong đấu thầu, tùy theo tính chất sự việc phát sinh có thể phải tổ chức đấu thầu lại.

Ngoài ra, việc giao đất cho dự án trong các khu công nghệ cao gặp vướng mắc về thủ tục, việc giao đất thực hiện dự án tại một số địa phương gặp khó khăn trong công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Vay vốn ODA nhưng không chi: bệnh nan y - Ảnh 2.

Đại học Quốc gia Hà Nội có tỉ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn đạt rất thấp – Ảnh: NAM TRẦN

Các địa phương cũng cảm thấy “oan ức”?

Bị nêu tên trong số các địa phương giải ngân vốn đầu tư công vốn ODA, vay ưu đãi, ông Lê Văn Hẳn, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết do thủ tục vay vốn khó quá, giải ngân, ràng buộc đủ điều.

Ông Châu Văn Hòa, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh, nêu ví dụ dự án cung cấp trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần với số vốn là 47 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay nhà thầu chưa thể bàn giao và lắp đặt hết các thiết bị theo hợp đồng ký kết do các trang thiết bị y tế chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài và model một số thiết bị được các hãng sản xuất nâng cấp, điều chỉnh, bổ sung theo xu thế phát triển công nghệ chung của toàn cầu, chủ đầu tư đã trình Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) để xin ý kiến, song song đó cũng đã trình Vụ xin cấp giấy phép nhập khẩu của thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, nên mất rất nhiều thời gian. “Được phép rồi thì còn phải chờ ngân hàng giải ngân, rất mất thời gian”, ông Hòa nói.

Tại Trà Vinh cũng có dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” với vốn chính thức năm 2022 là 42,1 tỉ đồng thì dự toán được duyệt từ năm 2020, đến nay phải cập nhật lại định mức dự toán theo quy định và giá vật tư tăng, nên tổng chi phí xây lắp và thiết bị trước thuế đến thời điểm này đã tăng lên, vượt cơ cấu vốn ODA hơn 6 tỉ đồng nên phải điều chỉnh lại nhiều chi tiết, trong đó có cả việc lựa chọn nhà thầu…

Thêm vào đó, hiện cán bộ phụ trách mua sắm trang thiết bị của ban quản lý dự án nghỉ việc, Sở Y tế đang tìm người bố trí để thay thế.

Cũng bị nêu tên, đại diện Sở Tài chính Nam Định khẳng định nguồn tiền có sẵn nhưng với dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Nam Định, vay vốn Ngân hàng Thế giới (VILG)” có tổng vốn đầu tư hơn 6 tỉ đồng thì trong quý 1-2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nam Định bùng phát trở lại, ảnh hưởng tới việc thu thập hồ sơ, nhà thầu chưa hoàn thành được các thủ tục nghiệm thu khối lượng đã thực hiện để giải ngân cho dự án.

Ngoài ra, do yêu cầu của nhà tài trợ và sổ tay hướng dẫn của dự án, việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân chỉ được thực hiện khi hoàn thành các bước công việc trong quy trình, đáp ứng đầy đủ các tài liệu, dữ liệu đầu vào và phải đưa ngay sản phẩm vào vận hành, khai thác sử dụng trên hệ thống.

Vì vậy, không thể tổ chức nghiệm thu và thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu mặc dù gói thầu khối lượng và giá trị khối lượng hoàn thành đã đạt trên 70% giá trị gói thầu.

Còn đối với dự án “Hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương thuộc dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), phần sử dụng vốn dư” thì ngày 13-1-2022, Thủ tướng ban hành quyết định số 46 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương”, chấp thuận chủ trương sử dụng vốn dư do chênh lệch tỉ giá cho ba tỉnh là: Nam Định, Lào Cai, Lạng Sơn.

Do đó, tỉnh Nam Định hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ Tài chính ký kết thỏa thuận vay lại theo quy định.

Ông Dương Văn Cận (phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam):

 

Thực hiện dự án chậm nên giải ngân cũng chậm

Tình trạng trượt giá vật liệu đầu vào thời gian qua đang làm chậm tiến độ nhiều dự án, nhà thầu đối mặt với nguy cơ thua lỗ khi thực hiện các dự án đầu tư nên họ thường thi công cầm chừng.

Đầu năm nay hiệp hội đã có nhiều văn bản kêu cứu Thủ tướng, Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh đơn giá vật liệu cho phù hợp. Tuy nhiên, các văn bản về hợp đồng, hướng dẫn đấu thầu thường bắt phải ký hợp đồng trọn gói.

Trong khi với hợp đồng trọn gói thì nhà thầu không được điều chỉnh đơn giá, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công các gói thầu, không có khối lượng hoàn thành thì không thể giải ngân vốn, vì thế tiến độ giải ngân vốn của dự án cũng chậm theo.

 

Chậm từ nhiều lý do khác

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết trong giải ngân vốn vay ODA có hai trường hợp, một là Chính phủ đứng ra vay tiền về, sau đó giải ngân thì nguồn vay ODA này như ngân sách nhà nước, nếu không giải ngân được thì Chính phủ, địa phương vẫn phải trả lãi vay.

Trường hợp thứ hai là dựa trên cam kết giải ngân, hết thời hạn không giải ngân được thì hủy. Dự án giải ngân được bao nhiêu thì tính lãi vay bấy nhiêu, hết thời hạn không giải ngân được thì hủy hợp đồng vay vốn.

Theo TS Võ Trí Thành – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, vài năm trở lại đây giải ngân vốn vay ODA rất chậm. Trước mắt tình trạng này liên quan tới các cơ chế điều tiết từ nhà tài trợ, khung khổ pháp lý trong nước.

Đang có sự lệch nhau giữa cơ chế của nhà tài trợ, bên cung cấp ODA và khung khổ pháp lý trong nước, việc điều chỉnh không hề đơn giản. Ngoài ra giải ngân ODA chậm có những nguyên nhân như giải ngân đầu tư công.

 

Xử lý nghiêm để tránh lặp lại

QD_Metro_BenThanh-ThamLuon

Tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương (TP.HCM) chậm tiến độ, hiệp định vay vốn đã hết hạn nhưng dự án chưa khởi công – Ảnh: QUANG ĐỊNH

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng việc giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chậm đang gây lãng phí rất lớn vì vay vốn thì phải trả lãi. Có tiền không tiêu được, để vốn ứ đọng cho thấy sự thiếu trách nhiệm của những người quản lý, thực hiện dự án.

Theo vị chuyên gia này, có rất nhiều lý do dẫn tới giải ngân vốn chậm như thủ tục kéo dài, cơ chế mới, do giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, giá đất đang lên, ảnh hưởng lớn tới công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, nhưng chúng ta cần có những giải pháp cụ thể.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quang Việt, viện phó Viện nghiên cứu kinh tế chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nằm trong bối cảnh chung với tiến độ giải ngân các chương trình đầu tư từ vốn nhà nước đang giải ngân rất chậm.

Tình trạng giải ngân vốn chậm hiện nay có hai nguyên nhân, thứ nhất việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch các địa phương chậm. Tiến độ giải ngân vốn ở nhiều địa phương phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch.

Thứ hai là chi phí đầu vào tăng dẫn đến dự toán chi tiêu cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi mất rất nhiều thời gian để tính toán lại.

Rõ ràng những lý do khách quan là có nhưng không phải bộ, ngành nào hoặc tất cả các địa phương đều kêu khó, xin trả vốn hoặc thậm chí chưa giải ngân được đồng nào.

Một chuyên gia kinh tế nêu ý kiến

Một chuyên gia kinh tế cho rằng vốn ODA có lợi thế lớn là lãi vay thấp nhưng luôn kèm theo các điều kiện vay vốn như chi phí máy móc, thiết bị, vật tư, chi thuê chuyên gia tư vấn từ nước cho vay nên nhiều dự án không còn hấp dẫn.

Tuy nhiên với các bộ, ngành, địa phương đã nhận vốn tám tháng qua rồi trả lại thì cần có chế tài nghiêm để những năm sau thay đổi theo hướng tốt hơn.

Ông Long cũng đề xuất phải xử lý trách nhiệm của cả các bộ, ngành chậm giải ngân vốn và các bộ, ngành không giải ngân được nhưng đề xuất trả lại vốn vì nếu không xử lý nghiêm để răn đe thì bệnh nan y này sẽ còn tiếp diễn không chỉ những tháng cuối năm mà còn cả năm sau.

“Với những bộ, ngành, địa phương có dự án không giải ngân được vốn hoặc giải ngân chậm cần cân nhắc để hạn chế, thậm chí không giao vốn thêm cho dự án khác trong năm sau”, ông Long nêu quan điểm.

Bên cạnh đó cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định, cấp, phân bổ vốn, nếu họ không giải ngân được vốn mà vẫn giao thêm vốn thì cũng cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan này. Hằng năm việc phân bổ vốn đầu tư công đều được xem xét rất kỹ nên cần làm nghiêm từ khâu này.

BẢO NGỌC

B.NGỌC – N.AN – H.THƯƠNG – T.THẮNG
TTO